Hội LHPN Lý Nhân phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ủy thác
Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Lý Nhân đã làm tốt công tác ủy thác nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, từ đó đã giúp hơn 3 nghìn hội viên vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, trong đó có nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Lý Nhân đã làm tốt công tác ủy thác nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, từ đó đã giúp hơn 3 nghìn hội viên vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, trong đó có nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Trước đây, trên diện tích gần 1 mẫu ruộng, chị Trần Thị Chinh, thôn Tế Cát, xã Đức Lý (Lý Nhân) chỉ chuyên cấy lúa, hiệu quả kinh tế không cao. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, năm 2021, gia đình chị được Hội LHPN cho vay 70 triệu đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để cải tạo lại khu ruộng cấy không hiệu quả sang trồng cây hoa thiên lý. Nhờ đầu tư chăm bón đúng quy trình kỹ thuật nên toàn bộ diện tích đã trồng hoa thiên lý phát triển tốt, hiện đang bước vào mùa thu hoạch rộ, bình quân mỗi ngày thu hái từ 15 - 25 kg, mỗi ngày chị thu về gần 1 triệu đồng từ bán hoa thiên lý.
Cũng như chị Chinh, chị Trần Thị Thiết, Chi hội Phụ nữ Thôn 5, xã Tiến Thắng hiện là chủ cơ sở dệt vải, có thu nhập mỗi tháng hàng trăm triệu đồng cho biết: Những năm trước đây, gia đình dệt vải bằng máy thủ công, năng suất không cao. Năm 2019, được hội LHPN tạo điều kiện vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội để nâng cấp máy dệt công nghệ cao. Đến nay bình quân mỗi ngày gia đình dệt hàng nghìn mét vải, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động tại địa phương.
Được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, chị Trần Thị Thiết, Thôn 5, xã Tiến Thắng (Lý Nhân) đầu tư máy dệt nâng cao năng suất lao động. Ảnh: Xuân Lộc
Xác định nguồn vốn là yếu tố quan trọng giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình, là nền tảng để hoàn thành các chương trình mục tiêu công tác hội. Hằng năm, Hội LHPN huyện Lý Nhân đều xây dựng kế hoạch chỉ đạo hội LHPN các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cập nhật thường xuyên các chương trình chính sách tín dụng ưu đãi, hướng dẫn và phổ biến quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội đến tổ viên trong tổ tiết kiệm và vay vốn qua các buổi sinh hoạt; yêu cầu các tổ thực hiện đúng quy trình công đoạn ủy thác cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách khác, trong đó chú trọng công tác bình xét cho vay vốn đúng đối tượng, công khai dân chủ, bảo đảm quy trình. Đồng thời, chỉ đạo hội LHPN các xã, thị trấn rà soát lại chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn chưa bảo đảm yêu cầu, làm rõ nguyên nhân để củng cố, kiện toàn lại nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của tổ.
Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện còn chỉ đạo hội phụ nữ các xã, thị trấn căn cứ vào kế hoạch kiểm tra của huyện hội để xây dựng và thực hiện kiểm tra 100% các tổ tiết kiệm và vay vốn. Qua kết quả kiểm tra đã kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những sai sót, tồn tại trong công tác quản lý và cho vay nguồn vốn tín dụng chính sách. Ngoài ra, thông qua các cuộc kiểm tra, giám sát, huyện hội đã tổng hợp những ý kiến, kiến nghị của tổ trưởng các tổ tiết kiệm và vay vốn, hộ vay liên quan đến hoạt động quản lý, cho vay để đề xuất, kiến nghị Ngân hàng Chính sách xã hội có giải pháp hỗ trợ và xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc tại địa phương.
Tính đến hết tháng 9/2023, có hơn 3 nghìn hội viên phụ nữ trên địa bàn được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội do hội quản lý, với tổng dư nợ trên 188 tỷ đồng, bao gồm: Cho vay hộ nghèo, học sinh sinh viên, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn… Cùng với việc hỗ trợ vốn vay ưu đãi, từ đầu năm 2023 đến nay, hội LHPN các cấp còn phối hợp với các ngành chức năng tổ chức gần 100 buổi dạy nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về gieo sạ, kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh... cho hàng nghìn hội viên phụ nữ. Từ nguồn vốn vay và kiến thức được tập huấn, các cấp hội đã xây dựng nhiều mô hình phụ nữ phát triển kinh tế. Tiêu biểu như các mô hình: “Sản xuất tỏi đen Linh An” của chị Nguyễn Thị Huyên, xã Công Lý; bánh đa phở xuất khẩu của chị Nguyễn Thị Hoa, Thôn 3 Phú Đa, xã Công Lý; nuôi cá trắm đen thương phẩm của chị Phạm Thị Hoài, xã Đức Lý...
Nhờ những chính sách ưu đãi, sự giúp đỡ của hội, thời gian qua hội đã ra mắt HTX Bún phở khô Khánh Linh với 7 thành viên tham gia; duy trì hoạt động 3 tổ hợp tác: “Thêu ren xuất khẩu” xã Hợp Lý, “Trồng cây có múi” xã Nhân Bình, “Phụ nữ liên kết trồng rau an toàn” xã Nhân Nghĩa và 4 hợp tác xã “Nông sản sạch Bảo An” thị trấn Vĩnh Trụ, Đoàn Thành xã Nhân Bình, “trồng rau an toàn” xã Nhân Chính, “Nông sản sạch Nhân Bình”.
Có thể khẳng định, hoạt động ủy thác cho vay vốn tại Hội LHPN huyện Lý Nhân đã giúp hội viên phụ nữ có điều kiện phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, phát huy được nguồn vốn và không chỉ giải quyết việc làm cho hội viên, mà còn góp phần thu hút, tập hợp chị em vào tổ chức hội. Thời gian tới, Hội LHPN huyện Lý Nhân tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hướng dẫn các hộ vay vốn làm thủ tục và giải ngân theo các chương trình; tích cực đôn đốc các hộ có dư nợ trả gốc và lãi đúng kỳ hạn; tuyên truyền các hộ vay vốn nâng mức gửi tiết kiệm định kỳ hằng tháng lên tối thiểu là 50 nghìn đồng/hộ/tháng. Đồng thời, phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tổ chức tập huấn nghiệp vụ tín dụng chính sách cho cán bộ hội, đoàn thể nhận ủy thác cấp xã, thành viên ban quản lý các tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn.