Hối hả trên công trường xây dựng cầu Đại Ngãi, mong đến ngày nối nhịp bờ vui
Trong khi mọi người, mọi nhà đang tất bật chuẩn bị đón Tết cổ truyền Giáp Thìn 2024, thì những người thợ trên công trường xây dựng cầu Đại Ngãi (nối liền 2 tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh) vẫn miệt mài lao động, đẩy nhanh tiến độ công trình theo kế hoạch đề ra, sớm đưa cây cầu mơ ước bao đời nay của người dân khu vực vào hoạt động.
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, trên công trường xây dựng cầu Đại Ngãi (Quốc lộ 60) vượt sông Hậu, không khí làm việc khẩn trương, sôi nổi. Người dân địa phương kinh ngạc khi công trình mới khởi công 3 tháng nhưng hình hài cây cầu vượt sông Hậu đã dần lộ diện... Trên công trường xây dựng, hàng ngàn công nhân vẫn hối hả làm việc giữa cái nắng gắt của mùa khô Nam Bộ.
Anh Trần Phong Vũ, Chỉ huy trưởng thi công công trình thuộc Công ty CP đầu tư xây dựng Trường Sơn cho biết, cầu Đại Ngãi 2 (dự án cầu Đại Ngãi) có 4 đơn vị thi công là Tổng công ty Xây dựng số 1 - Công ty CP Đầu tư xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương và Công ty CP Tập đoàn Thuận An, với thời gian thi công là 740 ngày. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công (ngày 15/10/2023), các nhà thầu bắt tay ngay vào thi công công trình.
"Hiện, chúng tôi đang thi công kết cấu phần dưới, cọc khoan nhồi cho việc làm móng cầu. Mỗi ngày chúng tôi chia làm 3 ca, 4 kíp làm việc nên công trình lúc nào cũng có người, ban đêm đèn sáng rực cả một khúc sông. Tôi và anh em đã tham gia xây dựng nhiều cây cầy ở tỉnh Đồng Tháp, Bến Tre... Được thi công cầu Đại Ngãi là niềm vui, niềm hạnh phúc của chúng tôi. Đây là cây cầu qui mô rất lớn, có vai trò quan trọng trong kết nối giao thương giữa các tỉnh vùng duyên hải ĐBSCL với các tỉnh thành khác trong khu vực, thúc đầy phát triển KTXH của cả vùng”, anh Vũ chia sẻ.
Sau khi mạc áo phao, đội mũ bảo hiểm, chúng tôi theo anh Vũ ra công trình trên cầu dẫn dài ra giữa dòng sông. Bước trên cầu dẫn, chúng tôi vui lây bởi hình hài cây cầu đã dần xuất hiện giữa dòng nước mênh mông. Sông Hậu như hẹp lại, dòng nước như chảy chậm hơn bởi sự có mặt của nhiều sà lan, cần cẩu, máy khoan đậu san sát trên sông. Các công nhân trang bị bảo hộ đầy đủ, chu đáo đang chú tâm làm việc trong tiếng máy reo, trong ánh lửa hàn lóe sáng giữa ban ngày...
Anh Nguyễn Văn Hà (người dân địa phương) cho biết: Công nhân thi công cầu Đại Ngãi 2 đa số là người từ miền Trung, miền Bắc vào. Nơi anh em đóng quân là địa bàn ấp An Phú, xã An Thạnh Tây, huyện Cù Lao Dung, cặp với bờ sông Hậu. Khu vực này thưa vắng dân cư, xa trung tâm xã, xa huyện, xa chợ. Muốn ra chợ cũng không dễ vì đường xa, đường nhỏ, không có đèn chiếu sáng vào ban đêm. Điều kiện thiếu thốn rất nhiều, cả vật chất và tinh thần nhưng anh em công nhân vẫn vui vẻ, làm việc rất tích cực.
Anh Trần Phong Vũ chia sẻ thêm: “Chúng tôi được bà con địa phương hỗ trợ chu đáo, hướng dẫn tận tình. Nói thật, mỗi tuần chúng tôi đi Trà Vinh họp một lần mà đã thấy vất vả nên rất hiểu nỗi khát khao về cầu Đại Ngãi của người dân. Vì thế, chúng tôi luôn động viên nhau khắc phục mọi khó khăn để sớm hoàn thành cây cầu”.
Gặp anh em công nhân Công ty Cổ phần đầu tư xây lắp 6, đơn vị đang thi công đường dẫn vào cầu Đại Ngãi 2, anh Phan Thành Luân, cán bộ kỹ thuật của công ty cho biết, họ đang thi công đường dẫn có chiều dài 600m. Dự kiến tháng 2/2024 sẽ hoàn thành. Anh Trần Thanh Bình (công nhân lái máy xúc), chia sẻ: “Tôi rất rất tự hào khi được tham gia xây dựng cầu Đại Ngãi, vì đây là công trình giúp khu vực các tỉnh duyên hải ĐBSCL, trong đó có Cà Mau quê tôi, ngày càng phát triển."
Dự án cầu Đại Ngãi trên QL60 nối hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng có điểm đầu giao QL54 thuộc địa phận xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần (tỉnh Trà Vinh) và điểm cuối giao với QL Nam Sông Hậu thuộc địa phận xã Long Đức, huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng). Đây là trục giao thông chính, quan trọng ven biển các tỉnh miền Tây. Toàn tuyến có chiều dài trên 15,1 km, 5 nút giao, 7 cầu.
Giai đoạn 1, cầu chính có 4 làn xe, rộng hơn 17,5 m, vận tốc 80 km/h; giai đoạn 2, đường dẫn hai bên cầu sẽ được nâng lên 4 làn. Sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn 80 km từ Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu đi TP Hồ Chí Minh so với đi trên QL1 . Dự án giúp nối thông toàn tuyến QL60, nâng cao năng lực vận tải cho vùng ĐBSCL, tạo sự kết nối giao thông thuận tiện giữa các tỉnh duyên hải phía Nam với TP Hồ Chí Minh. Giai đoạn 1 dự án có tổng mức đầu tư 8.014 tỷ đồng từ vốn ngân sách. Ban Quản lý dự án 85 (Bộ GTVT) được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư.