Hỏi, đáp pháp luật về Cảnh sát biển Việt Nam (kỳ 1)
Vừa qua, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển biên soạn cuốn tài liệu 'Hỏi, đáp pháp luật về Cảnh sát biển Việt Nam'.
Nhằm giúp cán bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang nghiên cứu, tìm hiểu và áp dụng Luật Cảnh sát biển Việt Nam vào đời sống xã hội, Báo Công luận xin trích đăng một số nội dung cuốn tài liệu này.
Nội dung tài liệu gồm các câu hỏi và trả lời được hệ thống hóa từ các quy định của Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018, các Nghị định của Chính phủ và Thông tư, Quyết định của Bộ Quốc phòng quy định chi tiết thi hành Luật.
Lực lượng Cảnh sát biển hỗ trợ ngư dân.
Câu hỏi 1: Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 có hiệu lực ban hành từ ngày, tháng, năm nào?
Trả lời:
- Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 số 33/2018/QH14 được Quốc Hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 19 tháng 11 năm 2018 và được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố tại Lệnh số 12/2018/L-CTN ngày 03/12/2018.
- Tại khoản 1 Điều 41 Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định: Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2019.
Câu hỏi 2: Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 khi có hiệu lực thi hành thay thế văn bản pháp luật nào?
Trả lời:
Tại khoản 1 Điều 41 Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định: Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam số 03/2008/PL-UBTVQH12 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Câu hỏi 3: Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam bao gồm những những thành phần nào?
Trả lời:
Khoản 2, Điều 2 Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định:
Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam bao gồm sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân và viên chức thuộc biên chế Cảnh sát biển Việt Nam.
Câu hỏi 4: Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam được hiểu như thế nào?
Trả lời:
Khoản 1, Điều 2 Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định:
Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam là hoạt động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh và xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật về chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Câu hỏi 5: Phạm vi điều chỉnh của Luật Cảnh sát biển Việt Nam được quy định như thế nào?
Trả lời:
Điều 1 Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; chế độ, chính sách đối với Cảnh sát biển Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Câu hỏi 6: Vị trí của Cảnh sát biển Việt Nam được Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định như thế nào?
Trả lời:
Khoản 1, Điều 3 Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định:
Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển.
Câu hỏi 7: Chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam là gì?
Trả lời:
Khoản 2, Điều 3 Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định:
Cảnh sát biển Việt Nam có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ quốc phòng ban hành ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Đảng, Nhà nước về chính sách, pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam; quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và đảm bảo việc chấp hành pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế theo thẩm quyền.
Câu hỏi 8: Có bao nhiêu nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam?
Trả lời:
Điều 4 Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định 6 nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam:
1. Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý nà nước của Chính phủ và sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
2. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
3. Tổ chức tập trung, thống nhất theo phân cấp từ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đến đơn vị cấp cơ sở.
4. Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh và xử lý hành vi vi phạm pháp luật.
5. Kết hợp nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, quản lý an ninh, trật tự, an toàn trên biển với phát triển kinh tế biển.
6. Dựa vào Nhân dân, phát huy sức mạnh của Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân.
Câu hỏi 9: Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định về chính sách xây dựng và phát triển Cảnh sát biển Việt Nam như thế nào?
Trả lời:
Điều 5 Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định:
Nhà nước xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; ưu tiên nguồn lực phát triển Cảnh sát biển Việt Nam; bảo đảm kinh phí và cơ sở vật chất, đất đai, trụ sở, công trình cho hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; ưu tiên đầu tư trang bị hiện đại, nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ cho Cảnh sát biển Việt Nam.
Câu hỏi 10: Luật Cảnh sát biển Việt nam năm 2018 quy định trách nhiệm xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam của nhà nước và cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam như thế nào?
Trả lời:
Điều 5 Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định:
1. Nhà nước xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; ưu tiên nguồn lực phát triển Cảnh sát biển Việt Nam.
2. Cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam có trách nhiệm tham gia xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam trong sạch, vững mạnh.
(Còn tiếp...)