'Hồi kết' của những dự án chậm tiến độ ở Hải Dương
Thời gian qua, các cấp, các ngành của tỉnh Hải Dương rốt ráo, quyết liệt trong xử lý dự án đầu tư chậm tiến độ, triển khai không bảo đảm quy định.
Mạnh tay chấm dứt hoạt động
Sau nhiều lần họp bàn, phân tích, đánh giá tình hình, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương chấm dứt hoạt động một phần Dự án Đầu tư xây dựng cảng nội địa Hải Dương của Công ty CP Giao nhận kho vận Hải Dương (TP Hải Dương). Nguyên nhân do nhà đầu tư không sử dụng một phần diện tích thực hiện dự án, gây lãng phí đất đai.
Dự án Cảng nội địa Hải Dương được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2005. Qua 2 lần điều chỉnh vào năm 2016 và năm 2019, dự án có tổng mức đầu tư gần 352 tỷ đồng. Nhà đầu tư đã san lấp mặt bằng, xây dựng tường bao, đầu tư 6 nhà kho, 1 nhà điều hành và một số công trình phụ trợ trên diện tích gần 8,9 ha.
Còn lại 6,4 ha dù đã được tỉnh tạo điều kiện, gia hạn tiến độ thực hiện nhiều lần nhưng doanh nghiệp không phối hợp giải phóng mặt bằng.
Dự án nằm ở vị trí cửa ngõ TP Hải Dương nên việc không khai thác hết quỹ đất không chỉ làm giảm hiệu quả sử dụng đất mà còn ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị. Cơ quan chức năng của tỉnh và UBND thành phố đã chủ động liên hệ nhà đầu tư xử lý vướng mắc liên quan tới diện tích đất chưa sử dụng.
Tuy nhiên, doanh nghiệp không tích cực phối hợp. Vì vậy, việc chấm dứt một phần dự án thể hiện thái độ dứt khoát của tỉnh khi doanh nghiệp chậm trễ trong đầu tư.
Dự án chợ đô thị phía đông TP Hải Dương của Công ty TNHH Việt Đức từng được kỳ vọng tạo ra điểm nhấn về dịch vụ, thương mại cho thành phố. Nhưng 17 năm qua, dự án vẫn bỏ ngỏ, thậm chí một phần diện tích thực hiện dự án được cho thuê lại, sử dụng không đúng mục đích khiến dư luận bất bình.
Dự án này được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào năm 2007, điều chỉnh lại vào năm 2016. Mục tiêu của dự án là xây dựng chợ dân sinh quy mô loại II trên diện tích hơn 7.000 m2 với tổng mức đầu tư hơn 62 tỷ đồng. Dự án phải hoàn thành và đưa vào hoạt động trước ngày 31/12/2016.
Đến năm 2017, chủ đầu tư lại xin điều chỉnh, bổ sung mục tiêu xây dựng trung tâm dịch vụ thương mại và căn hộ. Sau khi rà soát, cơ quan chuyên môn kết luận mục tiêu này không phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch liên quan. Dù vậy, vướng mắc tại dự án này chưa được xử lý ngay mà đến tận tháng 9/2024, dự án mới chính thức chấm dứt hoạt động.
Xem xét điều chỉnh
Từ năm 2023 đến nay, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp, các ngành trong tỉnh đã kiểm tra, rà soát, đánh giá và phân loại các dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp chậm tiến độ, triển khai không bảo đảm đúng quy định. Trên cơ sở phân tích nguyên nhân chủ quan, khách quan, cơ quan tham mưu đã đề xuất UBND tỉnh phương án xử lý phù hợp.
Bên cạnh những dự án phải dứt khoát thu hồi, xử lý vi phạm về đầu tư, đất đai thì tỉnh cũng tạo điều kiện cho các dự án chậm tiến độ do nguyên nhân khách quan được điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Dự án Bệnh viện Quốc tế Hà Nội-Hải Dương của Công ty CP Đầu tư và Phát triển y tế Thành Đông được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 2/2021 với tổng mức đầu tư gần 1.300 tỷ đồng. Dự án sử dụng gần 13 ha đất dọc tuyến đường trục Bắc-Nam qua địa bàn xã Hồng Đức (Ninh Giang).
Mục tiêu của dự án là đầu tư bệnh viện đa khoa, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân với quy mô 500 giường bệnh. Thời gian hoàn thành và đưa dự án vào hoạt động trong vòng 36 tháng kể từ ngày chấp thuận chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, quá thời gian, dự án vẫn chưa triển khai. Đây là một trong số những dự án nằm trong danh sách kiểm tra, rà soát vào đầu năm 2024.
