Hội họa đương đại trên nền di sản

Tại tọa đàm 'Đương đại trên nền di sản' - sự kiện mở màn cho mùa thứ ba của cuộc thi UOB Painting of the Year, các diễn giả cho rằng, nghệ thuật Việt Nam muốn phát triển bền vững không thể tách rời khỏi di sản văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, các họa sĩ trẻ không nên bị bó buộc trong truyền thống mà cần những sáng tạo mới mẻ, từ chính cảm xúc của tâm hồn mình.

Cần những sáng tạo mới mẻ trên nền di sản

Đây là một vấn đề không mới, nhưng luôn được đưa ra bàn thảo tại các cuộc tọa đàm trong lĩnh vực sáng tạo nói chung và mỹ thuật nói riêng bởi truyền thống là bệ đỡ để người nghệ sĩ đi xa trên con đường sáng tạo. Họa sĩ Đặng Xuân Hòa, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật hội họa, Hội Mỹ thuật Việt Nam khẳng định, không thể có nghệ thuật Việt đương đại nếu thiếu nền tảng truyền thống.

Theo ông, di sản là điểm khởi đầu và cũng là nguồn chất liệu bất tận, tạo nên bản sắc riêng biệt cho mỗi tác phẩm nghệ thuật. Nghệ thuật Việt tốt hay không, không thể rời xa di sản của ông cha. Đó là cốt lõi để nghệ sĩ đi con đường dài hơi. “Nghệ thuật chỉ thực sự chạm đến trái tim khi nó thấm đượm hồn cốt văn hóa”, họa sĩ Đặng Xuân Hòa nhấn mạnh.

Các nghệ sĩ, chuyên gia chia sẻ nhiều góc nhìn đa chiều và sâu sắc về cách thực hành nghệ thuật sáng tạo, ghi dấu ấn cá nhân nhưng vẫn giữ gìn được tinh hoa mỹ thuật Việt.

Các nghệ sĩ, chuyên gia chia sẻ nhiều góc nhìn đa chiều và sâu sắc về cách thực hành nghệ thuật sáng tạo, ghi dấu ấn cá nhân nhưng vẫn giữ gìn được tinh hoa mỹ thuật Việt.

Tuy nhiên, cũng theo họa sĩ Đặng Xuân Hòa, việc khai thác truyền thống không phải sao chép, bê nguyên truyền thống mà phải có những sáng tạo mới mẻ, mang dấu ấn cá nhân của người nghệ sĩ. Truyền thống ở đây không phải là áo dài, nón lá được hiểu một cách trực quan, xơ cứng. Chúng ta phải sáng tác trên nền tảng truyền thống ấy bằng sự hồn nhiên, trong sáng và tấm lòng biết ơn quá khứ.

Cùng chung nhận định, bà Dương Thu Hằng, Giám đốc Hanoi Studio Gallery dẫn lời họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm: “Đi đến tận cùng truyền thống sẽ gặp đương đại”. Bà cũng nhấn mạnh vai trò của di sản trong những sáng tạo của nghệ sĩ. Đây là một thông điệp quan trọng về sự giao thoa giữa quá khứ và hiện tại, đồng thời là định hướng cho nghệ thuật Việt Nam trong quá trình hội nhập. Nghệ sĩ ngày nay, khi biết trân trọng di sản, dũng cảm đổi mới và sáng tạo từ bản sắc riêng, sẽ đưa nghệ thuật Việt Nam phát triển mạnh mẽ, không qua sự bắt chước, mà bằng một tiếng nói độc lập và tự tin.

Tại tọa đàm, họa sĩ Ngô Văn Sắc khẳng định, di sản không chỉ là kho báu để khai thác, mà là “chất liệu sống”, gắn liền với ký ức, văn hóa và cảm xúc của mỗi nghệ sĩ. Anh cũng nhấn mạnh, di sản không phải là báu vật bất động mà cần được kế thừa và sáng tạo qua trải nghiệm sống và cảm xúc cá nhân.

