Hội An tiếp nối mạch nguồn di sản truyền thống
Cuối tháng 10 vừa qua, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam chính thức gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trên lĩnh vực Thủ công và Nghệ thuật dân gian.
Đây là cơ hội để Hội An phát triển mạnh mẽ hơn trên nền tảng các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao vị thế một thành phố sáng tạo của thế giới. Giải quyết hài hòa, cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, đồng thời gắn với việc tăng cường sinh kế, cải thiện đời sống của cộng đồng địa phương một cách bền vững sẽ là thách thức lớn đặt ra đối với thành phố Hội An.
Làng mộc Kim Bồng tại thôn Kim Bồng, xã Cẩm Kim, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam vừa tròn 500 năm tuổi. Làng được hình thành từ thế kỷ XV do những cư dân đồng bằng Bắc Bộ và vùng Thanh Nghệ Tĩnh di cư vào đây lập nghiệp trong quá trình khai khẩn vùng đất mới.
Cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII, nghề mộc Kim Bồng bắt đầu phát triển cùng sự phồn thịnh của thương cảng Hội An. Làng mộc Kim Bồng nổi tiếng vì hầu hết công trình kiến trúc bằng gỗ của Hội An xưa đều do bàn tay tài hoa của các nghệ nhân nơi đây tạo dựng.
Nhiều thợ mộc Kim Bồng được các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, sau này là triều đình nhà Nguyễn, mời ra xây dựng các công trình tại kinh thành Huế.
Tháng 6/2016, nghề mộc Kim Bồng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Trong cái se lạnh những ngày cuối năm, Nghệ nhân ưu tú Huỳnh Sướng tay đục tay bào, miệt mài với các tác phẩm gỗ điêu khắc. Cả đời gắn bó nghề mộc, những nghệ nhân như ông Sướng trải qua nhiều thăng trầm của nghề. Trong các cam kết của Hội An về xây dựng thành phố sáng tạo, "không gian làng nghề mộc Kim Bồng" sẽ trở thành một không gian sáng tạo, trình nghề là điều được các nghệ nhân, thợ thủ công mong đợi nhất.
Thành phố Hội An hiện có 5 làng nghề truyền thống với gần 50 ngành nghề thủ công. Nhiều trang chuyên về du lịch nổi tiếng trên thế giới từng bình chọn thành phố Hội An là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới nhờ sở hữu hệ thống làng nghề truyền thống, di sản văn hóa, lịch sử của dân tộc. Ở lĩnh vực Nghệ thuật dân gian, thời gian qua, thành phố Hội An phục dựng và phát triển, mở rộng không gian nghệ thuật biểu diễn. Nghệ thuật dân ca bài chòi được khôi phục, tiếp tục phát huy và trở thành sản phẩm riêng có của Hội An dành cho du khách. Nghệ thuật hô hát bài chòi những năm qua đã được đưa vào một số trường học trên địa bàn thành phố Hội An. Nghệ nhân Trần Thị Thu Hương, người nhiều năm “truyền lửa” đam mê cho thế hệ trẻ yêu thích dân ca thông qua các lớp học dân ca miễn phí tại thành phố Hội An tin rằng lớp trẻ sẽ giữ được di sản ông cha để lại.
Nghệ nhân Trần Thị Thu Hương nói: “Được học về nghệ thuật hô hát bài chòi các em học sinh tại thành phố Hội An rất đam mê. Khi các em nghe các thầy, cô hát bài chòi thì các em rất thích thú. Các em cũng ngồi hát theo say sưa”.
Tham gia Mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu UNESCO là quá trình Hội An thể hiện cam kết phát triển bền vững trên nền tảng tài nguyên bản địa. Tất cả hoạt động về thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian đều phải có tính tương tác, nếu tách rời khỏi cộng đồng thì tài nguyên, di sản văn hóa ở Hội An sẽ bị đứt gãy. Nhiều nghệ nhân và người dân thành phố Hội An cho rằng, ngoài việc xây dựng cơ chế, chính sách khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống hay xây dựng không gian sáng tạo cho các nghệ nhân thì cần phải có giải pháp giúp các nghệ nhân, người lao động trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian có được thu nhập ổn định, gắn bó với nghề. Thành phố hiện có 658 doanh nghiệp nhỏ và 1.710 hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian. Ước tính có khoảng 4.000 người lao động trực tiếp có thu nhập trung bình từ 85 triệu đồng đến gần 100 triệu đồng mỗi năm từ nghề thủ công và nghệ thuật dân gian.
Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết, gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là điều kiện thuận lợi cho thành phố Hội An định vị thương hiệu, thu hút đầu tư, tập trung các chương trình phát triển giáo dục và các sự kiện văn hóa, sáng tạo, phát triển bền vững.
Ông Lanh cho biết: “Gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO sẽ giúp Hội An nhìn nhận ra nhiều phương pháp hơn thay vì cách làm lẻ tẻ và chỉ làm theo cảm hứng, tự phát. Từ bây giờ mọi chương trình, kế hoạch phát triển nghề thủ công và nghệ thuật dân gian có sự tham gia sâu hơn ở vai trò kiến tạo của Nhà nước và vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng tôi luôn giữ vai trò cảm hứng sáng tạo của cộng đồng trong quá trình phát triển nghề thủ công và nghệ thuật dân gian”.
Điều mà người dân phố Hội và những ai yêu mến thành phố này quan tâm là chính quyền thành phố làm gì để đảm bảo cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, gắn với việc tăng cường sinh kế, cải thiện đời sống của cộng đồng một cách bền vững. Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam khẳng định, từ khi Đô thị cổ Hội An chính thức công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới (năm 1999) cho đến năm 2023 gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu, hai nội dung quan trọng mà cộng đồng quốc tế và UNESCO luôn luôn đánh giá cao thành phố Hội An đó là bảo tồn và phát triển.
"Vừa bảo tồn các giá trị văn hóa, các giá trị cộng đồng nhưng vừa phải phát triển các giá trị đó để nâng cao thu nhập cho người dân, rồi cải thiện môi trường sinh thái, trùng tu, tôn tạo các di sản vật thể và phi vật thể tại thành phố này", ông Hồng nói.