Hỏi-đáp pháp luật: Đề nghị tòa soạn cho biết, hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình được pháp luật quy định như thế nào?
* Bạn đọc Đỗ Thu Hoài ở xã Duyên Hải, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 162 Bộ luật Lao động. Cụ thể như sau:
1. Người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với lao động là người giúp việc gia đình.
2. Thời hạn của hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình do hai bên thỏa thuận. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bất kỳ khi nào nhưng phải báo trước ít nhất 15 ngày.
3. Hai bên thỏa thuận trong hợp đồng lao động về hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, thời giờ làm việc hằng ngày, chỗ ở.
* Bạn đọc Lê Thanh Trúc ở thị trấn Tân Hòa, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, quy định về tiêu chuẩn trợ giúp viên pháp lý?
Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 19 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017. Cụ thể như sau:
Công dân Việt Nam là viên chức của trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước có đủ tiêu chuẩn sau đây có thể trở thành trợ giúp viên pháp lý:
1. Có phẩm chất đạo đức tốt;
2. Có trình độ cử nhân luật trở lên;
3. Đã được đào tạo nghề luật sư hoặc được miễn đào tạo nghề luật sư; đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư hoặc tập sự trợ giúp pháp lý;
4. Có sức khỏe bảo đảm thực hiện trợ giúp pháp lý;
5. Không đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật.