Hội Cựu giáo chức đóng góp tích cực vào đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Ngày 27/11, tại Hà Nội, Hội Cựu giáo chức Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ V, nhiệm kỳ 2024-2029 và kỷ niệm 20 năm thành lập Hội (2004-2024).

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo phát biểu ghi nhận kết quả Hội Cựu giáo chức đạt được trong 20 năm qua. (Ảnh: Trần Hiệp)

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo phát biểu ghi nhận kết quả Hội Cựu giáo chức đạt được trong 20 năm qua. (Ảnh: Trần Hiệp)

Theo báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Hội Cựu giáo chức Việt Nam, Hội được thành lập từ năm 2004, với chức năng chính là tập hợp, động viên các cựu giáo chức tiếp tục tham gia, phát huy kinh nghiệm đóng góp cho sự phát triển của ngành Giáo dục. Trải qua 20 năm phát triển, Hội Cựu giáo chức có nhiều đóng góp đa dạng, tích cực, quan trọng đối với sự phát triển của ngành Giáo dục.

Theo đó, cơ sở Hội đã được tổ chức tại 63/63 tỉnh, thành phố, gần 98% số quận, huyện, 75% số xã, phường, thị trấn trong cả nước với hơn 600 nghìn hội viên. Trong nhiệm kỳ 2019-2024, Hội Cựu giáo chức cả nước đã kiên trì, quyết tâm và có nhiều giải pháp tích cực, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu đề ra. Bằng nhiều hoạt động phong phú, tích cực, có hiệu quả, Hội Cựu giáo chức đã phát huy được trí tuệ của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên của ngành Giáo dục đã nghỉ hưu có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành Giáo dục và đóng góp vào việc xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương; từ đó nâng cao vị thế của Hội Cựu giáo dục trong toàn xã hội.

Với khẩu hiệu hành động “Đoàn kết-trí tuệ-nêu gương-tình thương-trách nhiệm”, trong nhiệm kỳ V (2024-2029), Hội Cựu giáo chức Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng, phát triển Hội ngày càng vững mạnh; tiếp tục quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của hội viên, trong đó sẽ tiếp tục kiến nghị với Đảng, Nhà nước để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên.

Quang cảnh Đại hội.

Quang cảnh Đại hội.

Phát biểu tại đại hội, ghi nhận kết quả Hội Cựu giáo chức đạt được trong 20 năm qua, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: Hơn 10 năm triển khai đổi mới căn bản, toàn diện, ngành Giáo dục đã đạt nhiều kết quả quan trọng ở tất cả mọi phương diện. Có được các kết quả đó là nhờ nỗ lực của cả nước, từ trung ương tới địa phương, của cả hệ thống chính trị, của toàn ngành giáo dục, trong đó có sự đóng góp của các cựu giáo chức, của Hội Cựu giáo chức cả nước.

Thời gian qua, Hội đã có những hoạt động đặc trưng, phong phú và đa dạng trên nhiều mặt, nổi bật là xây dựng các phong trào thi đua, nêu gương nhà giáo, giáo dục truyền thống; tham gia hoạt động khoa học, tổ chức hội thảo góp ý nhận xét, đánh giá chương trình và sách giáo khoa phổ thông; tham gia các hoạt động xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời; là lực lượng nòng cốt trong Hội khuyến học, giảng dạy tại các trung tâm học tập cộng đồng; phối hợp với các cơ quan chức năng hiện chính sách đối với cựu giáo chức...

Chia sẻ với các cựu giáo chức, Bộ trưởng cho biết: Ngành Giáo dục xác định và nhấn mạnh quan điểm nhà giáo là lực lượng quyết định đến thành công và sự phát triển giáo dục, chất lượng giáo dục. Bởi vậy, phát triển lực lượng nhà giáo được xem là giải pháp của các giải pháp, là đột phá của mọi đột phá để phát triển giáo dục

Sự ghi nhận đóng góp, sự quan tâm tới các cựu giáo chức vừa là đạo lý, là tình cảm, vừa là quan điểm và nhận thức về đường lối xây dựng và phát triển lực lượng nhà giáo. Ngành Giáo dục đang xây dựng nền giáo dục phát triển người học một cách toàn diện, chăm lo tới giáo dục đạo đức nhân cách cho người học. Vì vậy, các thầy cô đang công tác cần nêu gương và tạo chuẩn mực cho học trò. Các thầy cô đang công tác trước hết cần kính trọng thầy cô của mình, coi đó là thái độ và hành vi mang tính giáo dục.

Ngành Giáo dục sẽ tiếp tục nghiên cứu xem xét có thêm các chính sách để các thầy cô cựu giáo chức có thể tham gia nhiều hơn vào hoạt động giáo dục tùy theo tình hình sức khỏe và sự lựa chọn cá nhân của mình. Ngay trong dự thảo Luật Nhà giáo trình Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đề xuất tuổi nghỉ hưu cao hơn với một số nhóm đối tượng nhà giáo.

Trước sự thay đổi ngày càng lớn của giáo dục hiện nay so với giáo dục truyền thống, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn các cựu giáo chức tích cực tìm hiểu về những cái mới trong giáo dục, để cập nhật, tăng sự thấu hiểu, chia sẻ; mong muốn các cựu giáo chức tích cực tham gia vào việc xây dựng xã hội học tập, nòng cốt trong phong trào khuyến học, là những tấm gương cho việc học tập suốt đời.

Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn các cựu giáo chức lưu tâm tìm hiểu và hưởng ứng cho phong trào “bình dân học vụ số”, xóa “mù số” mà ngành sẽ triển khai trong thời gian tới đây; tiếp tục quan tâm tới việc góp ý cho các văn bản quy phạm pháp luật mà Bộ sẽ tham mưu Chính phủ xây dựng, ban hành; quan tâm tới các hoạt động để hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngành Giáo dục Việt Nam vào năm 2025 tới.

Từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Hội Cựu giáo chức Việt Nam trong phạm vi điều kiện cho phép; thường xuyên trao đổi, lắng nghe ý kiến từ phía Hội, chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ trong công tác, tranh thủ trí tuệ, tâm huyết, kinh nghiệm toàn bộ Hội Cựu giáo chức trong cả nước.

Tại Đại hội, đại biểu Hội Cựu giáo chức các tỉnh, thành phố, các cơ sở trường học đã đóng góp ý kiến và nêu bài học kinh nghiệm, sáng tạo để bổ sung vào chương trình công tác của Hội nhiệm kỳ tới.

Hội Cựu giáo chức Việt Nam đã bầu Ban chấp hành Trung ương Hội, lãnh đạo chủ chốt Trung ương Hội; trong đó nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Quang Quý được bầu là Chủ tịch Trung ương Hội Cựu giáo chức Việt Nam nhiệm kỳ 2024-2029.

QUỲNH NGUYỄN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hoi-cuu-giao-chuc-dong-gop-tich-cuc-vao-doi-moi-can-ban-toan-dien-giao-duc-va-dao-tao-post847213.html