Hỏi - Đáp pháp luật: Việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể được thực hiện đối với trường hợp nào?

* Bạn đọc Nguyễn Vĩnh An ở xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể được thực hiện đối với trường hợp nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 22 Luật Phòng, chống ma túy năm 2021. Cụ thể như sau:

1. Xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể được thực hiện đối với người thuộc trường hợp sau đây:

a) Người bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;

b) Người mà cơ quan, người có thẩm quyền có căn cứ cho rằng có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy;

c) Người sử dụng trái phép chất ma túy đang trong thời hạn quản lý;

d) Người đang trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn do có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy; đang cai nghiện ma túy; đang điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; đang trong thời hạn quản lý sau cai nghiện ma túy.

2. Người đứng đầu cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy tiến hành xét nghiệm chất ma túy theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan, người có chuyên môn xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 điều này.

Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính thì gửi ngay kết quả đến chủ tịch UBND cấp xã nơi người có kết quả xét nghiệm dương tính cư trú, trừ trường hợp người đó đang cai nghiện ma túy bắt buộc.

3. Nhà nước bảo đảm kinh phí xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 điều này.

* Bạn đọc Huỳnh Văn Nam ở phường Đồng Nguyên, TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, hỏi: Việc sử dụng âm thanh, hình ảnh về hành vi bạo lực gia đình được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 21 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022. Cụ thể như sau:

1. Người có âm thanh, hình ảnh về hành vi bạo lực gia đình có quyền cung cấp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết vụ việc bạo lực gia đình.

2. Việc sử dụng âm thanh, hình ảnh về hành vi bạo lực gia đình trong quá trình giải quyết vụ việc bạo lực gia đình và đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng, internet phải được sự đồng ý của người bị bạo lực gia đình hoặc người giám hộ, người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

QĐND

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/hoi-dap-phap-luat-viec-xet-nghiem-chat-ma-tuy-trong-co-the-duoc-thuc-hien-doi-voi-truong-hop-nao-754619