Hội DKVN tổ chức tọa đàm 'Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi): Các khoảng trống pháp lý cần được lấp đầy và bổ sung

Nhằm trao đổi và đưa ra các ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), ngày 16/10 tới đây, Hội Dầu khí Việt Nam sẽ tổ chức tọa đàm 'Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi): Các khoảng trống pháp lý cần được lấp đầy và bổ sung theo tinh thần Nghị quyết 55-NQ/TW, Kết luận 76-KL/TW'.

Luật Điện lực đã trải qua gần 20 năm triển khai thi hành và qua 3 lần sửa đổi, bổ sung một số điều vào các năm 2012, 2018, 2022. Đến nay, trong bối cảnh mới, bên cạnh các yêu cầu từ thực tiễn, Luật Điện lực đã cho thấy nhiều khoảng trống pháp lý cần được lấp đầy và bổ sung theo tinh thần Nghị quyết 55-NQ/TW, Kết luận 76-KL/TW. Đây là những chủ trương, định hướng đặc biệt quan trọng của Bộ Chính trị đối với sự phát triển ngành Năng lượng của đất nước.

Dự kiến, tại Kỳ họp lần 8 Quốc hội khóa XV khai mạc vào ngày 21/10 sắp tới, Quốc hội sẽ cho ý kiến và quyết định 21 nội dung quan trọng; trong đó, có dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).

Đối với Quốc hội, đây là giai đoạn “nước rút” để hoàn tất các nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8. Song song đó, các Bộ, ngành, cơ quan quản lý Nhà nước đã và đang hoàn thiện và đề xuất các cơ chế chính sách pháp luật nhằm hiện thực hóa các chủ trương chỉ đạo, định hướng của Bộ Chính trị về lĩnh vực Năng lượng tại Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kết luận 76-KL/TW ngày 24/4/2024 về tình hình thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và một số định hướng cho giai đoạn mới.

Chính vì vậy, với các hội nghề nghiệp, cơ quan, tập đoàn, doanh nghiệp năng lượng, thì đây là giai đoạn quan trọng để cùng trao đổi, nắm bắt thông tin và cùng rà soát để đưa ra các ý kiến đóng góp về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), trong đó các cơ chế chính sách đang cần được gấp rút xây dựng và trình Quốc hội xem xét ban hành.

Việc thể chế hóa đầy đủ các nội dung của Nghị quyết 55-NQ/TW, Kết luận 76-KL/TW và các chủ trương, chính sách của Đảng vào Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia hoạt động điện lực tại Việt Nam; tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật; thúc đẩy đầu tư ngành năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Tọa đàm có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, đại diện các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo các tỉnh, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng.

Tại tọa đàm, các đại biểu, chuyên gia sẽ có nhiều báo cáo, tham luận, ý kiến xoay quanh chủ để “Luật Điện lực (sửa đổi): Tính cấp thiết và khoảng trống pháp lý cần được lấp đầy và bổ sung”; trong đó đặc biệt là các vướng mắc trên thực tiễn, các vấn đề pháp lý trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) theo tinh thần Nghị quyết 55-NQ/TW, Kết luận 76-KL/TW để cùng hiểu rõ, nắm sâu và đưa ra tiếng nói phản biện xác đáng, khoa học, góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, qua đó góp phần thúc đẩy ngành Năng lượng phát triển bền vững, hiệu quả, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Tọa đàm sẽ được tổ chức tại trụ sở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), số 18 Láng Hạ, Hà Nội vào sáng ngày 16/10.

H.A

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/hoi-dkvn-to-chuc-toa-dam-du-thao-luat-dien-luc-sua-doi-cac-khoang-trong-phap-ly-can-duoc-lap-day-va-bo-sung-719056.html