Học viện Tài chính nêu lý do xác định mức học phí từ 170-680 triệu đối với CTLK
Theo học chương trình liên kết quốc tế DDP, sinh viên được lựa chọn đăng ký học tại Việt Nam hoặc du học Vương quốc Anh vào cuối năm thứ 3.
Trong bối cảnh hội nhập, xu hướng hợp tác quốc tế thông qua các chương trình liên kết đào tạo nở rộ. Tuy nhiên, một trong những vấn đề đáng chú ý là đảm bảo chất lượng của các chương trình này cũng như quyền lợi chính đáng cho người học.
Theo tìm hiểu, Học viện Tài chính mở rộng hợp tác liên kết đào tạo quốc tế với 2 đối tác là Đại học Toulon (Cộng hòa Pháp) và Đại học Greenwich (Vương quốc Anh).
Chương trình liên kết đào tạo mỗi bên cấp 1 bằng cử nhân (DDP) giữa Học viện Tài chính và Đại học Greenwich được cấp phép theo Quyết định số 2361/QĐ-BGDĐT ngày 8/7/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Quyết định gia hạn số 2290/QĐ-BGDĐT ngày 7/7/2021. Ngành đào tạo là Tài chính - Ngân hàng.
Chương trình liên kết quốc tế (AOF-ITP) giữa Học viện Tài chính và Đại học Toulon đào tạo Cử nhân Bảo hiểm – Ngân hàng – Tài chính và Kế toán – Kiểm soát – Kiểm toán. Chương trình cử nhân Tài chính - Ngân hàng - Bảo hiểm cấp phép theo Quyết định số 3129/QĐ-BGDĐT ngày 05/8/2010 và gia hạn cấp phép theo Quyết định số 758/QĐ-BGDĐT ngày 18/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chương trình cử nhân Kế toán – Kiểm soát – Kiểm toán cấp phép theo Quyết định số 1408/QĐ-BGDĐT ngày 24/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thông tin từ website nhà trường cho biết, đối với chương trình liên kết với Đại học Toulon, sinh viên tốt nghiệp sẽ nhận bằng đại học do Bộ Giáo dục Cộng hòa Pháp cấp. Còn chương trình liên kết với Đại học Greenwich sinh viên khi tốt nghiệp có đồng thời 2 bằng chính quy (do Học viện Tài chính và Đại học Greenwich cấp bằng).
Năm 2023, Học viện Tài chính tuyển 120 chỉ tiêu theo chương trình liên kết với Đại học Greenwich và 180 sinh viên ngành Bảo hiểm – Ngân hàng – Tài chính; Kế toán – Kiểm soát – Kiểm toán theo chương trình liên kết với Đại học Toulon.
Chương trình DDP, Học viện Tài chính đã có 4 khóa tốt nghiệp
Để làm rõ những thông tin liên quan đến chương trình liên kết đào tạo quốc tế, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trịnh Thanh Huyền - Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế, Học viện Tài chính.
Trước câu hỏi của phóng viên "Từ năm 2019 đến nay, Học viện Tài chính đã có bao nhiêu khóa sinh viên tốt nghiệp các chương trình liên kết?", Tiến sĩ Trịnh Thanh Huyền cho biết: “Chương trình DDP đến nay đã có 4 khóa tốt nghiệp. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm của chương trình là hơn 98%, rất nhiều cựu sinh viên của chương trình đang công tác tại Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Ủy ban Giám sát tài chính, các ngân hàng, công ty kiểm toán lớn…
Bên cạnh đó, nhiều sinh viên chương trình DDP sau khi tốt nghiệp giành được những suất học bổng danh giá của các trường đại học trên toàn cầu hay tiếp tục khẳng định bản thân bằng kết quả thi ACCA (chứng chỉ do Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc cấp). Chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm của chương trình là 120 chỉ tiêu, quy mô đào tạo của chương trình này là 480-500 sinh viên”.
Theo cô Huyền, sau khi tốt nghiệp chương trình DDP, sinh viên sẽ nhận được cùng lúc 2 bằng đại học. Theo đó, Học viện Tài chính cấp bằng Cử nhân Tài chính – Ngân hàng; Đại học Greenwich cấp bằng cử nhân Kế toán - Tài chính.
Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế, Học viện Tài chính nhấn mạnh thêm: "Chương trình được Hiệp hội kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) công nhận và miễn thi 9 môn từ F1-F9. Đây là chứng chỉ hành nghề Kế toán – Kiểm toán chuyên nghiệp, là tấm visa toàn cầu cho các Kế toán viên, Kiểm toán viên chuyên nghiệp".
