Hỏi - đáp về Luật Thanh niên

Hỏi: Những điểm mới của Luật Thanh niên năm 2020 được quy định như thế nào?

ĐVTN huyện Sông Mã tham gia vẽ tranh tường.

ĐVTN huyện Sông Mã tham gia vẽ tranh tường.

Ảnh: Trần Hiền

Trả lời:

Thứ nhất, không quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của thanh niên mà quy định vai trò, trách nhiệm của thanh niên.

Nhằm khắc phục nhược điểm của Luật Thanh niên năm 2005. Luật Thanh niên năm 2020 không quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của thanh niên theo từng lĩnh vực để tránh trùng lặp trong hệ thống pháp luật, mà chỉ dành 1 điều chung quy định về vai trò, quyền và nghĩa vụ của thanh niên (Điều 4).

Thứ hai, quy định nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên và chính sách của Nhà nước đối với thanh niên (Điều 5).

Tham khảo kinh nghiệm xây dựng pháp luật về thanh niên của một số quốc gia trên thế giới, cũng như một số luật của Việt Nam cho thấy các luật đều có quy định mang tính nguyên tắc trong tổ chức, thực hiện pháp luật nói chung. Luật Thanh niên năm 2020 quy định 1 điều mang tính nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên và chính sách của Nhà nước đối với thanh niên.

Thứ ba, quy định nguồn lực thực hiện chính sách của Nhà nước đối với thanh niên (Điều 6).

Luật Thanh niên năm 2005 không quy định nguồn lực thực hiện chính sách Nhà nước đối với thanh niên nên không đảm bảo được nguồn lực để thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với thanh niên. Luật Thanh niên 2020 đã quy định Nhà nước bảo đảm nguồn lực để xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách đối với thanh niên theo quy định của pháp luật. Nguồn tài chính bảo đảm thực hiện chính sách đối với thanh niên gồm ngân sách Nhà nước; các khoản ủng hộ, viện trợ, tài trợ và khoản đóng góp hợp pháp khác của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước và nước ngoài.

Thứ tư, quy định Tháng thanh niên, Đối thoại với thanh niên (Điều 9, Điều 10).

Luật Thanh niên đã dành 1 điều quy định tháng 3 hằng năm là Tháng thanh niên nhằm phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên để tham gia hoạt động vì lợi ích của cộng đồng, xã hội và vận động tổ chức, cá nhân đầu tư, phát triển thanh niên.

Luật Thanh niên dành 1 điều quy định về Đối thoại với thanh niên (Điều 10) là nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng, phù hợp với thực tiễn đặt ra nhằm giải quyết các kiến nghị, đề xuất của thanh niên thông qua những hoạt động đối thoại với thanh niên.

Thứ năm, về chính sách của Nhà nước đối với thanh niên (Chương III).

Để chính sách, pháp luật đối với thanh niên đi vào cuộc sống, Luật Thanh niên năm 2020 đã tách các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên thành một chương riêng để không chồng chéo với các chính sách đã được quy định ở các luật chuyên ngành và bảo đảm tính khả thi cao khi Luật được ban hành.

Thứ sáu, về trách nhiệm của tổ chức thanh niên (Chương IV).

Kế thừa Luật Thanh niên năm 2005, Luật Thanh niên năm 2020 đã dành 1 Chương quy định về tổ chức thanh niên, trong đó quy định vị trí, vai trò của tổ chức thanh niên (Điều 27), Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (Điều 28), Hội LHTN Việt Nam và Hội sinh viên Việt Nam (Điều 29); đồng thời và quy định trách nhiệm của tổ chức thanh niên đối với thanh niên, đặc biệt là đã có 1 Điều quy định chính sách của Nhà nước đối với tổ chức thanh niên (Điều 30) để tạo điều kiện, hỗ trợ cho các tổ chức thanh niên hoạt động.

Thứ bảy, về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, cơ sở giáo dục, gia đình đối với thanh niên (Chương V).

Luật Thanh niên năm 2005 không quy định trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, cơ sở giáo dục, gia đình đối với thanh niên; trong khi đó những tổ chức này có vị trí, vai trò và sự tác động, ảnh hưởng rất lớn đến thanh niên. Khắc phục hạn chế này, Luật Thanh niên năm 2020 đã dành 1 Chương quy định về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc (Điều 31); trách nhiệm của tổ chức xã hội (Điều 32); trách nhiệm của tổ chức kinh tế (Điều 33); trách nhiệm của cơ sở giáo dục (Điều 34); trách nhiệm của gia đình đối với thanh niên (Điều 35).

Thứ tám, về quản lý Nhà nước về thanh niên (Chương VI).

Luật Thanh niên năm 2005 không quy định cụ thể cơ quan nào giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về thanh niên; đồng thời cũng không quy định trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về thanh niên, không quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về thanh niên. Khắc phục hạn chế này, Luật Thanh niên năm 2020 quy định nội dung quản lý Nhà nước về thanh niên với 8 nhiệm vụ.

Thu Thủy (Sở Tư pháp)

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/hoi--dap-ve-luat-thanh-nien-39407