Hội đồng giám định tác phẩm mỹ thuật 'thất nghiệp' vì... nói thật!
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết, sau 1 năm thành lập, Hội đồng giám định tác phẩm Mỹ thuật Nhiếp ảnh vẫn... 'thất nghiệp'. Dù trước đó, cũng có người mang tranh đến nhờ thẩm định. Nhưng chưa kịp lập hồ sơ, người ta đã mang tranh về vì chỉ nhìn bằng mắt thường, ai cũng biết đấy là tranh giả.
Tâm lý đem tranh đi giám định là muốn nhận về giấy chứng nhận tranh thật chứ không ai lại bỏ tiền ra để nhận về tờ giấy chứng nhận đó là bức tranh giả. Vì thế, thà "lập lờ đánh lận con đen" còn hơn là trắng đen rõ ràng- Đây là thông tin được ông Vi Kiến Thành chia sẻ tại hội thảo "Giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh - Thực trạng và giải pháp" diễn ra ngày 18-7 tại Hà Nội.
Cũng theo ông Vi Kiến Thành, thời gian tới, Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh sẽ có hợp đồng đầu tiên. Đó là việc giám định 326 tác phẩm của một nhà sưu tập Nhật Bản tặng thành phố Đà Nẵng. Việc này do UBND thành phố Đà Nẵng đặt hàng.
Dựa trên nhu cầu của thị trường, ông Vi Kiến Thành khẳng định, hoạt động mua bán, kinh doanh tác phẩm mỹ thuật ở trong nước và nước ngoài đang ngày càng phát triển, nhu cầu giám định tác phẩm của các nhà sưu tập, các bảo tàng, người chơi tranh, mua tranh, ảnh của người kinh doanh, mua bán tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh là nhu cầu thật, đang diễn ra hàng ngày.
Tuy nhiên, ông Vi Kiến Thành cũng thừa nhận, công tác giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh ở Việt Nam đang đứng trước những khó khăn lớn, đó là thiếu các điều luật quy định về hoạt động giám định tác phẩm nghệ thuật, nếu có cũng rất sơ sài, chung chung, khó áp dụng.
Tâm lý nghi ngờ, không tin tưởng, không muốn công nhận khả năng của người khác, không công nhận “trọng tài” đang là suy nghĩ đè nặng trong nhiều người. Bên cạnh đó, các máy móc, trang thiết bị khoa học kỹ thuật chuyên dụng để làm các kiểm tra kỹ thuật hiện hoàn toàn nhờ vào con người, máy móc của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an)… Đây là những trở ngại rất lớn không thể một sớm một chiều khắc phục được ngay.
Để hoạt động giám định đi vào thực tế, PGS.TS Bùi Thanh Mai, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đề xuất giải pháp xây dựng hồ sơ nghệ sỹ với ý nghĩa như một kho lưu trữ cung cấp các dữ liệu để mọi người có thể dễ dàng tra cứu thông tin về tác phẩm, sáng tác của nghệ sỹ.
Theo bà Bùi Thị Thanh Mai, một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều bức tranh bị giả mạo là do không có đủ tài liệu để chứng minh đó là bản gốc, đồng thời Việt Nam cũng chưa có phòng thí nghiệm để có thể phân tích, giám định tính xác thực của các tác phẩm nghệ thuật.
Thêm vào đó, trong một thời gian dài, các nghệ sỹ thường ít quan tâm đến cách tham gia, giúp đảm bảo giá trị các tác phẩm nghệ thuật của mình. Việc thiếu thông tin xuất xứ sẽ làm tăng nguy cơ mắc phải tác phẩm giả mạo.
Điều đó cho thấy, tài liệu về nguồn gốc tác phẩm có vai trò quan trọng trong việc thiết lập tính xác thực, là bước đầu tiên phải tiến hành trong công việc giám định tác phẩm mỹ thuật.
Ở lĩnh vực nhiếp ảnh, nhà phê bình Nguyễn Thành cho rằng, mức giá giám định tác phẩm nhiếp ảnh quá cao, không phù hợp với tình hình thực tế. Trong khi một bức ảnh có giá vài triệu đồng, nhưng để giám định, số tiền cần chi lên tới vài chục triệu đồng. Về việc này, ông Vi Kiến Thành cho biết sẽ điều chỉnh mức giá giám định của nhiếp ảnh xuống thấp hơn.
Đồng thời, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm sẽ tiếp tục thực hiện và tổ chức việc giám định đến khi nào ngoài xã hội có đơn vị tư nhân tham gia vào công việc này. Sau đó cục sẽ rút lui đúng theo thông lệ quốc tế.