Mức học phí được xác định căn cứ trên nhiều yếu tố
Về học phí, năm học 2023 – 2024 sinh viên theo học chương trình liên kết giữa Học viện Tài chính và Đại học Toulon phải đóng 57 triệu đồng/năm (tương đương 171 triệu đồng/khóa/3 năm) đối với ngành Bảo hiểm – Ngân hàng – Tài chính và 60 triệu đồng/năm (tương đương 180 triệu đồng/khóa/3 năm) đối với ngành Kế toán – Kiểm soát – Kiểm toán.
Năm thứ nhất và năm thứ hai sinh viên nộp học phí theo kỳ, mỗi năm gồm 2 học kỳ chính. Mức thu cụ thể được phân bổ theo từng kỳ. Năm thứ ba, sinh viên nộp học phí cả năm vào đầu năm học. Từ những năm học sau học phí có thể thay đổi (nếu tăng thì không quá 10% so với năm học trước).
Ngoài học phí, sinh viên cần phải nộp 1 lần phí ghi danh khi vào năm thứ ba theo quy định của Bộ Giáo dục (Cộng hòa Pháp) tại thời điểm thu.
Chương trình liên kết đào tạo mỗi bên cấp một bằng đại học giữa Học viện Tài chính với Đại học Greenwich xác định mức học phí không thay đổi trong suốt khóa học. Học phí áp dụng cho khóa học 2023-2027 như sau:
Học phí cho 3 năm đầu học trong nước là 210 triệu đồng, tương đương 70 triệu đồng mỗi năm học.
Học phí năm cuối là 70 triệu đồng đối với sinh viên học tại Viện Đào tạo Quốc tế, Học viện Tài chính và 470 triệu đồng đối với sinh viên học tại Đại học Greenwich (Vương quốc Anh).
Lý giải về căn cứ đưa ra mức học phí nêu trên, Tiến sĩ Trịnh Thanh Huyền cho biết: "Để xác định mức học phí của chương trình DDP cần căn cứ vào nhiều yếu tố như: Thỏa thuận hợp tác, chi phí vận hành chương trình, chi phí đầu tư cho cơ sở vật chất, mời giảng viên, nghiên cứu nhu cầu thị trường… Mức học phí này đã trình bày chi tiết trong Đề án cấp phép/ gia hạn chương trình và được Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cấp có thẩm quyền phê duyệt".
Thực hiện các quy trình kiểm định đối tác 2 lần
Về kiểm định chất lượng chương trình liên kết, phóng viên băn khoăn, kể từ khi Luật số 34/2018/QH14 có hiệu lực (1/7/2019) chưa thấy chương trình liên kết nào của nhà trường được kiểm định. Về nội dung này, cô Huyền chia sẻ, với chương trình DDP, sinh viên được lựa chọn và đăng ký học tại Việt Nam hoặc du học Vương quốc Anh vào cuối năm thứ 3. Dù học theo hình thức nào thì việc học, thi đều phải tuân thủ các quy định, tiêu chí đánh giá đảm bảo chất lượng của Đại học Greenwich.
Theo đó, sinh viên học tại Việt Nam và Vương quốc Anh thi cùng 1 đề thi trên cùng 1 múi giờ, nộp bài và chấm trực tuyến trên hệ thống chung của trường, kết quả đánh giá xếp loại do Hội đồng đánh giá của Đại học Greenwich phê duyệt và được công nhận tương đối độc lập với bằng cấp do Học viện Tài chính cấp.
"Chương trình DDP phải tuân thủ quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục của cả 2 phía: Đại học Greenwich tại Vương quốc Anh và Học viện Tài chính tại Việt Nam. Bên cạnh việc tuân thủ các quy định về kiểm định chất lượng đối với Đại học Greenwich, định kỳ 5 năm/lần, Học viện Tài chính phối hợp đón đoàn đánh giá đến Việt Nam và tiến hành các quy trình kiểm định đối tác nhằm đánh giá chất lượng và quyết định việc tiếp tục gia hạn thỏa thuận hợp tác với Học viện. Cho đến nay, trường đã thực hiện các quy trình kiểm định đối tác 2 lần vào năm 2017 và năm 2022.
