Hội chứng cuồng nhiệt

Việc hàng ngàn nam nữ thanh niên đổ ra đường, gây ách tắc giao thông kéo dài ở trung tâm quận 1, TP Hồ Chí Minh để chờ đón diễn viên Hàn Quốc Ji Chang Wook, đến TP này theo lời mời của một nữ ca sỹ Việt Nam, đang thu hút nhiều quan tâm và phê phán của cộng đồng xã hội.

Sự cuồng nhiệt vượt quá giới hạn của hàng ngàn người trẻ tuổi vào ngày 10/9 ở khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh, không chỉ khiến nam diễn viên (thủ vai Hoàng đế Ta Hwan trong phim truyền hình Hoàng hậu Ki của Hàn Quốc) phải hoảng sợ, hủy bỏ chương trình giao lưu, vội vã về nước; mà còn đặt ra nhiều câu hỏi về thái độ, nhận thức, lối sống của bộ phận không nhỏ những người trẻ tuổi ngày hiện nay.

Hàng trăm bạn trẻ đứng chật sảnh đón, chờ đợi diễn viên Ji Chang Wook trưa 10/9. (Ảnh từ internet).

Hàng trăm bạn trẻ đứng chật sảnh đón, chờ đợi diễn viên Ji Chang Wook trưa 10/9. (Ảnh từ internet).

Cuồng nhiệt là trạng thái tâm lý, tình cảm khá phổ biến trong đời sống xã hội ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Sự cuồng nhiệt của những người trẻ trước các sự kiện thể thao, giải trí và với ca sỹ, diễn viên mà họ ưa thích hoặc coi như thần tượng là hiện tượng hết sức bình thường trong đời sống sinh hoạt - không chỉ ở các đô thị lớn mà còn cả ở những vùng hẻo lánh xa xôi. Tài tử điện ảnh xứ Hàn 32 tuổi đến TP Hồ Chí Minh theo lời mời của nữ ca sỹ trẻ Diệp Lâm Anh chỉ để tham gia một sự kiện giao lưu nhỏ ở một nhà hàng trà sữa nhưng từ trưa 10/9, hàng trăm bạn trẻ đã đứng chật sảnh đón của sân bay Tân Sơn Nhất để chờ đợi. Cho đến tối cùng ngày, hàng ngàn nam, nữ thanh niên đổ ra đứng chật các tuyến đường quanh nơi tổ chức sự kiện ở quận 1, TP Hồ Chí Minh, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng trong nhiều giờ, buộc lực lượng an ninh phải áp dụng những biện pháp mạnh để giải tán. Hình ảnh và clip ghi lại cảnh chờ đón diễn viên xứ Hàn của hàng ngàn bạn trẻ ở TP Hồ Chí Minh đăng tải trên các phương tiện truyền thông, đã khiến cộng đồng bày tỏ nhiều trạng thái cảm xúc. Không chỉ phê phán, rất nhiều người chia sẻ trên facebook cá nhân rằng họ cảm thấy hổ thẹn với cảnh đón tiếp “quá lố” này của các bạn trẻ. Đúng là có gì đó không bình thường trong sự kiện xã hội bột phát này. Thay vì chờ đón thần tượng trong trật tự, số đông bạn trẻ lại bày tỏ phấn khích bằng ngôn ngữ và thái độ như của người vô thức. Cũng có thể nói rằng, một số trong hàng ngàn nam nữ thanh niên đứng chật sảnh sân bay và các tuyến đường trung tâm quận 1 TP Hồ Chí Minh, từ trưa đến đêm 10/9 chỉ loáng thoáng mơ hồ nghe đến tên chàng diễn viên điển trai của Hàn Quốc nhưng cũng bỏ công ăn việc làm, hòa vào đám đông.

Hội chứng cuồng nhiệt không chỉ bột phát ở các TP lớn mà còn xuất hiện ở những nơi xa xôi, hẻo lánh. Hơn 10 năm trước, tại huyện miền núi Tây Giang của tỉnh Quảng Nam từng rộ lên phong trào lấy tên diễn viên Hàn Quốc đặt tên cho những đứa bé mới ra đời. Cùng với chiếc chảo vệ tinh trên nóc nhà sàn để tiếp sóng phim truyền hình Hàn Quốc, một số ngôi làng Cơ Tu của 2 huyện Tây Giang và Đông Giang (Quảng Nam) xuất hiện những đứa trẻ có tên gọi vừa Cơ Tu, vừa Hàn Quốc như Briu Thị Hy Su, Pơ Loong San Diu, Pơ Loong San Ốc, A Lăng Na Ra, Blup Thị Na Su. Riah Thị U Su, A Lăng Đông Gun. Blup Thị De Chan Kưm, A Lăng Giang Đông He…Phong trào lấy tên diễn viên phim truyền hình Hàn Quốc đặt tên cho con ở Tây Giang và Đông Giang lan rộng, làm cán bộ tư pháp, hộ tịch ở địa phương lúng túng. Chỉ khi báo chí lên tiếng, cán bộ cấp trên về vận động, chấn chỉnh, việc lấy tên diễn viên xứ Kim Chi đặt tên cho trẻ em Cơ Tu mới thuyên giảm.

Hội chứng như nói trên có nguyên nhân sâu xa từ sự thờ ơ trong định hướng chuẩn mực văn hóa (thông qua phim ảnh, nghệ thuật). Có thể nói rằng trong nhiều thập kỷ qua, chúng ta gần như có rất ít bộ phim đứng được trong lòng khán giả, qua đó khắc tạc thần tượng diễn viên trong lòng người hâm mộ (trừ vài bộ phim ít ỏi sản xuất thời điểm sau 1975 và đầu những năm 1980 như Cánh đồng hoang, Ván bài lật ngửa, Bao giờ cho đến tháng Mười). Vài thập kỷ qua, số lượng tác phẩm âm nhạc ca ngợi quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa, được công chúng đón đợi cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay trong khi nhạc thương mại hóa với ca từ nghèo nàn, bông phèng, vô bổ mặc sức sinh sôi, cho ra đời các ca sỹ được đầu nậu tung hứng thành “ngôi sao” hay đẩy lên thành “thần tượng” nhằm thu hút giới trẻ.

Không thể dồn mọi sự trách cứ lên những người trẻ, bởi họ là hiện thân của sự năng động, nhanh nhạy đón bắt những điều mà họ cho là mới mẻ. Câu hỏi lớn được đặt ra là những người làm công tác thanh, thiếu niên; cơ quan quản lý văn hóa và trách nhiệm của mỗi gia đình ở đâu sau mỗi hiện tượng bột phát, gây dư chấn của giới trẻ trong đời sống xã hội ngày hôm nay?

Dương Thanh Tùng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dien-anh/hoi-chung-cuong-nhiet-tintuc447203