'Học viện Giucốpski một thời để nhớ'
Kỷ niệm 70 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Liên bang Nga (30-1-1950 / 30-1-2020) như gợi mở cho tôi đọc lại cuốn sách 'Học viện Giucốpski một thời để nhớ' do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 2010.
Cuốn sách do Ban liên lạc Cựu học viên Việt Nam Học viện Giucốpski biên soạn. Cuốn sách chứa đựng đầy ắp những ký ức về các hoạt động, tình cảm thầy trò của các thế hệ học viên quân sự Việt Nam học tập, nghiên cứu từ năm 1956 đến 1992 tại Học viện kỹ thuật Không quân N.E Giucốpski (gọi tắt là Học viện Giucốpski), Liên Xô trước đây.
Tôi được tặng cuốn sách này trong hoàn cảnh khá đặc biệt. Ấy là dịp Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam phối hợp với Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội tổ chức Lễ tưởng niệm mang tên "Binh đoàn bất tử" ở Khu di tích Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội). Tại đó, tôi gặp và trò chuyện với Đại tá Đỗ Quang Việt, nguyên Phó giám đốc Học viện Phòng không-Không quân, người từng có hơn 6 năm học tập, công tác tại Nga. Những câu chuyện giữa tôi và Đại tá Đỗ Quang Việt đều xoay quanh một chủ đề: Tình cảm của người Nga dành cho học viên Việt Nam khi học tập tại nước bạn. Cuối buổi trò chuyện, Đại tá Đỗ Quang Việt tặng tôi cuốn sách "Học viện Giucốpski một thời để nhớ".
Với 600 trang, cuốn sách chia thành hai phần. Phần thứ nhất, tập hợp các bài viết, ghi chép của cựu học viên Việt Nam học tập, nghiên cứu tại Học viện Giucốpski; phần thứ hai là những hình ảnh của cựu học viên Việt Nam trên đất nước bạn và tình cảm thầy trò gặp lại nhau trên đất nước Việt Nam.
Càng đọc, càng xem, tôi càng cảm nhận sâu sắc tình cảm chân thành, sự ưu ái đặc biệt mà người Nga dành cho học viên Việt Nam cũng như những ấn tượng tốt đẹp mà các học viên Việt Nam để lại ở đất nước bạn. Mỗi câu chuyện trong cuốn sách giúp tôi thêm hiểu về mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây, Liên bang Nga ngày nay luôn nồng ấm, tin cậy, vượt qua mọi thử thách của thời gian và những biến động của lịch sử.
Với tôi, cuốn sách là một trong những minh chứng rõ ràng nhất về đường lối ngoại giao đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta, thể hiện tinh thần yêu chuộng hòa bình và đoàn kết quốc tế mà nhờ đó chúng ta luôn nhận được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.