Hội chứng nuối tiếc quá khứ
'Bao giờ cho đến ngày xưa' là một tâm trạng, một mong ước có thật với không ít người. Đây là tâm lý đám đông, phản ánh một tình cảm hồi cố luôn được phóng đại, cộng hưởng quá mức, nhằm át đi sự yếu đuối, bất lực trước những vấn đề của hiện tại.
Con người luôn có xu hướng lý tưởng hóa những gì đã qua, nhất là mỗi khi hiện tại xảy ra những chuyện không vừa ý họ. (Phần quá khứ gây sợ hãi không nằm trong phạm vi bàn thảo ở đây).
“Bao giờ cho đến ngày xưa” là một tâm trạng, một mong ước có thật với không ít người. Đây là tâm lý đám đông, phản ánh một tình cảm hồi cố luôn được phóng đại, cộng hưởng quá mức, nhằm át đi sự yếu đuối, bất lực trước những vấn đề của hiện tại. Ngoái nhìn về phía sau, với họ, là cách tốt nhất để chạy trốn, ít nhất cũng không phải nhìn thấy, những thứ đang sầm sập lao tới!
Nếu trạng thái tinh thần này chỉ diễn ra trong mỗi người, mang tính đơn lẻ, nó hoàn toàn là tình cảm bình thường, nằm ngoài mọi phán xét. Người ta có quyền làm cả những việc vớ vẩn, miễn là vô hại cho xã hội. Nhưng khi nuối tiếc quá khứ trở thành một hội chứng tập thể, thậm chí bị đẩy lên thành “nhu cầu đạo đức”, thì vấn đề bắt đầu có yếu tố bệnh lý tinh thần.
Khác với sự trần trụi của hiện tại, vẻ đẹp của quá khứ (dù nó có đẹp thật hay không) luôn tăng dần lên theo thời gian, bằng hai cách cơ bản sau: Những gì khiến nó xấu xí, vẩn đục, đáng sợ… cứ được thời gian trau chuốt, tô vẽ mỗi ngày, che lấp mỗi ngày, như một quy luật tự nhiên - thời gian càng lùi xa, những vết xước trên bức tranh càng mờ, thậm chí cứ dần biến mất. Và cách thứ hai, chính là căn bệnh mau quên của trí nhớ con người.
Xin đừng nhầm giữa vẻ đẹp của quá khứ - một vẻ đẹp chủ yếu nhờ trí tưởng tượng - với giá trị lịch sử của những gì thuộc về quá khứ. Một bên mang yếu tố chủ quan của con người: họ gán cho quá khứ những thứ họ muốn; còn một bên tồn tại khách quan, không phụ thuộc vào việc có ai thích hoặc muốn hay không. Bản thân lớp thời gian bao phủ lên những thứ thuộc về quá khứ, đã là một giá trị. Giá trị lớn nhất là không ai, không cách gì tái tạo được nó.
Tôi đã trực tiếp trải nghiệm điều này. Sau hàng chục năm, cuối cùng tôi cũng chuộc được con nghê làm bởi chính tay cụ nội (một người có học, chữ nghĩa đầy mình nhưng chọn cách sống ẩn dật). Tính toán theo những gì bố tôi nhớ được và nói với tôi lúc ông còn sống, thì đến thời điểm con nghê thuộc về sở hữu của tôi, nó không dưới 120 tuổi. Do lưu lạc nhiều năm tháng, nên con nghê bị sứt sẹo, nhiều chỗ lớp sơn ta bong tróc nham nhở. Riêng phần bụng con nghê, thì hầu như nguyên vẹn. Một số người đến chúc mừng tôi, cũng nhanh nhảu khuyên tôi nên bỏ tiền để “làm mới” con nghê, tiện thể khôi phục những phần bị vỡ nát để nó trở lại nguyên vẹn. Lúc đầu tôi nghĩ khá đơn giản: đó cũng là cách để thể hiện lòng hiếu thảo báo đáp tổ tiên. Nhưng rồi bất ngờ một anh bạn nghệ nhân đến chơi, đã “mở mắt” cho tôi.
Trong nhà anh, thứ quý nhất là cái bình gốm vỡ một nửa. Anh đóng tủ kính để không ai sờ vào được. Theo anh, cái bình có niên đại gần một ngàn năm. Giá trị lớn nhất của cái bình gốm, ngoài chứng tích thời gian và nghệ thuật cổ nó mang theo, là ở vết ngón tay người nghệ nhân cách đây gần một ngàn năm, còn hằn lại trên lớp men khá thô sơ tráng lên cái bình gốm bị vỡ đó. Lời của ông nghệ nhân sành sỏi đồ gốm sứ khiến tôi giật mình. Nếu tôi “làm mới” lại con nghê, nó chỉ còn là vật chứng của quá khứ, nhưng mất hết những giá trị mang tính lịch sử. Nói khác đi nó chỉ còn lại “hình” mà không còn “hồn”. Vả lại, rất có thể trên lớp sơn cổ kính đó, vẫn còn hằn lại dấu tay của cụ nội tôi?
Chỉ cần hình dung đến đấy, đã đủ khiến tôi rùng mình!
Cũng thế, một lâu đài cổ, một đồ vật có tuổi đời lớn, một cây cổ thụ, thậm chí một tập tục… thì ngoài vẻ đẹp thuộc về quá khứ, như dấu ấn của thời đại, của triết lý sống, của quan niệm nhân sinh, nó còn mang theo khá nhiều vẻ đẹp vĩnh cửu, nghĩa là không chỉ thuộc về thời hiện tại, mà còn cả ở mãi mãi tương lai - vẻ đẹp không có thời gian!
Bạn hoàn toàn có thể đưa ra vô số ví dụ, vì thế tôi xin không làm cái việc không cần thiết ấy.
Giờ chúng ta quay lại với chủ đề ban đầu của bài viết: Hội chứng nuối tiếc quá khứ. Câu hỏi đầu tiên được đặt ra là quá khứ có thực sự hoàn hảo để người ta cứ phải nuối tiếc? Tiếp theo là câu hỏi quan trọng hơn: Quá khứ có đáng phải nuối tiếc và việc nuối tiếc ấy có cần thiết?
Câu hỏi thứ nhất luôn đã có câu trả lời, như những gì tôi trình bày ở trên: Con người luôn có xu hướng tô vẽ thật đẹp cho quá khứ, ngay cả khi họ rất sợ chính cái quá khứ đó quay lại. Vì thế, quá khứ đương nhiên là hoàn hảo và ngày càng trở nên hoàn hảo, không có gì cần phải tranh cãi, thậm chí tranh cãi là thừa. Để tẩy thứ gì đó khỏi não bộ con người, khi nó đã thành một kiểu “rãnh trí tuệ”, là vô cùng khó, thậm chí bất khả.
Giờ vấn đề còn lại chỉ là trả lời cho câu hỏi thứ hai.
Một thầy giáo, kiêm thi sĩ, có lần đặt câu hỏi với tôi là có nên “Thương nhớ thời bao cấp”, khi thầy đọc cuốn sách cùng tên, khá ăn khách, do tôi biên tập đã lâu? Và trong khi tôi còn chưa nghĩ ra câu hồi đáp, thầy đã trả lời luôn bằng một câu cật vấn: “Tại sao lại thương nhớ cái thời con người sống không ra sống, một thời đói rét, thiếu thốn, khổ cực, nhếch nhác đến mức thỉnh thoảng vẫn sợ run người khi gặp lại trong ác mộng? Thương nhớ điều gì ở cái thời như vậy?”.
Một câu hỏi vô cùng khó. Đúng là chả có cái quái gì đáng thương nhớ về cái thời đáng sợ đó, ngoại trừ không khí và nước có thể trong sạch hơn bây giờ. Nhưng không khí hay nước không phải là đối tượng cần có thêm tuổi đời. Việc đặt tên một cuốn sách đôi khi chỉ vì muốn gây sự chú ý, mang tính thương mại thuần túy. Nhưng rõ ràng trong trường hợp này, nó không hề vô cớ. Thực tế thì còn rất nhiều người, nếu không phải số đông thì cũng không là số ít, vẫn nặng lòng thương nhớ thời bao cấp khốn khổ ấy. Đơn giản vì nó là quá khứ của họ. Mà, như chúng ta vừa thấy, với họ quá khứ chắc chắn đẹp hơn hiện tại, bất kể nó đói dài đói rợ, quần mê áo đụp! Họ thương nhớ cái quá khứ ấy, cũng là cách thương nhớ một thời của bản thân mình, chứ không phải thương nhớ những gì xảy ra tại đó. Tình cảm này, nếu có chỗ vớ vẩn, thì cũng có chỗ đáng thương, đáng trọng.
Nhưng nuối tiếc nó thì lại là một câu chuyện khác, đáng để chúng ta bàn tiếp.
