Hội chẩn ngay, bốc thuốc luôn
Nhìn lại bối cảnh thị trường bất động sản những năm gần đây, phải ghi nhận về tốc độ và phạm vi tăng trưởng của nó. Đương nhiên, đi cùng với đó là việc 'hút' dòng tiền lớn.
Không khó để nhận thấy, nhiều doanh nghiệp bất động sản đều sở hữu một ngân hàng công khai hoặc ngầm nhằm huy động vốn. Quả thực, tiền cất kỹ trong rương của người dân đã có lúc ồ ạt đổ vào bất động sản.
Nói như vậy không phải để phê phán kiểu: Tiền chỉ chảy vào túi nhà giàu. Trong từng giai đoạn, cần thiết phải có thời điểm phát triển nóng để đáp ứng về nhu cầu nhà ở như vậy. Rõ ràng phân khúc nhà ở tầm trung, giá hợp lý đang có cầu lớn. Người lao động trẻ chiếm đa số dân số, họ đang rất cần và đúng như một trong những chiến lược của Bộ xây dựng: Xây nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân lao động. Việc này, từ năm ngoái đã được nhiều tập đoàn bất động sản lớn tuyên bố chuyển hướng.
Nhìn một cách khách quan, thị trường bất động sản vừa qua tích cực nhiều hơn tiêu cực. Những doanh nghiệp lớn, làm ăn đàng hoàng thực sự tạo ra những sản phẩm tốt, góp phần cải thiện hạ tầng cũng như bộ mặt đô thị. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại những đơn vị không kiểm soát nổi lòng tham trổ nhiều trò mánh mung, thao túng, gây tác động xấu tới nền kinh tế. “Cái chết” của những quan chức thoái hóa và đại gia lũng đoạn vừa rồi là một trong những chỉ dấu cảnh báo giới hạn lòng tham. Quản trị quốc gia không thể nào để cho ai đó bắt tay trong bóng tối, trong bối cảnh dịch bệnh và suy thoái toàn cầu hoành hành. Chỉ cần quan sát cách thức phát triển doanh nghiệp của một số “đại gia” có thể thấy kết cục đến không sớm thì muộn. Để có dòng tiền, một số đã thực sự bất chấp pháp luật.
Kiểu làm ăn chụp giật, cơ hội đã tác động về tâm lý với những doanh nhân bất động sản chân chính. Ngoài tâm lý, họ còn đối mặt tình trạng thiếu dòng tiền để triển khai dự án (nhất là những dự án dở dang). Trong mỗi doanh nghiệp, còn biết bao nhiêu phận người lao động, các nhà thầu xây dựng. Trung Quốc cuối năm ngoái đã có động thái giải cứu thị trường bất động sản bằng việc nới lỏng tín dụng. Cách làm của họ không “bơm” vốn đại trà mà chọn lọc những doanh nghiệp mạnh, làm ăn đứng đắn.
Ở ta, Bộ Xây dựng đã thể hiện sự quyết tâm làm lành mạnh thị trường; Ngân hàng Nhà nước phát biểu nhiều, nhưng dường như đang “chuyền bóng” lên cao hơn. Mỗi năm ước tính ngành xây dựng đóng góp 16% GDP, trong đó liên quan đến bất động sản đóng góp khoảng 9%. Nếu thị trường này “vỡ trận”, hệ lụy sẽ không nhỏ.
“Giải cứu hay không giải cứu” sẽ không giống câu chuyện bói vặt cánh hoa nữa, mà thực sự cần một sự quyết tâm, bản lĩnh của lãnh đạo các bộ, ngành liên quan. Đừng để hội thảo nhiều mà không đi vào trọng tâm câu chuyện.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hoi-chan-ngay-boc-thuoc-luon-post1510736.tpo