Sau khi kiểm tra, Sở Kế hoạch và Đầu tư đánh giá dự án chậm tiến độ chủ yếu do nguyên nhân khách quan và một phần là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Nhà đầu tư đã hoàn thành việc thỏa thuận giải phóng mặt bằng với các hộ dân có diện tích đất trong phạm vi thực hiện dự án. Hiện tại chỉ còn vướng mắc liên quan đến diện tích đất công điền do địa phương quản lý.
Thời điểm triển khai dự án đúng giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, phải giãn cách xã hội nên việc thực hiện các thủ tục đầu tư bị gián đoạn. Vì vậy, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất gia hạn tiến độ thực hiện dự án.
Tương tự, 2 dự án đầu tư của Công ty CP Quê Hương ở huyện Nam Sách vừa được UBND tỉnh chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư. Dự án cơ sở sản xuất bánh đậu xanh, sản xuất ô dù che mưa xuất khẩu có tổng mức đầu tư gần 150 tỷ đồng, sử dụng hơn 4,4 ha đất ở xã Hồng Phong (Nam Sách).
2 dự án này được chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu năm 2020, yêu cầu hoàn thành và đi vào hoạt động trong vòng 24 tháng kể từ thời điểm được chấp thuận.
Song những vướng mắc về giải phóng mặt bằng, thủ tục đất đai phức tạp đã khiến dự án kéo dài, chậm tiến độ. Sau khi xem xét hồ sơ và yêu cầu doanh nghiệp ký quỹ đầu tư, dự án đã được gia hạn tiến độ triển khai.
Qua 2 đợt rà soát gần 2.000 dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, cơ quan chức năng của tỉnh đã xác định 276 dự án chậm tiến độ, triển khai không bảo đảm quy định. Căn cứ vào tình hình triển khai thực tế, đoàn kiểm tra liên ngành đã đề xuất phương án xử lý đối với từng dự án cụ thể. Trong đó tập trung phân loại, xử lý các dự án có tỷ lệ đất công có thể tách thành dự án độc lập, những dự án phải xử lý vi phạm về đầu tư trước khi xem xét điều chỉnh, gia hạn tiến độ và các dự án cần xác minh, kiểm tra vi phạm về đất đai.
Ngoài các dự án đầu tư cấp tỉnh, 750 dự án đầu tư của các hộ kinh doanh do UBND cấp huyện chấp thuận đầu tư cũng được kiểm tra. Qua đó xác định 155 dự án chậm tiến độ, tồn tại vướng mắc cần phải giải quyết, xử lý.
Công tâm, không bỏ lọt
Trong khi đang tích cực xử lý, tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án đã rà soát thì các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tiếp tục thực hiện rà soát các dự án chậm tiến độ đợt 2 trong năm 2024. Không chỉ dự án cấp tỉnh mà những dự án của hộ sản xuất, kinh doanh cũng nằm trong “tầm ngắm”. Tỉnh kiên quyết xử lý dứt điểm, thấu đáo, tránh tình trạng dự án đầu tư trì hoãn kéo dài.
Các dự án chậm tiến độ, triển khai không bảo đảm quy định được đánh giá cả nguyên nhân khách quan, chủ quan. Từ đó, xem xét trách nhiệm của chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước. Nếu dự án chậm do yếu tố chủ quan dù đã được tạo điều kiện thì xem xét thu hồi, chấm dứt hoạt động.
Thực tế thời gian qua, tỉnh đã mạnh tay chấm dứt hoạt động một số dự án đầu tư. Còn những dự án xuất phát từ nguyên nhân khách quan phải đánh giá rõ ràng trách nhiệm của các bên để đưa ra phương án xử lý phù hợp.
Hải Dương có nhiều tiềm năng, lợi thế trong thu hút các dự án đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy vậy, những dự án chậm triển khai sẽ ảnh hưởng tới môi trường đầu tư của tỉnh, khiến động lực trở thành "hòn đá tảng", cản trở sự phát triển.
Vì thế, việc xử lý các dự án chậm tiến độ, triển khai không bảo đảm quy định trong thời gian qua thể hiện tinh thần hành động dứt khoát, quyết liệt của tỉnh nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh.
Điều 41 Luật Đầu tư 2020 quy định: Nhà đầu tư có dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư phải thực hiện thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Kéo dài tiến độ thực hiện dự án đầu tư mà tổng thời gian đầu tư dự án vượt quá 12 tháng so với tiến độ thực hiện dự án đầu tư quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu.
Nhà đầu tư không được điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư quá 24 tháng so với tiến độ thực hiện dự án đầu tư quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu, trừ một trong các trường hợp sau đây:Để khắc phục hậu quả trong trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật về đất đai; điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư do nhà đầu tư chậm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước hoặc cơ quan nhà nước chậm thực hiện thủ tục hành chính.
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/xu-ly-du-an-cham-tien-do-o-hai-duong-395762.html