Học viện Biên phòng công bố phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2024

Năm 2024, Học viện Biên phòng sử dụng 4 phương thức xét tuyển với tổng số 405 chỉ tiêu.

Học viện Biên phòng tiền thân là Trường Sĩ quan Công an nhân dân vũ trang được thành lập ngày 20/5/1963.

Học viện Biên phòng có nhiệm vụ:

Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Biên phòng cấp phân đội và cấp chiến chuật - chiến dịch có trình độ bậc Cao đẳng, Đại học và bậc Sau đại học.

Đào tạo cán bộ theo chức danh như: Chỉ huy đồn Biên phòng, chỉ huy Biên phòng cấp tỉnh, thành phố và tập huấn, bồi dưỡng cán bộ Biên phòng các cấp.

Đào tạo học viên quốc tế (hiện đang đào tạo Đại học và tập huấn cán bộ cho Quân đội Hoàng gia Campuchia và Quân đội nhân dân Lào).

Đào tạo cán bộ cho Bộ Công an có trình độ Cao đẳng, Đại học và Sau đại học (hiện đang đào tạo Cao đẳng, Đại học ngành Cảnh sát Bảo vệ mục tiêu và Cảnh sát Cơ động).

Cử giáo viên và sĩ quan biệt phái phụ trách Trung tâm giáo dục quốc phòng an ninh sinh viên Tây Bắc.

Liên kết với một số trường đại học đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đất nước.

Nghiên cứu khoa học chuyên ngành, phục vụ yêu cầu, nhiệm vụ công tác và chiến đấu của Bộ đội Biên phòng.

Đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục Quốc phòng - An ninh trình độ Đại học.

Đào tạo trình độ đại học chính quy ngành Luật

Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng giao.

Học viên Học viện Biên phòng

Học viên Học viện Biên phòng

Năm 2024, Học viện Biên phòng sử dụng 4 phương thức xét tuyển với tổng số 405 chỉ tiêu.

Phương thức tuyển sinh của Học viện Biên phòng

1. Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển học sinh giỏi bậc Trung học phổ thông (THPT) không quá 15% chỉ tiêu.

2. Xét tuyển dựa vào học bạ THPT không quá 10% chỉ tiêu cho các đối tượng đã tốt nghiệp THPT có điểm tổng kết chung từng năm học THPT đạt từ 7,0 điểm trở lên và điểm tổng kết các môn thuộc tổ hợp xét tuyển của trường từng năm học đạt từ 7,5 điểm trở lên.

3. Xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do các trường đại học trong nước tổ chức không quá 20% chỉ tiêu cho thí sinh:

- Có kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội từ 75 điểm trở lên (thang điểm tối đa là 150 điểm).

- Có kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh từ 600 điểm trở lên (thang điểm tối đa là 1.200 điểm).

4. Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Lưu ý: Thí sinh được tham gia xét tuyển tất cả các phương thức; Học viện Biên phòng sẽ thông báo tiêu chí xét tuyển khi có thông tin chính thức.

Chỉ tiêu tuyển sinh của Học viện Biên phòng

Học viện Biên phòng tuyển sinh 405 chỉ tiêu, trong đó có 05 chỉ tiêu đi nước ngoài (khi thí sinh trúng tuyển sẽ có thông báo về tiêu chí đi nước ngoài của Cục Cán bộ/TCCT).

* Ngành Biên phòng: Tổng số: 375 chỉ tiêu (tổ hợp C00: 300; tổ hợp A01: 75) trong đó có 02 chỉ tiêu đi nước ngoài, cụ thể:

+ Phía Bắc: 176 chỉ tiêu (tổ hợp C00: 141; tổ hợp A01: 35).

+ Phía Nam: 199 chỉ tiêu (tổ hợp C00: 159; tổ hợp A01: 40).

Quân khu 4: 15 chỉ tiêu (tổ hợp C00: 12; tổ hợp A01: 03).

Quân khu 5: 75 chỉ tiêu (tổ hợp C00: 60; tổ hợp A01: 15).

Quân khu 7: 53 chỉ tiêu (tổ hợp C00: 42; tổ hợp A01: 11).

Quân khu 9: 56 chỉ tiêu (tổ hợp C00: 45; tổ hợp A01: 11).

* Ngành Luật: Tổng số: 30 chỉ tiêu (tổ hợp C00: 30), cụ thể:

+ Phía Bắc: 21 chỉ tiêu.

+ Phía Nam: 09 chỉ tiêu.

Vùng tuyển sinh của Học viện Biên phòng

* Ngành Biên phòng: Tuyển 47% chỉ tiêu thí sinh có nơi thường trú ở phía Bắc (từ Quảng Bình trở ra), thí sinh có nơi thường trú tại các tỉnh phía Nam được xác định đến từng quân khu: Quân khu 4 (tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế: 04%, Quân khu 5: 20%, Quân khu 7: 14%, Quân khu 9: 15%).

* Ngành Luật: Tuyển 70% chỉ tiêu thí sinh có nơi thường trú ở phía Bắc (từ tỉnh Quảng Bình trở ra); 30% chỉ tiêu thí sinh có nơi thường trú ở phía Nam (từ Quảng Trị trở vào).

Hồng Huệ

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/hoc-vien-bien-phong-cong-bo-phuong-an-tuyen-sinh-dai-hoc-chinh-quy-nam-2024-122119.htm