Hội nghị ATGT Việt Nam 2023: Nghiên cứu ứng dụng UAV kiểm tra trật tự đô thị
Một nghiên cứu nổi bật được trình bày tại Hội nghị ATGT năm 2023 là ứng dụng máy bay không người lái (UAV) trong kiểm tra trật tự đô thị trên địa bàn thành phố Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.
Thông tin với Tạp chí Giao thông vận tải, đại diện nhóm tác giả Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, Học viện Hàng không Việt Nam cho biết, kết quả của nghiên cứu về ứng dụng UAV để giám sát và kiểm tra trật tự đô thị trên địa bàn thành phố Thủ Đức nhằm mục đích tìm hiểu các mục tiêu cụ thể, phương pháp và kỹ thuật sử dụng UAV để kiểm tra trật tự đô thị, cũng như đánh giá những đóng góp của nghiên cứu đối với việc quản lý đô thị.
Phương pháp nghiên cứu đã sử dụng máy bay không người lái để thu thập dữ liệu và hình ảnh về trật tự đô thị trên địa bàn thành phố Thủ Đức. Sau đó, các tác giả đã sử dụng các công cụ phân tích hình ảnh và xử lý dữ liệu để đánh giá tình trạng đô thị, bao gồm các thông tin về giao thông, đô thị vệ tinh và hạ tầng công cộng. Nghiên cứu của bài báo cũng đề cập đến những thách thức và giải pháp để áp dụng UAV trong kiểm tra trật tự đô thị.
Kết quả cho thấy, việc sử dụng UAV là một giải pháp tiên tiến, hiệu quả và có thể được áp dụng rộng rãi trong việc giám sát và kiểm tra trật tự đô thị trên địa bàn Thành phố Thủ Đức. Nghiên cứu này mang lại đóng góp quan trọng cho việc quản lý đô thị và có tiềm năng ứng dụng trong nhiều địa phương khác.
Đại diện nhóm tác giả cho hay, ứng dụng UAV trong quản lý trật tự đô thị trên địa bàn thành phố Thủ Đức mang lại nhiều cơ hội và thách thức. Về cơ hội, trước hết là tăng cường khả năng giám sát, phát hiện vi phạm trật tự đô thị. UAV có thể bay ở độ cao lớn, giúp quan sát được diện rộng của một khu vực. Điều này giúp phát hiện các vi phạm trật tự đô thị như xây dựng trái phép, đổ trộm rác thải... một cách nhanh chóng và chính xác.
Tiếp đó là tăng cường hiệu quả công tác quản lý đô thị: Việc sử dụng UAV giúp các cơ quan chức năng có thể giám sát hoạt động của các cơ sở kinh doanh, dịch vụ... một cách hiệu quả hơn. Điều này góp phần nâng cao trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời tiết kiệm chi phí, thời gian khi UAV giúp các cơ quan chức năng tiết kiệm chi phí và thời gian cho công tác giám sát, kiểm tra trật tự đô thị.
Về thách thức, hiện quy định pháp luật về sử dụng UAV còn chưa đầy đủ, chưa thống nhất. Điều này có thể gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc sử dụng UAV một cách hiệu quả và an toàn.
Về nguồn nhân lực, việc sử dụng UAV đòi hỏi người vận hành phải có kiến thức, kỹ năng chuyên môn. Tuy nhiên, nguồn nhân lực này hiện nay còn hạn chế.
Mặt khác, chi phí đầu tư cho UAV và các thiết bị phụ trợ tương đối cao. Điều này có thể gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc trang bị UAV.
Để phát huy hiệu quả của việc ứng dụng UAV trong quản lý trật tự đô thị trên địa bàn thành phố Thủ Đức, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp công nghệ và người dân. Các cơ quan chức năng cần hoàn thiện hành lang pháp lý, quy định về sử dụng UAV.
Các doanh nghiệp công nghệ cần phát triển các giải pháp phần mềm chuyên dụng để hỗ trợ việc giám sát, xử lý vi phạm trật tự đô thị bằng UAV. Người dân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tích cực tham gia giám sát, phát hiện vi phạm trật tự đô thị.