Người dũng sĩ bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng AK
Dù tôi sinh ra trong thời bình, không được chứng kiến bom đạn chiến tranh, nhưng nghe ông kể chuyện đánh giặc Mỹ, nước mắt vẫn luôn trực trào. Câu chuyện của ông giúp tôi hiểu hòa bình hôm nay được đánh đổi bởi biết bao xương máu của cha ông ngày trước. Ông là Đại úy Phùng Văn Bến, Dũng sĩ bắn máy bay Mỹ, tổ 2, phường Thịnh Đán (TP. Thái Nguyên).

Ông Phùng Văn Bến cùng 2 con gái thăm Cầu Hiền Lương.
“Tạm biệt mẹ, con đi cứu nước!”
Khi đất nước có chiến tranh, có lẽ đó là câu chia tay xúc động nhất của những đứa con với mẹ. Thanh niên Phùng Văn Bến cũng không phải ngoại lệ. Năm 20 tuổi, chàng trai trẻ giấu mẹ, viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ, đánh giặc Mỹ, góp sức bảo vệ Tổ quốc, dù cậu là con trai duy nhất của mẹ. Trước ngày lên đường, thương mẹ già một mình, Bến đã chằm lại mái rạ cũ để sáng hôm sau yên tâm tòng quân. Từ rất sớm, Bến lặng lẽ xuống sân vận động của huyện. Khi mẹ biết, bà tất tưởi chạy theo. Bến nghĩ mẹ sẽ giận mà la mắng. Nhưng không, bà lại động viên: Con đã quyết tâm đi thì không được làm mẹ xấu hổ!
Sau 18 năm trong quân ngũ, ông về nghỉ ngơi cùng gia đình với quân hàm Đại úy, trên cơ thể mang nhiều thương tật. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, ông lại tiếp tục tham gia công tác tại địa phương.

Ảnh ông Phùng Văn Bến thời trẻ.
Ông bảo: Bố mất từ khi tôi còn rất nhỏ, tôi lớn khôn trong sự tảo tần, vất vả của mẹ. Tôi biết, khi tòng quân, mẹ sẽ lam lũ hơn nhưng vì Tổ quốc, năm 1967, tôi vẫn tình nguyện lên đường nhập ngũ vào Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 (Đại đoàn Đồng bằng). Mẹ tôi cũng là du kích Sơn Tây. Tôi sinh ra và lớn lên ở xã Đồng Thái, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay thuộc TP. Hà Nội).
Ký ức là những trang sử hào hùng
Ngày rời xa quê hương, tạm biệt mẹ già lên đường tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông Bến không nghĩ nhiều mà chỉ có một quyết tâm góp sức cùng đồng đội đánh thắng giặc Mỹ bằng mọi giá, dù có phải hy sinh. Sau khi huấn luyện, ông cùng đơn vị tham gia chiến dịch Mậu Thân 1968 ở Quảng Trị, sau đó ông được cho ra Bắc học Trường Sĩ quan Lục quân. Trở về đơn vị, với vai trò là Đại đội trưởng trinh sát Trung đoàn 64, Sư đoàn 320, ông tiếp tục cùng đơn vị tham gia Đường 9 - Nam Lào (năm 1971). Sau chiến thắng Đường 9 - Nam Lào, ông lại cùng đồng đội hành quân vào chiến trường B3 Tây Nguyên để tiếp tục chiến đấu.
Nói đến những trận đánh, ký ức ùa về trong ông như một thước phim quay chậm đầy cảm xúc, khiến câu chuyện khó liền mạch. Nhưng có những kỷ niệm ông luôn muốn nhắc nhớ nhiều lần cùng con cháu bởi nó là những thời khắc nằm giữa lằn sinh - tử, là “thuốc thử” trí thông minh, sự nhạy bén, gan dạ, dũng cảm của người Đại đội trưởng Đại đội trinh sát. Khi nói đến người chiến sĩ trinh sát, ông cười hiền: Người trinh sát “đi trước, về sau”, dũng cảm, nhanh nhẹn, thông minh, có trí nhớ tốt…

