Hỏi đáp Giao dịch Hàng hóa (Số 6): Xử lý vi phạm đối với Thành viên thị trường

Trong tuần qua, Báo Công Thương đã nhận được một loạt các câu hỏi để hiểu rõ hơn về các Thành viên trên thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam.

Trong đó, có rất nhiều câu hỏi xoay quanh hình thức xử lý vi phạm đối với các Thành viên và tác động đến hoạt động giao dịch của nhà đầu tư (nếu có).

Báo Công Thương sẽ làm rõ các câu hỏi sau, được gửi đến từ 12 đọc giả tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang và Cần Thơ.

Việc xử lý vi phạm Thành viên của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam dựa trên văn bản và cơ sở pháp lý nào?

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) căn cứ vào quy định tại Quy chế Thành viên, Bộ quy định xử lý vi phạm Thành viên cùng các quy định có liên quan để tiến hành xem xét, đánh giá hành vi vi phạm. Từ đó đưa ra các hình thức xử lý vi phạm, biện pháp xử lý vi phạm phù hợp đối với vi phạm của các Thành viên Thị trường.

Các hình thức xử lý vi phạm chính đang áp dụng tại Bộ Quy định xử lý vi phạm Thành viên bao gồm: (i) Nhắc nhở bằng văn bản; (ii) Cảnh cáo; (iii) Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động; (iv) Chấm dứt tư cách Thành viên.

Thành viên sẽ bị xử lý vi phạm khi nào?

Thành viên Thị trường bị xử lý vi phạm khi có hành vi đã vi phạm, hoặc có khả năng vi phạm: (i) Các quy định, quy tắc của pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế, thông lệ quốc tế; (ii) Các quy định của MXV (bao gồm Điều lệ tổ chức và hoạt động của MXV, các quy chế, quy trình, quyết định của MXV) và Quy định của các Sở Giao dịch hàng hóa ở nước ngoài có liên thông với MXV.

Các hành vi nào được coi là vi phạm cần xử lý?

Các hành vi vi phạm được quy định tại Bộ Quy định xử lý vi phạm Thành viên bao gồm:

1. Vi phạm nghĩa vụ và điều kiện duy trì tư cách Thành viên;

2. Vi phạm các quy định về chế độ báo cáo;

3. Vi phạm các quy định về chế độ công bố thông tin;

4. Vi phạm các quy định trong hoạt động truyền thông;

5. Vi phạm các quy định trong hoạt động quản lý giao dịch;

6. Vi phạm các quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động giao dịch hàng hóa;

7. Vi phạm các quy định trong hoạt động quản lý rủi ro;

8. Vi phạm các quy định trong hoạt động thanh toán bù trừ;

9. Vi phạm các quy định về nghĩa vụ tài chính.

Khách hàng đang giao dịch tại các Thành viên bị xử lý vi phạm thì có bị ảnh hưởng hay không?

Hoạt động giao dịch của khách hàng tại Thành viên được đảm bảo diễn ra thông suốt và thuận lợi, được MXV giám sát nhằm đảm bảo cho khách hàng nhận được đầy đủ các quyền lợi trong quá trình giao dịch.

Vì vậy đối với các Thành viên hay vi phạm, MXV thường sẽ có những chế tài hợp lý nhằm đảm bảo khách hàng không bị ảnh hưởng trong quá trình giao dịch. Đối với những hành vi vi phạm ở mức độ nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng của Thành viên, MXV cũng đã có quy định nhằm hỗ trợ khách hàng khi giao dịch (ví dụ: chỉ định một Thành viên khác hỗ trợ khách hàng) đảm bảo khách hàng nhận được chất lượng dịch vụ tốt nhất khi tham gia giao dịch hàng hóa.

Trong trường hợp nào Thành viên được xem xét giảm nhẹ hình thức xử lý vi phạm?

Trong các trường hợp sau, Thành viên sẽ được xem xét giảm nhẹ hình thức xử lý vi phạm:

1. Thành viên đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của hành vi vi phạm;

2. Thành viên tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;

3. Vi phạm lần đầu và trong trường hợp ít nghiêm trọng;

4. Chủ động hợp tác, giúp đỡ các cơ quan có thẩm quyền phát hiện hoặc điều tra hành vi vi phạm.

Bạn đọc có câu hỏi liên quan đến vấn đề giao dịch hàng hóa vui lòng gửi về email: dientubct@gmail.com hoặc info@mxv.vn

PV

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hoi-dap-giao-dich-hang-hoa-so-6-xu-ly-vi-pham-doi-voi-thanh-vien-thi-truong-245048.html