Hội doanh nhân Quảng Nam 'không còn khoảng cách'
Chiều tối 28-9, tại TP HCM, dưới sự chứng kiến của 1.000 khách mời gồm lãnh đạo UBND cùng các sở - ngành tỉnh Quảng Nam, các doanh nhân và đại diện hiệp hội, hội doanh nhân tại miền Nam, Hội Doanh nhân tỉnh Quảng Nam phía Nam (tên gọi Quang Nam Business - QNB) đã chính thức ra mắt.
Là một hội tự nguyện ra đời từ sáng kiến của Hội đồng hương Quảng Nam, QNB sẽ kết nối hoạt động sản xuất kinh doanh đồng thời làm cầu nối cho các doanh nhân doanh nghiệp người Quảng đầu tư về quê nhà Quảng Nam.
Theo ông Lê Hùng, Ủy viên Ban chấp hành QNB, với thông điệp "Không còn khoảng cách": không còn khoảng cách giữa các doanh nhân hội viên, không còn khoảng cách với quê hương bằng việc quay về đầu tư, đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh và cuối cùng là không còn khoảng cách chắp cánh cùng nhau bay cao, bay xa, QNB xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm là là đoàn kết giúp đỡ nhau trong sự nghiệp; cùng liên kết tạo ra giá trị kinh tế; cầu nối doanh nhân với các tổ chức, ban ngành; kết nối tổ chức các hoạt động phong trào.
"Chúng tôi sẽ cố gắng sử dụng sản phẩm của nhau, cùng quảng bá thương hiệu, mở rộng khách hàng và cơ hội đầu tư thông qua các công cụ quảng bá chung của hội như fanpage, app; line.
Tại buổi lễ, báo Người Lao Động đã trao biểu trưng chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" cho QNB nhằm kêu gọi doanh nhân Quảng Nam cùng đồng hành với chương trình của báo.
Cũng tại buổi lễ, bộ lục bình bằng gỗ cẩm lai 100 năm có chiều cao 1,6m đã được bán đấu giá để gây quỹ "Ươm mầm doanh nhân trẻ Quảng Nam".
Trước đó, chiều cùng ngày, UBND tỉnh Quảng Nam, Hội đồng hương Quảng Nam tại TP HCM đã tổ chức tọa đàm “Tiềm năng và cơ hội đầu tư về Quảng Nam”. Tọa đàm nhận được 11 ý kiến của doanh nhân, doanh nghiệp quê Quảng Nam tìm hiểu về cơ chế chính sách và định hướng thu hút đầu tư của tỉnh.
Ông Đặng Phong, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, cho biết ngoài những ưu đãi thu hút đầu tư theo quy định chung của Nhà nước, tỉnh cam kết hỗ trợ thủ tục đầu tư nhanh nhất có thể.
Tỉnh rất ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Có tổng cộng 12 nghị quyết của HĐND tỉnh phục vụ cho phát triển nông nghiệp nông thôn và người dân miền núi với tổng kinh phí hơn 13 ngàn tỉ đồng trong 5 năm. Tuy nhiên, việc xúc tiến đầu tư vào khu vực này rất chậm, không có nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Với vùng Đông, tỉnh tiếp tục xúc tiến đầu tương thương mại dịch vụ, trong đó có bất động sản và du lịch nghỉ dưỡng; phát triển công nghiệp hỗ trợ cho cơ khí ô tô, công nghiệp dệt may, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Cũng theo ông Đặng Phong, thực tế triển khai các dự án đầu tư, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng, sẽ đặt ra nhiều vấn đề khó khăn. "Tỉnh cam kết sẽ linh hoạt giải quyết cho từng trường hợp cụ thể – chúng tôi xem đây cũng là 1 hình thức ưu đãi cho nhà đầu tư" – ông Đặng Phong nói thêm.
Ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, cho biết thêm trong quy hoạch phát triển tỉnh đến 2020, tỉnh Quảng Nam tiếp tục phát triển 3 trụ cột gồm xây dựng hạ tầng đồng bộ, cải cách thủ thục hành chính và nâng cao nguồn nhân lực.
“Thời gian qua, các doanh nhân người Quảng Nam tại phía Nam, đặc biệt là TP HCM đã tích cực đầu tư, hỗ trợ phát triển quê hương. UBND cam kết luôn đồng hành và mong muốn đón nhận thêm nhiều sự quan tâm, đầu tư “về nhà” của các doanh nghiệp, doanh nhân” – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh nhắc lại.
Từ một tỉnh thuần nông, Quảng Nam đã vươn lên vị trí top 15 tỉnh thành nộp ngân sách cao của cả nước và trong top đầu về quy mô kinh tế tại khu vực miền Trung. Hiện toàn tỉnh có 7.200 DN đang hoạt động, hơn 40.000 hộ kinh doanh cá thể. Có tổng cộng 620 dự án đầu tư vào Quảng Nam với tổng vốn 702 tỉ đồng (trong đó có 186 dự án FDI).