Thách thức với các họa sĩ trẻ

Sáng tạo trên nền di sản là một vấn đề căn cốt. Nhưng theo họa sĩ Đặng Xuân Hòa, với các nghệ sĩ trẻ hiện nay, cái căn cốt ấy được ngấm, được thấu cảm từ trong tâm thức chứ không phải chỉ đọc một cuốn sách, một câu chuyện mà ra truyền thống. Sự sáng tạo phải bằng tâm hồn và nhận thức của họa sĩ. Họ không nên hiểu truyền thống một cách máy móc, ôm đồm hay lạm dụng truyền thống. Nó là sự ngấm một cách tự nhiên, hồn nhiên chứ không phải là những lắp ghép khiên cưỡng. Đôi khi tác phẩm không có những chi tiết của truyền thống mà người xem vẫn nhìn ra tâm hồn Việt ở đó.

Theo ông, các họa sĩ trẻ của Việt Nam không thua kém các nước trong khu vực. Nghệ thuật đương đại của chúng ta lôi cuốn, mạnh mẽ và tươi mới hơn. Tâm hồn người Việt được thể hiện rõ nét, có giọng điệu hơn Thái Lan hay Singapore. Đó là thế mạnh của nghệ thuật đương đại Việt Nam. Bởi theo ông, nghệ thuật có giá trị vì đó là những rung động của tâm hồn. Những bức tranh của một số họa sĩ trẻ rất cá tính và tình cảm. Họa sĩ Đặng Xuân Hòa nhấn mạnh, tình cảm cũng chính là hồn cốt di sản của nghệ thuật Việt.

Tác phẩm "Doraeco", họa sĩ Phan Tú Trân, chất liệu: Tổng hợp trên vải nhung đỏ, ván nhựa durabo và thổi bóng bảo vệ bằng vật liệu epoxy, kích thước: 98 x 107 (cm), tác giả nhận giải thưởng Nghệ sĩ triển vọng nhất năm.

Tác phẩm "Doraeco", họa sĩ Phan Tú Trân, chất liệu: Tổng hợp trên vải nhung đỏ, ván nhựa durabo và thổi bóng bảo vệ bằng vật liệu epoxy, kích thước: 98 x 107 (cm), tác giả nhận giải thưởng Nghệ sĩ triển vọng nhất năm.

Các họa sĩ trẻ hiện nay có nhiều cơ hội tiếp cận với thế giới. Chỉ cần một chiếc điện thoại, họ biết mọi thứ đang diễn ra quanh mình. Tuy nhiên, theo ông, đó lại là một thách thức với họa sĩ trẻ. “Các nghệ sĩ phải kiên nhẫn mới nhận ra mình vì họ bị chìm ngập trong thông tin, bị nhiễu loạn bởi thông tin. Tôi thấy có nhiều họa sĩ trẻ có năng lực, có cái nhìn hay, nhưng tác phẩm của họ vẫn thể hiện một sự lúng túng, thiếu cách nhìn riêng biệt. Họ nhồi nhét, ôm đồm quá nhiều thứ trong một tác phẩm”.

Vì thế, theo họa sĩ Đặng Xuân Hòa, để có một con đường riêng, họa sĩ không thể dễ giãi, thậm chí họ phải thực sự nghiêm túc trên con đường sáng tạo. “Trên nền tảng của di sản, muốn đi con đường của mình các họa sĩ phải thực sự khát khao, mong mỏi, lao động miệt mài, thậm chí họ phải trả giá cho lựa chọn của mình. Tôi nghĩ, phải như thế chúng ta mới có hy vọng sáng tạo ra cái gì mới mẻ, chạm vào cảm xúc người xem, và khó hơn nữa, để các nhà sưu tập lớn bỏ tiền ra sưu tập”, họa sĩ Đặng Xuân Hòa khẳng định.

Bà Dương Thu Hằng cho rằng, các nghệ sĩ trẻ hãy để sự hiểu biết và nền tảng dẫn dắt sự sáng tạo chứ không chỉ đọc vài ba cuốn sách, hiểu vài ba ý niệm đưa vào tác phẩm và gọi là truyền thống. Phải đủ sâu, đủ hiểu, đủ trải nghiệm bởi công chúng yêu nghệ thuật, những nhà sưu tập họ dựa trên sự sáng tạo, cống hiến của nghệ sĩ chứ không hẳn là màu sắc bản địa, tính dân tộc được thể hiện một cách hời hợt trong tác phẩm. Yếu tố quyết định của một tác phẩm vẫn là cá tính sáng tạo.

