Hội nghị An ninh Munich lần thứ 56 đầy âu lo
Hội nghị An ninh Munich lần thứ 56 diễn ra trong 3 ngày (từ 14 đến 16-2), tại thành phố Munich của Đức, được cho là không đủ để thảo luận về tất cả các vấn đề nóng toàn cầu, trong bối cảnh thế giới ngày càng trở nên bất ổn với các cuộc xung đột cùng những thách thức về biến đổi khí hậu và dịch Covid-19 hiện nay…
Hội nghị An ninh Munich lần thứ 56 được xem là dịp để các quốc gia cùng ngồi lại đối thoại và tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, nhằm tìm ra các biện pháp giảm đối đầu và căng thẳng để cùng đối phó với các thách thức, nguy cơ, vì hòa bình, ổn định, phát triển trên thế giới.
Hội nghị năm nay quy tụ khoảng 40 nguyên thủ quốc gia và 100 bộ trưởng đến từ khắp nơi trên thế giới, đại diện của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), một số thành viên của Ủy ban châu Âu (EC), đại diện các tổ chức phi chính phủ (NGO), các tổ chức quốc tế và nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp quốc tế. Khoảng 3.900 cảnh sát từ 8 bang trên toàn nước Đức được huy động tham gia bảo vệ an ninh cho hội nghị.
Dự kiến các chủ đề nổi bật sẽ được đề cập bao gồm căng thẳng leo thang gần đây giữa Mỹ và Iran, xung đột giữa Israel và Palestine, các cuộc xung đột tại Libya, Syria, vấn đề về Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015; cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga… Ngoài ra, các thách thức toàn cầu cấp bách như vấn đề biến đổi khí hậu và gần đây nhất là sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19… cũng sẽ là nội dung trọng tâm của hội nghị, đặc biệt là các tác động của biến đổi khí hậu đối với chính sách an ninh và những điểm tương đồng giữa thương mại, phát triển công nghệ và an ninh quốc tế.
Theo DW, tình hình bán đảo Triều Tiên cũng sẽ là một trong những chủ đề không thể thiếu ở hội nghị năm nay trong bối cảnh triển vọng đàm phán Mỹ-Triều có vẻ ảm đạm hơn, vì bế tắc chưa được khai thông. Trước đó, Triều Tiên tuyên bố họ không còn bị ràng buộc bởi các cam kết dừng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa. Trên thực tế, Bình Nhưỡng hiện đang sở hữu một tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng vươn tới Mỹ. Đáng tiếc là Triều Tiên đã hủy kế hoạch dự kiến ban đầu cử Thứ trưởng Ngoại giao Kim Son-gyong tham dự sự kiện này với lý do nước này cấm du lịch, dừng các tuyến giao thông tới Trung Quốc và Nga nhằm ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19. Nếu kế hoạch được thực hiện, đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử, Triều Tiên cử đại diện tham dự diễn đàn an ninh toàn cầu lớn nhất này.
Chủ tịch hội nghị, ông Wolfgang Ischinger đánh giá: “Chúng ta có nhiều cuộc khủng hoảng hơn, khủng hoảng ngày càng tồi tệ hơn và 3 ngày hội nghị không đủ để thảo luận về tất cả các xung đột trên thế giới”.
Hội nghị An ninh Munich cũng được coi là diễn đàn tốt nhất để đánh giá định hướng tư duy chính sách đối ngoại của Mỹ, bởi nó thu hút nhiều nhà hoạch định chiến lược cấp cao của siêu cường này. Hội nghị cũng là cơ hội để kiểm tra phản ứng quốc tế đối với Kế hoạch hòa bình Trung Đông mới được tiết lộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong bối cảnh kế hoạch này đang vấp phải sự phản đối của nhiều quốc gia và tổ chức trên thế giới.
Liên quan tới châu Âu, trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc, dân túy trỗi dậy ở nhiều nước, diễn đàn an ninh ở Munich sẽ là dịp để các chuyên gia phân tích liệu EU sẽ làm thế nào để thúc đẩy hợp tác, nhất là trong lĩnh vực quốc phòng, trước khả năng được dự báo là “lục địa già” sẽ ít can dự hơn vào các vấn đề thế giới.
Theo giới phân tích, Hội nghị An ninh Munich tuy không phải là nơi để đề ra các chính sách, chiến lược, cũng không phải là nơi để đưa ra những quyết định quan trọng góp phần giải quyết được tất cả các vấn đề an ninh đang đặt ra, nhưng là diễn đàn được trông đợi để thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia, trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau.