Hội chẩn nhiều chuyên khoa gắp xương gà nằm sâu trong thực quản cụ ông
Ông M. P. B., 75 tuổi ở TP Cần Thơ, yếu nửa người phải do di chứng tai biến nhồi máu não. Ông B được gia đình đưa vào viện do nuốt vướng, nghẹn vùng ngực, nghi do hóc xương gà.
Đến bệnh viện tuyến dưới, các bác sĩ đã tiến hành nội soi ghi nhận dị vật ở 1/3 thực quản trên, tiến hành lấy dị vật nhưng không thành công nên chuyển bệnh nhân đến BVĐK Trung ương Cần Thơ vào lúc 9h15 ngày 14/5/2024.
Ngay sau khi nhập viện, bệnh nhân được chỉ định nội soi thực quản – dạ dày ống mềm lấy dị vật nhưng không thành công. Bệnh nhân được hội chẩn nhiều chuyên khoa: Nội soi, Nội Tiêu hóa, Tai Mũi Họng, Ngoại Lồng ngực mạch máu, Ngoại Tổng hợp, Gây mê hồi sức đồng thời tiến hành chụp cắt lớp vi tính lồng ngực kiểm tra vị trí dị vật cũng như khả năng xâm lấm mô xung quanh.
Các bác sĩ tiến hành nội soi ống cứng lấy dị vật có sự hỗ trợ gây mê tại phòng phẫu thuật với sự tham gia của các bác sĩ nhiều chuyên khoa. Ê kíp nội soi Khoa Tai Mũi Họng tiến hành soi thực quản, cách cung răng khoảng 19cm và trên cung động mạch chủ khoảng 1cm phát hiện dị vật xương gà và thịt, tiến hành gắp dị vật thành công, lấy ra nhiều mảnh cơ và xương gà dài khoảng 4cm, kiểm tra thực quản có nhiều vết loét, sung huyết, phù nề, hút sạch dịch trong thực quản. Đặt sonde dạ dày nuôi ăn, thủ thuật kéo dài khoảng 30 phút.
Hiện nay bệnh nhân tỉnh, giảm hẳn các triệu chứng đau, nghẹn vùng ngực, uống được và đang được theo dõi và điều trị tại Khoa Tai Mũi Họng.
BSCKII. Lâm Chánh Thi – Trưởng khoa Tai Mũi Họng (người trực tiếp nội soi bệnh nhân), BVĐK Trung ương Cần Thơ cho biết: Dị vật thực quản là một cấp cứu thường gặp trong Tai Mũi Họng, do dị vật ở sâu trong cổ, trong ngực nên rất phức tạp về mặt chẩn đoán và xử trí.
Đặc biệt, có nhiều trường hợp phổ biến và diễn biến nguy hiểm đến tính mạng. Nguyên nhân thường gặp nhất như thói quen hay đưa vật vào miệng ở trẻ em; hóc hàm răng giả ở người già; hay các trường hợp ăn nhanh, cười đùa trong khi ăn, yếu nhu động thực quản ở người già, bệnh lý hẹp thực quản... Việc tiên lượng bệnh tùy thuộc vào kích thước, hình thái, bản chất dị vật và thời gian bị hóc.
Sau khi mắc dị vật thực quản, dị vật có thể đâm xuyên qua hoặc làm hoại tử dần niêm mạc, cơ và thanh mạc, cùng với sự co thắt thực quản và quá trình viêm sẽ đẩy nhanh quá trình di chuyển của dị vật vào các khoang kế cận.
Thời gian dị vật ở trong lòng thực quản càng lâu thì nguy cơ hoại tử và thủng thực quản càng cao. Vì vậy, chẩn đoán và điều trị sớm là yếu tố quan trọng nhất trong dị vật thực quản.
Thực hiện lấy dị vật cho bệnh nhân trên là kỹ thuật khá phức tạp vì dị vật lớn, nhiều ngạnh cắm vào thực quản và đặc biệt dị vật ở vị trí rất gần với cung động mạch chủ, trong quá trình thủ thuật có thể xảy ra nguy cơ ảnh hưởng mạch máu, đòi hỏi ê-kíp dự phòng các phương án có thể xảy ra và xử trí kịp thời.
Với sự tập trung cao của các bác sĩ, sự phối hợp tốt của các chuyên khoa, quá trình lấy dị vật thuận lợi, sức khỏe bệnh nhân ổn định sau thủ thuật.
Theo ghi nhận, dị vật thực quản thường gặp là: răng giả, niềng răng, hạt hoa quả, đồng xu, các loại xương cá, xương gà, thịt lợn…. Việc lấy dị vật sớm qua phương pháp nội soi giúp bệnh nhân giải quyết triệt để nguyên nhân, thời gian phục hồi sớm, hạn chế biến chứng với chi phí điều trị thấp, là lựa chọn hàng đầu trong các phương pháp lấy dị vật qua đường tiêu hóa.
Để phòng tránh dị vật đường tiêu hóa, bác sĩ khuyến cáo cần ăn chậm, nhai kỹ, không nên vừa ăn vừa nói chuyện, bỏ thói quen ngậm tăm hay các vật dụng khác bằng miệng, không đùa giỡn với các vật dụng có đầu sắc nhọn...
Người già và trẻ nhỏ tránh ăn thức ăn dai như da, gân; thức ăn cần được cắt nhỏ nấu kỹ. Người có răng giả cần thận trọng khi ăn uống, thường xuyên kiểm tra độ vững chắc của răng giả. Vật dụng hay đồ chơi nhỏ nên để xa tầm tay trẻ để phòng trường hợp trẻ cho vào miệng nuốt và hóc dị vật.
Khi hóc dị vật, người dân cần đến khám và điều trị can thiệp tại các cơ sở y tế chuyên khoa, không nên tự ý điều trị tại nhà hoặc điều trị mẹo theo dân gian làm dị vật di chuyển phức tạp, thời gian càng lâu thì nguy cơ biến chứng càng cao có thể nguy hiểm đến tính mạng.