Hỏi-đáp pháp luật: Thời hạn bồi thường, trả tiền bảo hiểm được pháp luật

* Bạn đọc Trần Văn Đức ở xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, thời hạn bồi thường, trả tiền bảo hiểm được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 31 Luật Kinh doanh bảo hiểm. Cụ thể như sau:

1. Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Trường hợp không có thỏa thuận về thời hạn thì doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ về yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm.

2. Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài chậm bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo quy định tại khoản 1 điều này thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất đối với số tiền chậm trả được xác định theo thỏa thuận của các bên theo quy định của Bộ luật Dân sự.

* Bạn đọc Vũ Văn Sơn ở thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định, hỏi: Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được tham gia ý kiến nhằm thực hiện dân chủ ở cơ sở dưới những hình thức nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 54 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Cụ thể như sau:

Căn cứ đặc điểm, tính chất hoạt động và nội dung tham gia ý kiến, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có thể tham gia ý kiến thông qua một hoặc một số hình thức sau đây:

1. Tham gia ý kiến trực tiếp với người đứng đầu cơ quan, đơn vị hoặc thông qua người phụ trách các bộ phận của cơ quan, đơn vị;

2. Thông qua hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các cuộc họp, hội nghị khác của cơ quan, đơn vị;

3. Thể hiện ý kiến qua phiếu lấy ý kiến trực tiếp hoặc dự thảo văn bản do cấp có thẩm quyền gửi;

4. Tham gia ý kiến qua hòm thư góp ý, đường dây nóng, hệ thống thông tin nội bộ hoặc cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị;

5. Thông qua công đoàn và các tổ chức đoàn thể khác tại cơ quan, đơn vị;

6. Các hình thức khác không trái với quy định của pháp luật và được quy định trong quy chế thực hiện dân chủ của cơ quan, đơn vị.

QĐND

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/hoi-dap-phap-luat-thoi-han-boi-thuong-tra-tien-bao-hiem-duoc-phap-luat-756331