Về phía Học viện Tài chính – cơ sở giáo dục cấp bằng Cử nhân Tài chính – Ngân hàng, năm 2023 vừa qua đã được công nhận là cơ sở giáo dục đại học đảm bảo chất lượng, đồng thời hoàn thành quy trình kiểm định ngành Kế toán. Hiện Học viện Tài chính đang tiếp tục tiến hành quy trình kiểm định với 2 ngành: Tài chính – Ngân hàng và Quản trị kinh doanh.
Ngoài ra để được Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh (ACCA) công nhận và miễn thi 9 môn từ F1-F9 cho sinh viên tốt nghiệp chương trình DDP, hàng năm Viện Đào tạo Quốc tế phải nộp bộ hồ sơ cập nhật gồm: Khung chương trình giảng dạy, đề thi, đáp án/ tiêu chí chấm điểm, bài thi mẫu và các tài liệu minh chứng theo quy định để duy trì việc miễn thi 9 môn cho sinh viên tốt nghiệp chương trình", Tiến sĩ Trịnh Thanh Huyền bày tỏ thêm.
Khoản 7, Điều 45, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14) quy định: “Cơ sở giáo dục đại học phải công bố công khai thông tin liên quan về chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, tính pháp lý của văn bằng nước ngoài được cấp tại nước cấp bằng và tại Việt Nam trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học và phương tiện thông tin đại chúng; hỗ trợ người học trong quá trình công nhận văn bằng giáo dục đại học; thực hiện kiểm định chương trình liên kết thực hiện tại Việt Nam ngay sau khi có sinh viên tốt nghiệp và kiểm định theo chu kỳ quy định.
Ngoài ra, qua tìm hiểu của phóng viên cho thấy điểm trúng tuyển của các chuyên ngành hệ liên kết đào tạo quốc tế theo chương trình DDP hai năm gần đây đều thấp hơn so với điểm trúng tuyển cùng ngành thuộc hệ chuẩn.
Về điều này, cô Huyền thừa nhận: "Điểm đầu vào hàng năm của chương trình tuy có lúc chênh lệch so với chương trình đại trà, tuy nhiên không hề thấp hơn so với mặt bằng chung của phân khúc tuyển sinh các chương trình liên kết khác.
Thí sinh đăng ký vào chương trình theo các phương thức xét tuyển được công bố công khai hàng năm theo quy định của Học viện Tài chính, hình thức đăng ký và đặt nguyện vọng xét tuyển tương tự với các mã ngành khác của Học viện. Căn cứ cơ sở dữ liệu về số lượng và thứ tự nguyện vọng xét tuyển của thí sinh thông qua cổng lọc ảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Học viện quyết định mức điểm trúng tuyển hàng năm của chương trình".
Chia sẻ về kế hoạch nâng cao chất lượng đào tạo chương trình liên kết quốc tế, thu hút người học, Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế, Học viện Tài chính cho hay, đơn vị luôn chú trọng việc kiểm soát, quản lý và từng bước nâng cao chất lượng chương trình thông qua các hoạt động như phối hợp triển khai các chương trình trao đổi giảng viên, tổ chức hội thảo khoa học quốc tế với trường đối tác.
Tuân thủ và thực hiện đúng các quy định về cập nhật chương trình giảng dạy, thống nhất tiêu chuẩn chấm điểm, tiêu chuẩn xét tốt nghiệp trong mạng lưới đối tác toàn cầu của Trường Đại học Greenwich, xây dựng và cập nhật Lý lịch khoa học của đội ngũ giảng viên giảng dạy chương trình hàng năm lên hệ thống quản lý chung của trường.
Thực hiện đúng quy trình đánh giá ngoài, kiểm định đối tác của Đại học Greenwich, Học viện Tài chính và Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc. Đồng thời tăng cường hoạt động thực tế, hoạt động giáo dục về cả kiến thức và kĩ năng cho sinh viên của chương trình DDP.
Khoản 2, Điều 13, Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22/1/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nêu rõ, phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về liên kết đào tạo theo các mức phạt sau:
a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi ký hợp đồng liên kết đào tạo không đầy đủ nội dung thỏa thuận về mức thu lệ phí tuyển sinh, học phí, trách nhiệm của các bên tham gia liên kết đào tạo theo quy định của pháp luật hiện hành;
b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm về trách nhiệm của các bên tham gia liên kết đào tạo;
c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi liên kết đào tạo cấp bằng chính quy;
d) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi liên kết đào tạo với đối tác không đúng quy định của pháp luật hiện hành;
đ) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi liên kết đào tạo khi chưa có văn bản cho phép thực hiện liên kết đào tạo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tự chủ liên kết đào tạo khi chưa bảo đảm điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành.