Hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ - phát hiện nguy cơ thế nào?
BV Nhi TƯ vừa tiếp nhận 2 trẻ nhập viện trong tình trạng tím tái, ngừng thở, ngừng tim trước khi đến viện. Dù được các bác sĩ nỗ lực cấp cứu, nhưng trẻ đã không qua khỏi. Vậy, trẻ nào có nguy cơ mắc Hội chứng đột tử, có đề phòng được không? Bài viết sau đây giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Nguyên nhân của Hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ
Hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ (SIDS) hay còn được gọi là những cái chết trong nôi, bởi đa số các trường hợp xảy ra lúc trẻ đang ngủ trong nôi và tử vong khi nào không rõ.
Các ghi nhận cho thấy Hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ thường gặp ở trẻ từ 1 - 12 tháng, tử vong trong lúc ngủ không rõ nguyên nhân. Theo nghiên cứu, mỗi năm ở Mỹ có khoảng 2300 trẻ tử vong bởi hội chứng này và có 90% trường hợp Hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ xảy ra trong 6 tháng đầu đời, cao nhất là từ 1- 4 tháng tuổi.
Cho tới nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm và xác định được nguyên nhân gây ra Hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến thống nhất rằng có các yếu tố nguy cơ cụ thể là:
Nếu trẻ ngủ nằm sấp hay nằm nghiêng, là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất dễ dẫn đến Hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ. Tiếp đến là trẻ sinh non hay sinh nhẹ cân, trẻ ngủ trong nhiệt độ quá nóng, ngủ trên giường có nệm mềm, hoặc có mền gối mềm cũng có nguy cơ dẫn đến Hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ.
Các nhà khoa học còn tìm thấy nguy cơ hút thuốc trong nhà và gia đình có tiền sử mắc Hội chứng đột tử, trẻ sẽ dễ có nguy cơ mắc phải. Theo nghiên cứu, nếu người mẹ 20 tuổi mà đã sinh con, mẹ hút thuốc trong thai kỳ, không được chăm sóc lúc tiền sản và khi mang thai, thì con sẽ có nguy cơ Hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ cao hơn.
Nguyên nhân của Hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ vẫn còn được nghiên cứu và có nhiều giả thuyết được thống nhất, nhưng các nhà khoa học cũng không thể chứng minh được, không có ai có thể biết trước để thu thập bằng chứng vào lúc trẻ tử vong vì hội chứng này.
Giải thích về vấn đề này, các ý kiến được ghi nhận Hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ liên quan tới tình trạng trẻ còn quá nhỏ để thức dậy và thay đổi tư thế khi bị ngạt. Lý giải điều này, các nhà khoa học cho rằng, khi trẻ nằm sấp, trẻ thở úp mặt trên giường sẽ làm trẻ thở lại khí CO2. Và nếu chúng ta thở lại khí CO2, nồng độ khí CO2 lên cao sẽ kích thích trung tâm hô hấp thở nhanh hơn để thải CO2 nhanh hơn, chúng ta sẽ thay đổi tư thế để thở tốt hơn.
Mặt khác, các nhà nghiên cứu đều có ý kiến khi trẻ quá nhỏ, não bộ chưa phát triển để trẻ thức dậy và thở nhanh hơn, trẻ quá yếu để lật ngửa trở lại và ngạt tới chết. Đó là lý do giải thích cho các yếu tố nguy cơ như nằm sấp, trẻ sinh non nhẹ cân, nhiệt độ nóng... sẽ dễ bị Hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ.
Phòng ngừa Hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ
Dựa trên các yếu tố nguy cơ cho thấy, việc phòng ngừa Hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ cần thực hiện nghiêm túc. Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ - AAP đưa ra khuyến cáo và được phê chuẩn bởi CDC Hoa Kỳ như sau để phòng hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ.
- Cha mẹ cần chú ý những ngày đầu sau sinh nên cho trẻ nằm ngửa. Khi trẻ đã biết lật từ nằm ngửa sang nằm sấp và ngược lại, có thể để cho trẻ tự chọn tư thế yêu thích.
- Cần cho trẻ nằm trên nền giường hoặc cũi cứng, phẳng, không có phần cứng lồi lõm.
- Cho trẻ ngủ trên ga trải giường mỏng mềm và gọn gàng (không quá rộng so với cũi và giường).
- Khi trẻ ngủ không dùng chăn mềm dày và gối mềm để lót cho trẻ.
- Không phủ chăn, quấn tã quá nhiều cho trẻ. Cha mẹ nên nhớ nguyên tắc cho trẻ ngủ chung phòng chứ không ngủ chung giường với trẻ. Nhưng mẹ phải nằm ở gần giường/cũi của con, để có thể sờ hoặc với tới con lúc cần.
- Nuôi con bằng sữa mẹ được khuyến cáo vì giúp bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi bị nhiễm trùng, làm giảm nguy cơ bị hội chứng đột tử.
- Cần tiêm phòng cho trẻ đúng lịch theo khuyến cáo, vì các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chủng ngừa đầy đủ, sẽ nâng cao sức đề kháng cho trẻ, có thể giảm 50% nguy cơ bị Hội chứng đột tử ở trẻ.
Tóm lại: Tử vong ở trẻ do Hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ là vấn đề liên quan đến giấc ngủ, bởi vậy cha mẹ cần nâng cao cảnh giác, tạo môi trường an toàn cho giấc ngủ của trẻ nhỏ. Cần chú ý để trẻ sơ sinh khỏe mạnh dưới 1 tuổi được nằm ngửa khi ngủ. Ngoài ra, chú ý đến nhiệt độ phòng, tránh nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh, tránh tình trạng mặc ủ quá ấm cho trẻ sơ sinh.