Ống Phùng Văn Bến cùng con gái thứ 2 bên máy bay CH-47 tại Sân báy Tà Cơn (Quảng Trị).
Dừng lời giây lát, ông ngân nga mấy câu hát, mà thời còn “nằm gai nếm mật” nơi chiến trường, các đồng đội của ông thường hát cho nhau nghe: “Con dao găm với chiếc võng dù/ Tập bản đồ, vài cân lương khô/ Ta ra đi vượt núi băng rừng/ Ta là người lính trinh sát, nhẹ bước chân xa vời/ Như bầy chim tung cánh bay khắp bốn phương trời”…
Năm 1972, trong một lần đi trinh sát tại chân núi Chư-Mom-Rây, phía Tây thị xã Kon Tum (Tây Nguyên), sau khi phân công các mũi trinh sát, với vai trò chỉ huy, ông leo lên đài quan sát để tiếp tục nắm bắt tình hình thì bất ngờ phát hiện có máy bay địch bay về phía mục tiêu mà quân ta đã phát hiện trước đó.
Sau vài giây phán đoán, ông quyết định chĩa thẳng họng súng AK vào mục tiêu. Sau 3 loạt đạn, chiếc máy bay Mỹ CH-47 đã bốc cháy. Đêm đó, một trinh sát đã anh dũng hy sinh. Ông đau đớn nằm bên thi thể đồng đội, chờ đến sáng mới đưa chiến sĩ về đơn vị an táng. Nói đến kỷ niệm này, giọng ông run run, mắt ngân ngấn nước. Một khoảng lặng để chúng tôi cùng kìm nén sự xúc động.
CH-47 là một trong những trực thăng nhanh nhất của quân đội Hoa Kỳ với tốc độ tối đa lên tới khoảng 298km/h, bán kính hoạt động 370km, tầm bay cao nhất 6.500m với vận tốc lên cao 995m/phút.
“Giờ tôi chỉ nhớ chiến sĩ đó tên là Đường, quê ở Hà Tĩnh. Buổi chiều tối hôm đó, chúng tôi còn ăn cơm với nhau, vậy mà... Tôi đã nằm bên cạnh đồng chí Đường cho đến sáng. Trong chiến tranh, sự sống, cái chết chỉ mong manh như làn khói, nhưng dường như không ai thấy sợ hãi bởi ý chí, lòng dũng cảm, sự quyết tâm đã được hun đúc trong trái tim mỗi người lính… Tôi may mắn hơn nhiều đồng đội là được trở về, chứng kiến thời khắc thống nhất đất nước, dù trên thân thể có nhiều vết thương… ” - Ông Bến chia sẻ.
Trở lại chiến trường xưa
Sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước, Quân đội với ông Phùng Văn Bến là rất nhiều huân, huy chương, bằng khen, giấy khen…, trong đó có Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba; Huân chương Kháng chiếng chống Mỹ hạng Ba… Trong lần bắn rơi máy bay CH-47, ông đã được phong tặng danh hiệu “Dũng sĩ bắn máy bay Mỹ”. Giờ ở tuổi 78, điều khiến ông hạnh phúc, toại nguyện là có một gia đình yên ấm, hòa thuận với người vợ đảm đang, hiền thục và những đứa con, đứa cháu đều hiếu thảo, ngoan ngoãn, học giỏi, thành đạt.

Một du khách nước ngoài rất yêu đất nước, con người Việt Nam, khi biết ông Bến từng trải qua bom đạn chiến tranh, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, đã xin chụp ảnh lưu niệm.
Ông tự hào: Tôi có 3 người con, đều có trình độ thạc sĩ, con gái cả hiện là giáo viên tiếng Anh, đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, công tác tại Trường THCS Tân Thịnh, TP. Thái Nguyên. Con gái thứ 2 là Trưởng phòng Nhân sự, Công ty AceCook. Con trai út là kỹ sư kết cấu, công tác ở một công ty ở Thủ đô Hà Nội. Các cháu nội, ngoại đều chăm ngoan, học giỏi, có đứa đang du học bên Pháp… Tuổi già như vậy là tôi mãn nguyện.
Trước khi chia tay, ông không quên nhắc đến chuyến đi “trở lại chiến trường xưa” được hai cô con gái sắp xếp đưa bố đi vào năm 2024. Đó là chuyến đi vô cùng ý nghĩa đối với ông Bến. Ông được trở lại những địa chỉ đã in dấu chân ông và đồng đội một thời, nơi mà ông đã gửi lại một phần xương máu, nơi mà nhiều đồng đội ông còn nằm đó, như Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang đường 9, Thành cổ Quảng trị, Cầu Hiền Lương… Hồi ức như sống lại, ông như nhìn thấy những ánh mắt, nụ cười của đồng đội! Với người lính già, không hạnh phúc nào lớn hơn thế!