'Hội nghèo và Lòng tốt của quan'
Cũng là chuyện 'nghèo' nhưng liên quan đến 'đày tớ', khi kể ra có phải cũng 'Nghe phát hiểu liền' hay dẫu có nghe 'mấy phát' thì dân vẫn không thể hiểu?
Đầu tiên là nói đến chuyện “Nghèo”.
Chương trình truyền hình trực tiếp trên VTV1 đêm 17/10/2019 “Cả nước chung tay vì người nghèo 2019” có cảnh cụ Đỗ Thị Mơ 83 tuổi, quê Thanh Hóa đạp chiếc xe cũ trên sân khấu. Hơn 60 năm trước, cụ Mơ từng làm dân công hỏa tuyến tại chiến trường Điện Biên.
Trả lời câu hỏi của người dẫn chương trình về nguyên nhân 2 năm liền cụ viết đơn xin “trả cái hộ nghèo ra”, cụ Đỗ Thị Mơ nói:
“Nhìn bao nhiêu người chất độc da cam, khuyết tật đeo trên mình, tôi 83 tuổi tay chân lành lặn, khỏe mạnh, mắt sáng, xe đạp đi vèo vèo, sao lại không trả cái hộ nghèo ra?”.
Nói về tài sản gia đình hiện tại, cụ Mơ “Báo cáo lãnh đạo là lợn thì không có, còn gà thì hình như bốn năm chục con, không đếm…”.
Tại huyện miền núi Ba Chẽ - Quảng Ninh, trong vòng một năm (2018) có 80 hộ tự nguyện viết đơn xin xóa tên khỏi danh sách hộ nghèo. [1]
Báo Nghệ An đưa tin tại huyện miền núi Con Cuông, trong các năm 2016 - 2018, có 383 hộ xin ra khỏi diện hộ nghèo, đưa tỷ lệ giảm hộ nghèo hàng năm đạt từ 4 - 5%.
Mới đây báo chí đưa tin vợ chồng ông Bùi Công Hiệp, phường Long Trường, quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển quyền sở hữu ngôi nhà 3 tầng và quyền sử dụng thửa đất rộng 2.500 m2 (có trị giá trên 100 tỷ đồng) cho các bé mồ côi mà vợ chồng ông nuôi dưỡng, trong số đó có những bé bị bỏ rơi khi mới chỉ được vài ngày tuổi.
Suy nghĩ của vợ chồng ông thật đơn giản, hơn 80 chục đưa bé đó là các con của ông bà và “Mình phải nghĩ đến lúc chúng lớn, ra đời lỡ sa cơ thất thế chúng còn nơi để mà về”.
Lòng tốt của dân nghèo là như thế, là “trả cái hộ nghèo” cho những người nghèo hơn mình, là dù đã vượt ngưỡng “cổ lai hy”, đạt đến ngưỡng thượng thọ (bát tuần) nhưng tay chân lành lặn, mắt còn sáng thì còn tự lo được cho mình, không đòi hỏi sự cưu mang của xã hội.
Những câu nói thể hiện lòng tốt của dân nghe có vẻ rất “ngây thơ”, ngây thơ đến mức mấy bác nông dân vừa nghe chuyện xong liền gật gù: “Nghe phát hiểu liền”.
Cũng là chuyện “nghèo” nhưng liên quan đến “đày tớ”, khi kể ra có phải cũng “Nghe phát hiểu liền” hay dẫu có nghe “mấy phát” thì dân vẫn không thể hiểu?
Để trả lời câu hỏi này, xin lượm vài chuyện báo chí đăng tải:
Thứ nhất: Ban Thường vụ Huyện ủy Bố Trạch tỉnh Quảng Bình quyết định cách chức hàng loạt cán bộ xã Hoàn Trạch sau việc những người này đưa nhiều người thân quen, họ hàng vào danh sách hộ nghèo và hợp thức hóa đất công thành tài sản cá nhân.
Cán bộ chuyên trách giảm nghèo, tăng hộ khá kiêm kế toán “Ban Giảm nghèo, tăng hộ khá” phường 11, quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh lập 267 hồ sơ khống vay vốn Quỹ xóa đói giảm nghèo. Khi thu hồi vốn vay người này không nộp lại mà chiếm đoạt gần 7,4 tỉ đồng quỹ để sử dụng cá nhân.
Thứ hai: Xin Nhà nước cho giữ cái “Hội nghèo” (không phải “hộ nghèo”).
Vị lãnh đạo một hội gồm toàn “tinh hoa, mắt sáng, tay khỏe” đông đến 4 vạn người hùng hồn tuyên bố, rằng “Nhà nước chỉ tiết kiệm được 85 tỉ đồng mỗi năm nhưng lại mất đội quân 4 vạn người là những chiến sĩ giữ vững trận địa văn hóa tư tưởng của đất nước, mất cả đội ngũ bao năm gắn bó với đất nước, với cách mạng và sáng tạo ra đời sống tinh thần cho nhân dân”.
Rằng “Đẩy 4 vạn văn nghệ sĩ cả nước đi chạy quảng cáo, xin tài trợ kiếm sống thì thời giờ đâu để trở thành chiến sĩ giữ vững trận địa văn hóa tư tưởng của đất nước".
