Hỏi - đáp pháp luật: Pháp luật quy định như thế nào về hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong sở hữu công nghiệp?

* Bạn đọc Đào Thị Lan ở xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết pháp luật quy định như thế nào về hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong sở hữu công nghiệp?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 130 Văn bản hợp nhất Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022. Cụ thể như sau:

1. Các hành vi sau đây bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh:

a) Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hóa, dịch vụ;

b) Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về xuất xứ, cách sản xuất, tính năng, chất lượng, số lượng hoặc đặc điểm khác của hàng hóa, dịch vụ; về điều kiện cung cấp hàng hóa, dịch vụ;

c) Sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng nhãn hiệu đó mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên, nếu người sử dụng là người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu và việc sử dụng đó không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu và không có lý do chính đáng;

d) Chiếm hữu, sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng với dụng ý xấu, lợi dụng uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng nhằm thu lợi bất chính.

2. Chỉ dẫn thương mại quy định tại khoản 1 điều này là các dấu hiệu, thông tin nhằm hướng dẫn thương mại hàng hóa, dịch vụ, bao gồm nhãn hiệu, tên thương mại, biểu tượng kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng bao bì của hàng hóa, nhãn hàng hóa.

3. Hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại quy định tại khoản 1 điều này bao gồm các hành vi gắn chỉ dẫn thương mại đó lên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch kinh doanh, phương tiện quảng cáo; bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán, nhập khẩu hàng hóa có gắn chỉ dẫn thương mại đó.

* Bạn đọc Trần Thanh Tâm ở xã Phong Nặm, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về di chúc bị thất lạc, hư hại?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 642 Bộ luật Dân sự. Cụ thể như sau:

1. Kể từ thời điểm mở thừa kế, nếu bản di chúc bị thất lạc hoặc bị hư hại đến mức không thể hiện được đầy đủ ý chí của người lập di chúc và cũng không có bằng chứng nào chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc thì coi như không có di chúc và áp dụng các quy định về thừa kế theo pháp luật.

2. Trường hợp di sản chưa chia mà tìm thấy di chúc thì di sản được chia theo di chúc.

3. Trong thời hiệu yêu cầu chia di sản, trường hợp di sản đã chia mà tìm thấy di chúc thì phải chia lại theo di chúc nếu người thừa kế theo di chúc yêu cầu.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/hoi-dap-phap-luat-phap-luat-quy-dinh-nhu-the-nao-ve-hanh-vi-canh-tranh-khong-lanh-manh-trong-so-huu-cong-nghiep-782459