Hồi chuông báo động cháy rừng: Cần ứng phó theo phương châm '4 tại chỗ'

Trong những ngày tới, nguy cơ cháy rừng tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là tại khu vực Nam Bộ và các tỉnh ở khu vực phía Bắc vẫn có khả năng tiếp tục xảy ra.

Các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng ở cấp nguy hiểm. (Nguồn: Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm)

Các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng ở cấp nguy hiểm. (Nguồn: Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm)

Từ đầu tháng Tư đến nay, tại một số địa phương ở khu vực phía Bắc liên tiếp xảy ra các vụ cháy rừng khiến nhiều diện tích rừng bị thiêu rụi, thiệt hại.

Nguy cơ cháy rừng tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là tại khu vực Nam Bộ và các tỉnh ở khu vực phía Bắc vẫn có khả năng tiếp tục xảy ra, bởi theo Cục Khí tượng thủy văn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), tình hình nắng nóng gay gắt bao trùm trên phạm vi rộng và độ ẩm trong không khí giảm thấp, được dự báo sẽ còn kéo dài trong nhiều ngày tới.

Trước xu thế nắng nóng trên, cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực lâm nghiệp và kiểm lâm đã tham mưu lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các địa phương chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về phòng cháy, chữa cháy rừng; đặc biệt là áp dụng theo phương châm 4 tại chỗ, với tinh thần chủ động, kịp thời.

Nguy cơ cháy rừng ở mức cao còn tiếp diễn

Theo Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), những khu vực đã xảy ra cháy, cũng như các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy cao ở Nam Bộ và các tỉnh ở khu vực phía Bắc trong những ngày tới, là những vùng đã có nhiều ngày không mưa, thời tiết khô hanh kéo dài.

Mới đây, đầu giờ chiều 16/4, đám cháy từ bên kia núi thuộc địa phận tỉnh Hòa Bình đã lan rộng sang khu rừng Ba Sao, thị xã Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Do gió thổi mạnh, thời tiết hanh khô, nên ngọn lửa nhanh chóng lan rộng khắp sườn núi, thiêu rụi nhiều diện tích rừng trên địa bàn phường Ba Sao.

Nhận được tin báo, tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các lực lượng, cùng sự hỗ trợ của người dân với khoảng 600 phát quang lớp thực bì xung quanh ngọn núi để ngăn đám cháy lan rộng. Đến khoảng 1 giờ 30 hôm nay, đám cháy rừng tại khu vực Ba Sao đã tắt, không lan rộng sang các khu vực xung quanh.

Trước đó, tối 12/4, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng xảy ra 2 đám cháy lớn. Trong đó, đám cháy rừng và ngọn lửa lan đến nhà dân, xảy ra tại khu vực phường Đại Yên, thành phố Hạ Long, đã khiến trên 40ha rừng bị thiệt hại.

Cùng ngày, tại thành phố Hải Phòng cũng xảy ra vụ cháy rừng ở trên địa bàn quận Kiến An. Qua tổ chức điều tra, xác minh nguyên nhân, các cơ quan chức năng xác định có 3.000m2 rừng trồng trên đồi Cột Cờ bị thiệt hại.

Lãnh đạo Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm cho biết trước tình trạng cháy rừng xảy ra trong thời gian qua, đặc biệt là 2 vụ cháy rừng liên tiếp xảy ra tại tỉnh Quảng Ninh mới đây, Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm đã tham mưu lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các địa phương chủ động triển khai các giải pháp về phòng cháy, chữa cháy rừng.

Theo đó, trong thời gian tới, ủy ban nhân dân các tỉnh cần chỉ đạo cơ quan chuyên môn chủ động, quyết liệt hơn nữa để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, khắc phục hậu quả cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ” với tinh thần chủ động, kịp thời, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại.

Lãnh đạo các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở, phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.

Cùng với đó, các địa phương cần tổ chức rà soát, xác định các khu vực trọng điểm, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy rừng cao; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động các lực lượng tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng nhanh nhất.

 Hiện trường vụ cháy rừng ở khu vực phường Ba Sao, thị xã Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. (Ảnh: TTXVN)

Hiện trường vụ cháy rừng ở khu vực phường Ba Sao, thị xã Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. (Ảnh: TTXVN)

Đặc biệt, tại Công điện số 36/CĐ-TTg gửi các bộ, ngành, địa phương vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn, chủ động triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Các địa phương đồng loạt vào cuộc ứng phó

Theo tinh thần trên, trong những ngày qua, các tỉnh vừa xảy ra cháy rừng và có nguy cơ xảy ra cháy rừng, đã nhanh chóng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và địa phương chủ động phương án phòng cháy, chữa cháy rừng.

Cụ thể, ngay sau vụ cháy xảy ra vào ngày 12/4 vừa qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND về tăng cường quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Theo đó, người đứng đầu ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các địa phương, đặc biệt là thành phố Hạ Long và huyện Bình Liêu, khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ cháy, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về phòng cháy rừng; khắc phục hậu quả, phục hồi diện tích rừng bị thiệt hại.

Đối với Sở Nông nghiệp và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh yêu cầu phối hợp các địa phương thực hiện thanh lý rừng trồng bị hư hại, đẩy mạnh trồng mới 32.000 ha rừng trong năm 2025; tăng cường chuyển đổi số trong ngành lâm nghiệp, áp dụng công nghệ GIS, ảnh viễn thám để phát hiện sớm cháy rừng.

Tại Hà Giang, nhận định trên địa bàn có một khu vực nằm trong vùng có nguy cơ cháy rừng (từ cấp 2 đến cấp 4) trong những ngày tới, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh này cũng đã đề nghị ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn cao điểm nắng nóng kéo dài trong nhiều ngày.

Đặc biệt, cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực lâm nghiệp ở cấp tỉnh đề nghị các địa phương cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy rừng; người dân và các tổ chức trên địa bàn tỉnh cần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn phòng cháy chữa cháy rừng; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và báo cáo khi có dấu hiệu cháy rừng.

Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hải Dương cũng đã đề nghị các địa phương có nguy cơ cháy rừng rất cao ở trên địa bàn, cần chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tổ chức triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; khắc phục hậu quả cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ” với tinh thần chủ động, kịp thời, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra; chủ động phối hợp với các lực lượng công an, quân đội, kiểm lâm triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại địa phương, cơ sở.

Cùng với đó, các địa phương có nguy cơ cháy rừng rất cao, đặc biệt như thành phố Chí Linh và thị xã Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng ở trên địa bàn./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/hoi-chuong-bao-dong-chay-rung-can-ung-pho-theo-phuong-cham-4-tai-cho-post1033312.vnp