Cuối cùng thì người ta không viết đơn “xin trả cái nghèo ra” mà là “Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động thực chất là Nhà nước nuôi. Nhà nước nuôi anh em chúng ta”. [2]
Những người “nghèo thật” tự viết đơn “xin trả cái hộ nghèo” chiếm đa số hay mới chỉ lác đác thì chưa thể kết luận, tuy nhiên một bộ phận quan chức (chính quyền và tổ chức xã hội nghề nghiệp) mong muốn gia đình mình, hội đoàn của mình luôn “nghèo” để nhận hỗ trợ (tiền, trụ sở, ôtô,…) từ phía nhà nước thì tuyệt đối không phải là chuyện bịa.
Tiếp theo là nói về “lòng tốt”:
Xin hãy nghe mấy vị “đày tớ” liên quan đến gian lận thi cử năm 2018 ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình trả lời trước tòa.
Gần như tất cả “đày tớ” có con, cháu được nâng điểm đều khai chỉ nhờ xem điểm, họ “rất ngạc nhiên” khi biết con, cháu, người thân của mình được nâng điểm?
Không ngờ đội ngũ “đày tớ” trong Hội đồng thi mấy tỉnh nêu trên lại có nhiều người “tốt” với các “đày tớ” khác như vậy.
Người viết xin dùng cụm từ “Phủ sóng lòng tốt” (na ná như “Phủ sóng truyền hình”) để nói về một sự thật, rằng con em nông dân, công nhân, người nghèo tuyệt đối không thuộc diện được các thành viên Hội đồng thi ba tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang “phủ sóng”.
Hóa ra chuyện “lòng tốt” của những người liên quan ở ba tỉnh trên kỳ lạ đến mức dân chúng nghe “mấy phát” mà dân cứ ngớ ra không hiểu, thế có phải là dân “dốt” không biết cách đánh giá lòng tốt hay nói theo cách của “một người tốt” vì người ấy từng là đại biểu Quốc hội, rằng ngày nay “dân trí thấp”?
Lê Thị Dung - cựu sỹ quan thuộc Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Hà Giang - khai trước tòa:
“Tôi không nghĩ gì sai phạm, tôi muốn tạo phúc cho người ta. Lúc đầu, tôi nhờ anh Hoài xem xét giúp đỡ, không đặt vấn đề cho bao nhiêu điểm để vào trường nọ trường kia.
Đến khi, Bộ Giáo dục và Đào tạo chấm thẩm định, tôi mới nghĩ như vậy mới sai pháp luật. Chứ tôi nghĩ như vậy chỉ nâng điểm là tạo phúc thôi”. [3]
Vị cựu sỹ quan công an cho rằng “tạo phúc” bằng cách can thiệp nâng điểm thì không phải là “sai pháp luật”, chỉ đến khi Bộ Giáo dục và Đào tạo vào cuộc thì mới biết là … sai?
Nhớ lại chuyện ông Nguyễn Văn Quý, nguyên Trưởng Công an huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ đã tự nhận: “Những sai sót của mình trong các vụ án chỉ là do nhận thức sai về quy định pháp luật, không có động cơ cá nhân". [4]
Lại nhớ đến chuyện có ông lãnh đạo huyện cũng “tốt” chẳng kém vợ chồng ông Bùi Công Hiệp, thấy bầy dê “lạc” vào trang trại nhà mình, thế là ông quyết định “cưu mang”, vừa không để chúng lang thang làm mồi cho thú dữ, lại cũng là việc làm nhân đạo để bọn trộm chó không phải chuyển nghề sang … trộm dê!
Bà Lê Thị Dung, ông Nguyễn Văn Quý và không ít ông bà khác đều không có “động cơ cá nhân” khi vi phạm pháp luật, họ “tốt” như thế nhưng tai dân hơi bị nặng, nghe “mấy phát” chuyện của họ mà chẳng chịu hiểu!
Có người rỉ tai, rằng có những đại gia mỗi năm làm từ thiện cũng cỡ trăm tỷ nhưng không công bố nên chắng ai biết đích xác, thôi thì cứ tin là thật.
Nhưng có một sự thật khác, có vị công bộc chỉ “ký một phát” kiếm luôn 3 triệu USD, hàng chục năm tại vị chẳng biết ông ấy ký “bao nhiêu phát”?
Nghe ông tướng quân đội Nguyễn Xuân Tỷ bảo rằng: “Làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỉ đồng thì lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng. Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa”.
Thế có ông nào “Làm cán bộ mấy năm” bỏ ra cỡ trăm tỷ tặng cho người cỡ nhỡ, cho trẻ mồ côi như vợ chồng U60 ở Sài Gòn?
Về điều này thì chắc chắn là chưa, mà có lẽ là không!
Tài liệu tham khảo:
[1] //baoquangninh.com.vn/kinh-te/201808/ba-che-80-ho-dan-tu-nguyen-xin-ra-khoi-dien-ngheo-2396162/
[2] //tuoitre.vn/ong-huu-thinh-nha-nuoc-van-nuoi-anh-em-chung-ta-20190109122848202.htm
[3] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bi-cao-nho-nang-diem-de-tao-phuc-duoc-danh-gia-la-tich-cuc-khai-bao-post203515.gd
[4] //plo.vn/phap-luat/dai-ta-nguyen-van-quy-mong-chu-quan-xin-chao-tha-thu-625486.html
Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/hoi-ngheo-va-long-tot-cua-quan-post203803.gd