Hội đồng Bảo an thảo luận về bảo vệ thường dân trước nạn đói do xung đột

Chiều ngày 17/9, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã họp công khai trực tuyến để nghe báo cáo về tình hình bảo vệ thường dân trước nạn đói do xung đột.

Đại sứ Đặng Đình Quý phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an về bảo vệ thường dân trước nạn đói do xung đột. (Nguồn: Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ)

Đại sứ Đặng Đình Quý phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an về bảo vệ thường dân trước nạn đói do xung đột. (Nguồn: Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ)

Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo Mark Lowcock, Giám đốc Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực LHQ (FAO) Qu Dongyu, Giám đốc Chương trình lương thực thế giới (WFP) David Beasley đã tham dự và báo cáo tại cuộc họp.

Phó TTK LHQ cho biết, tình trạng an ninh lương thực trên thế giới nói chung và tại các quốc gia xung đột nói riêng thời gian qua trở nên trầm trọng hơn do đại dịch Covid-19 gián tiếp làm gia tăng đói nghèo, hủy hoại sinh kế của người dân, gián đoạn các chương trình tiêm chủng, nảy sinh nhiều bạo lực, nguy cơ mất an ninh, cản trở hoạt động của các tổ chức nhân đạo.

Ông Lowcock kêu gọi HĐBA và các nước thúc đẩy giải pháp chính trị nhằm chấm dứt xung đột, bảo đảm tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, giảm thiểu tác động kinh tế của xung đột, huy động sự tham gia của các tổ chức tài chính quốc tế, tăng cường tài trợ các chương trình nhân đạo.

Giám đốc FAO cho biết, tình hình khủng hoảng lương thực không những không được cải thiện trong 4 tháng qua, mà còn tiếp tục nghiêm trọng do các nguyên nhân về khí hậu, nạn dịch sâu bọ, kinh tế, xã hội.

Ông Dongyu cho biết, số người bị đói tại Burkina Faso tăng gấp 3 lần; tại Yemen có 20 triệu người ở trong khủng hoảng và sẽ có thêm 3 triệu người nữa bị đói do hệ quả của Covid-19; tại CHDC Congo có gần 20 triệu người bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng; tại Đông Bắc Nigeria, bạo lực do các nhóm cực đoan vũ trang gây ra cản trở nghiêm trọng hoạt động cứu trợ nhân đạo; tại khu vực Sahel nói chung, bạo lực gia tăng khiến hàng triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa, gần 14 triệu người bị khủng hoảng lương thực.

Trong khi đó, Giám đốc WFP cho rằng, năm 2021 là năm bản lề do các khủng hoảng lương thực bị cộng hưởng bởi tác động của đại dịch Covid-19, kêu gọi các nước duy trì cam kết, ủng hộ các chương trình lương thực.

Phát biểu tại cuộc họp, các nước thành viên HĐBA bày tỏ quan ngại về tình trạng nạn đói do xung đột gây ra trên thế giới, nhất là xu hướng đang trở nên trầm trọng hơn do tác động đại dịch Covid-19, kêu gọi các bên xung đột tuân thủ luật nhân đạo quốc tế.

Các nước hối thúc các bên xung đột thực hiện Lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu của Tổng Thư ký LHQ, kêu gọi HĐBA cần đẩy mạnh các nỗ lực ngăn ngừa và giải quyết xung đột, xây dựng hòa bình bền vững, kêu gọi các nước tăng cường cam kết tài trợ cho các chương trình lương thực, cứu trợ nhân đạo.

Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, cho rằng xung đột tiếp tục là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến nạn đói, đồng thời nạn đói lại châm ngòi, kéo dài xung đột.

Trưởng phái đoàn Việt Nam kêu gọi bảo đảm tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, trong đó có nghĩa vụ bảo vệ thường dân, nhất là những người bị dễ bị tổn thương, bảo đảm hoạt động cứu trợ nhân đạo và bảo vệ nhân viên cứu trợ nhân đạo.

Đại sứ cho rằng, giải pháp bền vững phải là khắc phục các nguyên nhân gốc rễ của xung đột, thúc đẩy đối thoại tìm giải pháp chính trị cho xung đột, đồng thời cộng đồng quốc tế cần tăng cường hỗ trợ, cứu trợ nhân đạo cho các nước bị ảnh hưởng, giúp tăng sức chống chịu và thích ứng của các nước trước các thách thức về khí hậu, dịch bệnh.

Tại Nghị quyết 2417 (2017), HĐBA yêu cầu Tổng Thư ký LHQ báo cáo trong trường hợp phát sinh nguy cơ nạn đói do xung đột. Từ năm 2018, Tổng Thư ký LHQ đã báo cáo HĐBA về nguy cơ nạn đói do xung đột tại Yemen, Nam Sudan. Ngày 4/9, Phó TTK Mark Lowcock tiếp tục gửi báo cáo lên HĐBA về nguy cơ nạn đói trong xung đột tại Yemen, Nam Sudan, CHDC Congo và Đông Bắc Nigeria. Việt Nam tham gia cùng với 12 nước thành viên HĐBA khác đề nghị triệu tập cuộc họp này để nghe báo cáo.

QT.

(theo Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hoi-dong-bao-an-thao-luan-ve-bao-ve-thuong-dan-truoc-nan-doi-do-xung-dot-124088.html