Trưng bày 'Vũ khúc Thiền môn': Tái tạo và hồi sinh các di sản văn hóa quý giá

Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Văn minh Châu Á tổ chức trưng bày chuyên đề 'Vũ khúc Thiền môn - Nghệ thuật Phật giáo thời Lý: Di sản và và Công nghệ', góp phần phục dựng, tái tạo và hồi sinh các di sản văn hóa quý giá.

Nhân ngày Quốc tế Bảo tàng và ngày Khoa học, Công nghệ Việt Nam (18/5/2025), kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Văn minh Châu Á tổ chức trưng bày chuyên đề “Vũ khúc Thiền môn - Nghệ thuật Phật giáo thời Lý: Di sản và và Công nghệ”. Trưng bày nhằm góp phần phục dựng, tái tạo và hồi sinh các di sản văn hóa vô cùng quý giá.

Các đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày.

Các đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày.

Nghệ thuật Phật giáo thời Lý (thế kỷ 11 - 13) là đỉnh cao của mỹ thuật Đại Việt, sự kết hợp độc đáo giữa tinh thần Thiền tông và văn hóa bản địa, nghệ thuật cung đình và dân gian tạo nên phong cách độc đáo. Trưng bày tập trung giới thiệu bốn lĩnh vực nghệ thuật tiêu biểu, gồm: nghệ thuật kiến trúc chùa tháp; nghệ thuật điêu khắc; nghệ thuật trên đồ gốm; nghệ thuật âm nhạc, vũ đạo.

Các tác phẩm, hiện vật được trưng bày thu hút sự quan tâm của công chúng.

Các tác phẩm, hiện vật được trưng bày thu hút sự quan tâm của công chúng.

Đối với nghệ thuật kiến trúc chùa tháp, vào thời Lý (1009 - 1225), Phật giáo phát triển cực thịnh, được triều đình coi trọng phát triển. Tiêu biểu trong số đó là những ngôi "quốc tự” được xây dựng như chùa Một Cột, tháp Báo Thiên, chùa Dạm, chùa Phật Tích, chùa Long Đọi... Kiến trúc chùa tháp thời Lý không chỉ là công trình tôn giáo, còn là công trình nghệ thuật thể hiện triết lý Phật giáo và những kỹ thuật đỉnh cao, mang đậm bản sắc Việt đồng thời biểu hiện sự tiếp thu những yếu tố văn hóa ngoại sinh.

Nghệ thuật điêu khắc Phật giáo thời Lý đạt đến đỉnh cao với sự kết hợp hài hòa giữa Phật giáo Thiền tông, nghệ thuật cung đình và văn hóa dân gian tạo nên phong cách thanh thoát mà uy nghi, linh thiêng mà gần gũi. Các tác phẩm điêu khắc thời Lý với kỹ thuật chế tác tượng tròn, phù điêu, chạm nổi, chạm lộng được tạo hình mềm mại, uyển chuyển, cân đối, hài hòa, cách điệu cao nhưng vẫn giữ nét tự nhiên.

Khách tham quan trưng bày.

Khách tham quan trưng bày.

Các hiện vật tiêu biểu chứa đựng những giá trị đặc sắc nhất của nghệ thuật Phật giáo thời Lý.

Các hiện vật tiêu biểu chứa đựng những giá trị đặc sắc nhất của nghệ thuật Phật giáo thời Lý.

Đồ gốm trong nghệ thuật Phật giáo thời Lý với các dòng gốm men trắng ngà, men nâu, hoa nâu, men ngọc. Kỹ thuật trang trí chủ yếu là khắc chìm, tráng men độc sắc, khuôn in, dán nổi... với các hoa văn đặc trưng liên quan đến Phật giáo: hoa sen, cúc dây, chim phượng, rồng, vũ công...

Nghệ thuật âm nhạc, vũ đạo Phật giáo thời Lý là sự kết hợp độc đáo giữa nghi lễ tôn giáo, truyền thống dân gian và nghệ thuật cung đình, tạo nên một di sản âm nhạc, vũ đạo đặc sắc mang đậm bản sắc dân tộc. Thời Lý, Phật giáo là quốc đạo, âm nhạc, vũ đạo trở thành phương tiện truyền bá giáo lý, thực hành các nghi lễ; các nhạc khí và âm điệu ảnh hưởng từ các nền văn hóa lớn như Ấn Độ, Trung Hoa nhưng được Việt hóa sâu sắc. Các nghi lễ Phật giáo được tổ chức long trọng với âm nhạc trang nghiêm dưới sự bảo trợ của triều đình.

Các tác phẩm, hiện vật được trưng bày.

Các tác phẩm, hiện vật được trưng bày.

Hiện vật "Đầu chim phượng" bằng vật liệu đất nung, thế kỷ 11 - 13.

Hiện vật "Đầu chim phượng" bằng vật liệu đất nung, thế kỷ 11 - 13.

Với 14 hiện vật tiêu biểu, được chọn lọc từ khối di sản Phật giáo thời Lý đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, chứa đựng những giá trị đặc sắc nhất của nghệ thuật Phật giáo thời Lý, với những diễn giải và trình chiếu bằng các kỹ thuật 3D mapping, hologram, digital revival, gauze projection… thông qua việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số, trưng bày nhằm góp phần phục dựng, tái tạo và hồi sinh các di sản văn hóa vô cùng quý giá, mong muốn mang tới cho khách tham quan những trải nghiệm mới, sâu sắc và hấp dẫn hơn. Qua đó, giúp công chúng hiểu sâu sắc, trân quý hơn những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa dân tộc.

Trưng bày chuyên đề “Vũ khúc Thiền môn - Nghệ thuật Phật giáo thời Lý: Di sản và và Công nghệ” diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đến tháng 7/2025.

Mai Trang/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/di-san/trung-bay-vu-khuc-thien-mon-tai-tao-va-hoi-sinh-cac-di-san-van-hoa-quy-gia-post1199917.vov