Thỉnh thoảng trên báo chí hay mạng xã hội, ai đó, nhân vật nào đó có uy tín khi thấy một căn biệt thự cổ bị thời gian tàn phá thành nhếch nhác, đổ nát, bèn than lên sự nuối tiếc. Từ nuối tiếc căn biệt thự, ông / bà ta cũng nuối tiếc luôn cả một thời (khi cái biệt thự đó còn đẹp)! Lập tức có hàng ngàn người hùa theo. Họ thể hiện sự nuối tiếc quá khứ bằng than vãn, kêu ca, vật mình vật mẩy. Họ thể hiện sự nuối tiếc ấy bằng cả cái cách rất buồn cười là mang hiện tại ra nguyền rủa. Với họ, mọi cái của quá khứ đều đẹp, đều hoàn hảo, trong khi thứ gì của hiện tại cũng nhếch nhác, đáng vứt đi, hoặc chỉ gây bực mình!
Một lâu đài cổ, một đồ vật có tuổi đời lớn, một cái cây cổ thụ, thậm chí một tập tục… thì ngoài vẻ đẹp thuộc về quá khứ, như dấu ấn của thời đại, của triết lý sống, của quan niệm nhân sinh, nó còn mang theo khá nhiều vẻ đẹp vĩnh cửu, nghĩa là không chỉ thuộc về thời hiện tại, mà còn cả ở mãi mãi tương lai - vẻ đẹp không có thời gian!
Thường thấy hơn, là sự tiếc nuối, than khóc cho một thời đại, một chính thể nào đó đã bị vùi lấp, mà theo họ, nếu nó không bị vùi lấp, không biến mất, thì mọi thứ của hiện tại sẽ tốt hơn rất nhiều. Tôi không dám lạm bàn về những “sự thật lịch sử” mà mọi người dựa vào rồi lấy làm căn cứ để đưa ra vô vàn giả định chỉ nhằm tới một việc duy nhất là phủ nhận hiện tại. Tôi không có đủ kiến thức và thông tin cần thiết để làm việc đó. Tôi tôn trọng tình cảm của họ, nếu nó thực sự là tình cảm, bởi chúng ta đều là con người với đầy đủ những khiếm khuyết như nhau. Nhưng từ góc độ phát triển, tôi dám nói thẳng rằng: mọi sự nuối tiếc theo cách mà chúng ta đang chứng kiến là vô lối, hoàn toàn vô bổ và chỉ chứng tỏ sự yếu đuối.
Giá trị lớn nhất của quá khứ tất nhiên là cái cơ đồ (gồm cả vật chất và tinh thần) mà nó để lại. Ngoài ra, nó cung cấp một chỗ dựa tinh thần, để hiện tại không cảm thấy phía sau mình là một khoảng trống. Quá khứ, ngay cả khi nó can dự đến hiện tại, thì trách nhiệm thành bại của sự can dự ấy hoàn toàn thuộc về hiện tại, là kết quả từ ý chí chủ quan của hiện tại. Bạn có thể không cần nhớ, không công nhận sự thật này, nhưng bạn cũng không có cách nào khác để tránh nó.
Không có gì dễ dàng, nhưng cũng kém cỏi hơn, cái giả định rằng, “Nếu”… “Giá như”… “Giá mà”… lịch sử không đi con đường ABC, thì… (luôn đi kèm là một thời đại, một thế giới đẹp long lanh, gần giống như thiên đường… nhưng, tất nhiên, đã bị đánh mất?).
Vâng, mọi chuyện đều có thể. Tôi cũng muốn tin như vậy cho nhẹ người. Nhưng làm sao chúng ta có thể tránh cái sự thật đơn giản và tàn nhẫn là nó, cái thời nào đó, cái chính thể nào ấy, cái thiên đường ở đâu kia, hoặc chưa bao giờ có, hoặc đã biến mất và không cách nào khiến nó sống lại được nữa. Trước mắt chúng ta, nghiệt ngã thay chỉ còn lại ngổn ngang những vấn đề thuộc về hiện tại. Bổn phận của chúng ta - và chỉ chúng ta - là phải đưa ra mọi quyết định về nó và không thể thoái thác, đổ lỗi trách nhiệm cho bất cứ người nào đã chết.
Vì thế, với tôi, thái độ tử tế nhất, tích cực nhất và cũng đạo đức nhất của hiện tại là phải coi mọi quá khứ, dù tốt hay xấu, đều đã xong bổn phận của nó. Chúng ta có thể còn cần đến nó, nhưng không phải để tìm bằng được lý do bào chữa cho hành động tệ hại gấp bội: Ỷ lại, trông chờ vào tương lai.
Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/hoi-chung-nuoi-tiec-qua-khu-42475.html