Hội nghị AMM-58: ASEAN+3 cam kết hội nhập kinh tế và cải cách WTO

Ngày 13/7, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng với Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc (ASEAN+3, APT) tái khẳng định cam kết tăng cường hội nhập kinh tế khu vực và duy trì hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ trong bối cảnh bất ổn kinh tế và thương mại toàn cầu gia tăng.

Trưởng đoàn các nước ASEAN+3 chụp ảnh tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 ở Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: TTXVN phát

Trưởng đoàn các nước ASEAN+3 chụp ảnh tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 ở Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: TTXVN phát

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN 2025 sau Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 lần thứ 26 cho biết các bộ trưởng hoan nghênh việc thông qua Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về Ứng phó với bất ổn kinh tế và thương mại toàn cầu. Các bộ trưởng tái khẳng định quyết tâm tạo động lực thiết thực để ứng phó với thách thức thương mại hiện nay, ủng hộ những cải cách cần thiết đối với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, bền vững.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao APT-26 cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy và nâng cấp các hiệp định thương mại tự do với các đối tác bên ngoài, củng cố sức mạnh chuỗi cung ứng và tối đa hóa Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Các bộ trưởng hoan nghênh tiến triển trong thực hiện RCEP và việc đưa vào hoạt động Đơn vị hỗ trợ RCEP nhằm cung cấp hỗ trợ cho khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa sử dụng RCEP.

Về tài chính khu vực, APT-26 hoan nghênh kết quả của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN+3 lần thứ 28 ngày 4/5, tái khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác tài chính khu vực thông qua Tiến trình Tài chính ASEAN+3. Hội nghị ghi nhận đang diễn ra các cuộc thảo luận về thiết lập cơ cấu vốn góp và hoan nghênh Sáng kiến Trao đổi chính sách tài khóa ASEAN+3 được đưa ra trong năm nay.

Về hợp tác số, hội nghị hoan nghênh sự ủng hộ của ASEAN+3 đối với đàm phán về Hiệp định khung Kinh tế số ASEAN (DEFA), dự kiến sẽ kết thúc vào cuối năm nay. Các bộ trưởng cũng thể hiện sự ủng hộ đối với Kế hoạch Tổng thể Kỹ thuật số ASEAN 2025 và mong muốn duy trì đà phát triển này trong Kế hoạch Tổng thể Kỹ thuật số ASEAN 2030 sắp tới.

An ninh năng lượng và giảm thiểu carbon cũng được ưu tiên với việc tái khẳng định cam kết hỗ trợ các nỗ lực của ASEAN nhằm đẩy nhanh thành lập Lưới điện ASEAN vào năm 2045. Các bộ trưởng khuyến khích áp dụng và mở rộng các công nghệ tiên tiến về carbon thấp, phù hợp với hoàn cảnh của từng quốc gia.

Hội nghị cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hơn nữa đối thoại và hợp tác trong đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia và tăng cường quản lý biên giới thông qua các cơ chế APT hiện có. Ngoài ra, hội nghị tiếp tục tái khẳng định cam kết thúc đẩy hệ thống nông nghiệp - lương thực bền vững, cải thiện an ninh y tế khu vực, tăng cường khả năng phục hồi sau thảm họa và hợp tác về khí hậu.

Cơ chế hợp tác ASEAN+3 ra đời năm 1997, gồm các nước ASEAN và 3 nước đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc nhằm điều phối phản ứng của khu vực đối với cuộc khủng hoảng tài chính ở thời điểm đó. Theo đánh giá của Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Mohamad Hasan, ASEAN+3 đã phát triển thành một trong những khuôn khổ hợp tác bền vững nhất khu vực, cho phép các bên phối hợp không chỉ trong thời kỳ khủng hoảng mà còn trong việc cùng nhau theo đuổi hòa bình bền vững, tăng trưởng toàn diện và thúc đẩy khả năng phục hồi chung ở Đông Á.

ASEAN+3 đại diện cho tổng dân số 2,28 tỷ người với tổng GDP danh nghĩa khoảng 29.330 tỷ USD, tương đương 25,77% GDP toàn cầu.

Viên Luyến (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/hoi-nghi-amm58-asean3-cam-ket-hoi-nhap-kinh-te-va-cai-cach-wto-20250713200413380.htm