Sốt xuất huyết ở trẻ em tiếp tục tăng, nhiều ca biến chứng nặng
Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đang trong mùa dịch sốt xuất huyết. Đáng lưu ý, số trẻ em mắc sốt xuất huyết và số ca biến chứng nặng đều gia tăng.
Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, trong tuần 46 (từ ngày 11 - 17/11) ở Thành phố ghi nhận 695 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 46 là 12.013 trường hợp. Hiện, Quận 1, thành phố Thủ Đức và Quận 7 là những địa phương có số ca mắc trung bình trên 100.000 dân cao nhất Thành phố.
Số trẻ em nhập viện do sốt xuất huyết liên tục gia tăng tại 4 bệnh viện chuyên tiếp nhận điều trị sốt xuất huyết trẻ em trên địa bàn Thành phố. Thực tế ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, trong tháng 10/2024, đơn vị tiếp nhận 397 ca sốt xuất huyết nhập viện. Nửa đầu tháng 11/2024, số ca điều trị nội trú lên tới 236 ca. Các bác sĩ dự đoán, số ca nhập viện tiếp tục gia tăng trong vài tuần tới. Đặc biệt, Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc trẻ em đã tiếp nhận nhiều trường hợp sốt xuất huyết nặng trong vài tháng gần đây.
Tình hình tương tự diễn ra tại Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Nhi đồng Thành phố. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, bác sĩ Nguyễn Đình Qui, Trưởng Khoa Nhiễm cho biết, số lượng ca mắc sốt xuất huyết có sự gia tăng trong 2 - 3 tuần qua, cả nội trú và ngoại trú. Trong đó có khoảng 15 - 20% ca nặng. Số ca nhập viện và mắc nặng đều tăng hơn so với trước đây.
“Có nhiều trẻ biến chứng nặng do phụ huynh đưa vào bệnh viện muộn. Hầu hết đã rơi vào tình trạng sốc sốt xuất huyết. Nếu để chậm thêm sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ. Điều này chứng tỏ, phụ huynh đã lơ là, không theo dõi sát các dấu hiệu cảnh báo chuyển nặng của trẻ”, bác sĩ Nguyễn Đình Qui cho hay.
Một bé trai 2 tuổi (ngụ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) vừa được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 cứu sống thành công sau khi bị sốc sốt xuất huyết nặng. Trước đó, bệnh nhi được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng nguy kịch. Các bác sĩ nhận định, bé trai sốc sốt xuất huyết nặng, tổn thương gan, tim, thận và viêm tụy cấp nên phải dùng các biện pháp hỗ trợ hô hấp bằng máy thở, chống sốc, vận mạch, truyền nhiều chế phẩm máu. Hơn một tháng điều trị tích cực, bệnh nhi mới thoát khỏi cửa tử.
Bác sĩ Phan Tứ Quý, Trưởng Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc trẻ em, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh lưu ý, phụ huynh cần theo dõi sát các dấu hiệu chuyển nặng khi trẻ mắc sốt xuất huyết, kịp thời đưa con đến bệnh viện cấp cứu. Khi bệnh trở nặng, các dấu hiệu thường thấy là sốt cao, bứt rứt, vật vã, đau bụng, nôn ói và xuất hiện các vết bầm tím trên cơ thể.
Ngoài các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết ngành Y tế khuyến cáo là tìm diệt lăng quăng (bọ gậy), ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày…, người dân có thể tiêm vaccine phòng ngừa. Hiện, vaccine sốt xuất huyết được chứng minh là có thể giúp phòng bệnh đến 84%, giảm nguy cơ trở nặng hơn 90%. Đây được xem là “vũ khí” mới trong phòng ngừa sốt xuất huyết.