Họa sĩ Ngô Văn Sắc nhấn mạnh, việc quan trọng nhất với nghệ sĩ bây giờ là sự chuyên tâm trong hành trình sáng tạo. Mỗi nghệ sĩ hãy dám đi con đường của mình bằng sự miệt mài, cần mẫn. Di sản là nguồn tư liệu chứ không phải là mục đích hướng tới của nghệ sĩ, bởi khi sáng tạo, họ không nên đặt ra mục đích sẽ bán tranh cho người nước ngoài hay trong nước. Tính bản địa trong mỗi tác phẩm không phải là cây đa, bến nước, sân đình.

Làm thế nào để không bị lệ thuộc, không bị “gồng” khi đưa di sản vào sáng tạo. Dù cùng sử dụng chất liệu truyền thống như sơn mài, lụa hay tranh dân gian, nhưng giá trị của tác phẩm không nằm ở chất liệu mà ở cách nghệ sĩ đặt tâm hồn mình vào đó. Khi đó, di sản không còn là câu chuyện của quá khứ mà trở thành một phần sống động trong hiện tại. “Sự sáng tạo phải từ câu chuyện của từng cá nhân, mỗi người nghệ sĩ hãy chắt lọc từ chính cảm xúc chân thực của mình để tạo ra những tác phẩm có chiều sâu, có tư tưởng và hồn cốt của mình trong đó”. Đấy mới chính là những giá trị mà nghệ thuật hướng tới.

Nhân dịp này, triển lãm các tác phẩm thắng giải Cuộc thi UOB Painting of the Year (UOB POY) năm 2024 diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đến hết ngày 19/5. Cuộc thi đã vinh danh 6 nghệ sĩ Việt tài năng ở hai hạng mục “Nghệ sĩ triển vọng” và “Nghệ sĩ thành danh”, trong đó giải thưởng cao nhất UOB Painting of the Year đã thuộc về họa sĩ Nguyễn Việt Cường với tác phẩm “Dòng chảy” và giải thưởng Nghệ sĩ triển vọng nhất năm đã được trao cho họa sĩ Phan Tú Trân với tác phẩm “Doraeco.”

Cuộc thi UOB POY năm thứ ba tại Việt Nam (2025) chính thức mở cổng nhận bài dự thi từ hôm nay cho đến hết ngày 1/8. Cuộc thi dành cho mọi công dân và thường trú tại Việt Nam, không mất phí tham gia. Hội đồng giám khảo của cuộc thi gồm các họa sĩ nổi tiếng, chuyên gia hàng đầu về hội họa: họa sĩ Đặng Xuân Hòa, Trưởng ban giám khảo, cùng các thành viên gồm họa sĩ Lê Thừa Tiến, Đỗ Hoàng Tường, chuyên gia Pamela Nguyen Corey. Họa sĩ Đặng Xuân Hòa chia sẻ, ông hy vọng cuộc thi năm nay sẽ đón nhận thêm những làn gió mới từ lớp nghệ sĩ trẻ, mang đến nhiều tác phẩm phong phú hơn về cả cách nhìn lẫn phong cách sáng tạo.

UOB Painting of the Year là một trong những giải thưởng nghệ thuật uy tín nhất ở Đông Nam Á, đã phát hiện, bồi dưỡng hơn 1.000 tài năng nghệ thuật trên toàn khu vực. Cuộc thi được tổ chức tại Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2023. Bên lề cuộc thi, Ban Tổ chức còn tạo điều kiện và đồng hành cùng các nghệ sĩ Việt Nam tham dự các sân chơi nghệ thuật khu vực, như Art Jakarta tổ tại Indonesia, hay Art Central tổ chức tại Hồng Kông, nơi quy tụ rất nhiều các tài năng nghệ thuật trên khắp châu Á.

Linh Nguyễn

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/hoi-hoa-duong-dai-tren-nen-di-san-i768543/