Hội chứng Nomophobia: Khi giới trẻ sống không thể thiếu điện thoại
'Nomophobia' – nỗi sợ hãi khi không có điện thoại đang dần trở thành một 'hội chứng xã hội' đáng lo ngại của giới trẻ. Từ 'Nomophobia' xuất phát từ cụm từ tiếng Anh 'No Mobile Phone Phobia', ám chỉ cảm giác bất an, căng thẳng mà nhiều người cảm thấy khi thiếu vắng chiếc điện thoại di động.
Mỗi phút đều phải kiểm tra điện thoại
Ngọc Ánh là sinh viên năm 4 ngành Quản trị kinh doanh. Là một cán bộ Đoàn - Hội, nữ sinh 22 tuổi có lịch học và hoạt động ngoại khóa vô cùng dày đặc. Vì vậy, chiếc điện thoại gần như là "trợ lý cá nhân" luôn sát cánh cùng cô nàng mọi lúc mọi nơi. “Từ việc đặt lịch học, ghi chú bài vở, kiểm tra email cho đến lên ý tưởng cho bài tập nhóm, tất cả đều phải làm qua điện thoại,” Ánh giải thích.
“Chỉ cần quên mang điện thoại ra ngoài, mình cảm thấy như thiếu đi một 'bộ phận' trên cơ thể vậy. Lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bỏ lỡ tin nhắn hay thông báo từ mạng xã hội,” Ánh thừa nhận.
Hội chứng này không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý mà còn tác động trực tiếp đến việc học tập và các mối quan hệ của cô gái trẻ. “Nhiều lần mình không tập trung học bài vì cứ phải cầm điện thoại lên kiểm tra. Ngay cả khi đi chơi với bạn bè, mình cũng thường xuyên dán mắt vào màn hình thay vì trò chuyện với mọi người,” nữ sinh nói thêm.
Làm việc trong lĩnh vực Marketing tại một công ty ở Hà Nội, Hoàng Khang luôn xem điện thoại là công cụ không thể thiếu cho công việc. “Phải theo dõi email khách hàng, cập nhật xu hướng thị trường trên mạng xã hội và trả lời tin nhắn từ đồng nghiệp, mình gần như dán mắt vào điện thoại cả ngày,” Khang chia sẻ.
Tuy nhiên, Khang "thú nhận", ngay cả ngoài giờ làm việc, anh chàng vẫn không thể dừng việc kiểm tra điện thoại. “Có lần điện thoại hết pin trên đường đi làm, mình cứ lo lắng suốt buổi sáng vì không biết có ai liên lạc gấp hay không,” Khang kể. Cảm giác bất an khiến Khang luôn mang theo bên mình sạc dự phòng và kiểm tra pin liên tục, ngay cả khi đang ở nhà.
“Mỗi khi gặp gỡ bạn bè hay người thân, mình lại có thói quen kiểm tra điện thoại, ngay cả khi đang nói chuyện” Khang chia sẻ. Anh cho biết, một trong những lý do khiến anh không thể rời xa điện thoại là vì anh sợ bỏ lỡ thông tin quan trọng từ công việc, đồng nghiệp và bạn bè.
Khác với Ánh và Khang, Minh Huyền (19 tuổi, học sinh lớp 12) nhận ra sự phụ thuộc của mình khi tham gia thử thách "Một ngày không sử dụng điện thoại" trên Youtube: “Lúc đầu, mình thấy rất háo hức vì nghĩ rằng sẽ có nhiều thời gian để học bài và làm việc hơn. Nhưng đến chiều, mình cảm thấy bồn chồn và không biết phải làm gì. Cứ mỗi lần ngồi xuống, mình lại theo thói quen đưa tay tìm điện thoại,” Huyền kể.
Thử thách thất bại sau chưa đầy 10 tiếng. Cô bạn chia sẻ rằng việc không có điện thoại khiến nữ sinh 19 tuôit mất đi cảm giác an toàn. “Điện thoại không chỉ là phương tiện liên lạc mà còn là nơi lưu giữ gần như mọi thứ mình cần – từ lịch học, tài liệu, cho đến mạng xã hội để giữ liên lạc với bạn bè". Thiếu đi chiếc điện thoại, Huyền cảm thấy mình bị "cắt đứt" và "cô lập với nền văn minh".
Lời khuyên từ chuyên gia tâm lý
Để làm rõ hơn tác động của hội chứng Nomophobia đối với bạn trẻ, phóng viên Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tâm lý Đào Thúy Hoàn. Theo chuyên gia, sự phụ thuộc vào điện thoại di động, đặc biệt ở giới trẻ, là vấn đề phổ biến trong xã hội hiện đại. “Các thiết bị công nghệ hiện nay không đơn giản chỉ là công cụ liên lạc mà còn trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Khi không có điện thoại, nhiều người sẽ trải qua cảm giác lo lắng, mất phương hướng, hoặc thậm chí hoảng sợ,” bà nói.
Nguyên nhân chính dẫn đến hội chứng này là sự gắn bó có phần "thái quá" với công nghệ. “Điện thoại thông minh mang lại nhiều tiện ích, từ giải trí, kết nối mạng xã hội cho đến hỗ trợ công việc và học tập. Tuy nhiên, việc lệ thuộc quá mức khiến người dùng đánh mất khả năng tự chủ, gây ra căng thẳng tinh thần khi thiếu thiết bị này,” chuyên gia giải thích.
Bà chỉ ra rằng hội chứng Nomophobia có thể gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. “Sự phụ thuộc này không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý mà còn làm suy giảm chất lượng cuộc sống. Người trẻ dễ bị phân tâm, mất tập trung, và gặp khó khăn trong việc xây dựng các mối quan hệ trực tiếp,” bà nhấn mạnh. Ngoài ra, việc sử dụng điện thoại quá mức còn dẫn đến các vấn đề về giấc ngủ, hội chứng ‘FOMO’ (sợ bỏ lỡ), giảm năng suất học tập và làm việc.
Để giảm thiểu tác động của hội chứng Nomophobia, chuyên gia tâm lý Đào Thúy Hoàn khuyến nghị một số biện pháp:
1. Tạo giới hạn sử dụng điện thoại: Hãy đặt ra các khoảng thời gian cụ thể trong ngày để không sử dụng điện thoại, chẳng hạn như trong giờ học, giờ làm việc hoặc trước khi đi ngủ.
2. Tăng cường các hoạt động ngoại khóa, thế dục thể thao: Thay vì dành thời gian trên mạng xã hội, người trẻ có thể tham gia các hoạt động ngoại khóa, thể thao hoặc đọc sách.
3. Thiết lập mối quan hệ lành mạnh với công nghệ: Sử dụng điện thoại với mục đích rõ ràng và ưu tiên các tương tác trực tiếp mọi người xung quanh.
4. Tư vấn tâm lý khi cần thiết: “Nếu cảm thấy tình trạng quá nghiêm trọng, người trẻ nên tìm đến các chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ".