Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 22, khóa XI (mở rộng): Tập trung giải quyết khó khăn, khơi thông nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội

Quang cảnh Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 22, khóa XI (mở rộng) Ảnh: QUỐC CHIẾN

Khó khăn đã được dự báo

Thông tin tại hội nghị, đồng chí Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết trong quý I-2023 ngoài hai điểm sáng là đầu tư phát triển toàn xã hội và thu ngân sách thì nhìn chung kinh tế của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tình hình sản xuất công nghiệp. Mặc dù các doanh nghiệp (DN) đã chủ động thay đổi phương thức tiếp cận, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng mới nhưng số lượng đơn hàng và quy mô đơn hàng giảm mạnh. Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, những khó khăn này đã được dự báo bởi Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung khó tránh khỏi ảnh hưởng bởi những biến động của tình hình thế giới. Các ngành nghề thâm dụng lao động, có thị trường xuất khẩu ở châu Âu, Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhiều chỉ số phát triển công nghiệp đều giảm so với cùng kỳ, kéo theo việc thu ngân sách từ xuất khẩu cũng giảm so với cùng kỳ.

Đến tháng 6-2023, chấm dứt nhận hồ sơ giấy

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi yêu cầu, đến tháng 6-2023 phải hoàn chỉnh kho dữ liệu các lĩnh vực, các ngành. Ngành nào chưa làm hoặc đang làm thì phải gấp rút kết nối đưa vào kho dữ liệu của tỉnh. Đến tháng 6, tất cả các cấp không nhận hồ sơ giấy nữa, toàn bộ sẽ giải quyết trên môi trường mạng. Nếu người dân mang hồ sơ giấy đến phải hướng dẫn người dân nhập vào hồ sơ điện tử. “Chúng ta cố gắng cải cách thủ tục hành chính, chính quyền điện tử để phục vụ nhân dân, DN công khai, minh bạch...”, Đồng chí Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh.

Trước đó, thông tin tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho biết kim ngạch xuất khẩu quý I của tỉnh ước đạt 7 tỷ 285 triệu đô la Mỹ, giảm 18,7% so với cùng kỳ (kim ngạch xuất khẩu quý I-2022 tăng 9,8% so cùng kỳ), xuất siêu đạt 2 tỷ 174 triệu đô la Mỹ. Trong quý I, kim ngạch xuất nhập khẩu đều giảm so với cùng kỳ, điều này phản ánh sự khó khăn của DN do thiếu đơn hàng xuất khẩu, dẫn đến nhập khẩu nguyên phụ liệu cũng giảm so năm trước. Giám đốc Sở Công thương cho biết, thông tin từ các hiệp hội, việc ký kết đơn hàng xuất khẩu mới của các mặt hàng chủ lực của tỉnh như gỗ, da giày, dệt may, gốm sứ đều gặp khó khăn. Đơn hàng xuất khẩu của các mặt hàng xuất khẩu chính đều giảm từ 20 - 50% so với cùng kỳ, dẫn đến kim ngạch xuất khẩu cũng giảm. Sự sụt giảm của nhu cầu thế giới chính là yếu tố khó khăn và thách thức lớn cho xuất khẩu của Việt Nam nói chung và của Bình Dương nói riêng.

Trước tình hình đó, Sở Công thương đã phối hợp với các Bộ Công thương, cơ quan tham tán thương mại tại nước ngoài thực hiện nhiều chương trình xúc tiến thương mại trong nước, nước ngoài, hỗ trợ DN kết nối giao thương, mở rộng thị trường, ký kết các đơn hàng xuất khẩu mới. Về phía DN cũng tích cực hưởng ứng tham gia, đồng thời đẩy mạnh đầu tư, đa dạng hóa sản phẩm (một số DN sản xuất đồ gỗ nội ngoại thất đã chủ động sản xuất thêm các sản phẩm khác như dụng cụ thể thao, hạt gỗ nén, đồ chơi trẻ em…); tăng cường liên kết ngành để hình thành chuỗi cung ứng, sản xuất khép kín; phát triển sản xuất xanh, chuyển đổi số, tăng nội địa hóa nhằm đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường các nước có lợi thế cạnh trạnh thuộc khối CPTPP, EVFTA, RCEP.

Thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ

Để thực hiện đạt mức cao nhất các chỉ tiêu trong quý II, góp phần hoàn thành sớm nhiệm vụ của năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy Đảng, các cơ quan, đơn vị nắm chắc tình hình, linh hoạt, đổi mới, sáng tạo, chủ động, kịp thời thích ứng, hành động quyết liệt, tích cực, hiệu quả hơn. Trước mắt sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Tập trung tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện hỗ trợ thương mại dịch vụ để phát triển thị trường trong nước; có giải pháp duy trì xuất khẩu sang các thị trường truyền thống, mở rộng thêm nhiều thị trường mới; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; triển khai thí điểm di dời một số DN ở phía nam lên các địa phương phía bắc của tỉnh theo đề án di dời được duyệt.

Đại biểu phát biểu thảo luận tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 22, khóa XI (mở rộng). Ảnh: QUỐC CHIẾN

Song song đó, các ngành chức năng khẩn trương hoàn thiện báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, khởi công dự án đường Vành đai 3 vào tháng 6-2023, đường Vành đai 4 vào cuối năm 2023 và đường cao tốc Hồ Chí Minh - Chơn Thành vào đầu năm 2024. Đồng thời, nghiên cứu phương án đầu tư cảng An Tây, mở rộng cảng An Sơn; triển khai đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới các vị trí kết nối với TP.Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh).

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Lợi cho rằng, trong quý I-2023 tình hình khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, tuy nhiên do có dự báo từ sớm, từ xa nên lãnh đạo tỉnh đã rất quyết liệt trong chỉ đạo điều hành và đạt được một số kết quả tích cực. Mặc dù vậy, dự báo khó khăn vẫn còn tiếp tục và kéo dài trong thời gian tới, đòi hỏi từng cấp, từng ngành, đặc biệt là người đứng đầu nắm sát thực tiễn, diễn biến tình hình để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, các ngành tập trung giải quyết khó khăn cho DN bằng những việc làm thật cụ thể, tạo thuận lợi, cổ vũ, động viên DN cùng tỉnh vượt qua khó khăn. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu tổ tháo gỡ khó khăn cho DN của tỉnh hoạt động hiệu quả hơn nữa, đặc biệt là các đồng chí Tỉnh ủy viên, giám đốc các sở, ngành phải liên tục phối hợp chặt chẽ nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN. Đồng chí Nguyễn Văn Lợi yêu cầu các ngành liên quan của tỉnh chọn lựa từ 50 đến 70 DN sẵn sàng chuyển đổi, cải tiến kỹ thuật để chuyển đổi số, nâng cấp dây chuyền sản xuất hướng đến công nghiệp 4.0. Tỉnh cũng sẽ xây dựng chính sách và thí điểm thực hiện trên lĩnh vực này nhằm đáp ứng yêu cầu của các DN.

Về lĩnh vực văn hóa xã hội, đồng chí Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh, cần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Càng khó khăn càng phải thực hiện tốt việc chăm lo cho các đối tượng yếu thế, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Các đoàn thể cần tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa, để người dân, công nhân lao động yên tâm, gắn bó với Bình Dương. Mỗi người dân, mỗi người lao động là một nhà đầu tư để xây dựng Bình Dương. Trong hoàn cảnh khó khăn, các cấp, các ngành phải thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo đảm an sinh xã hội; đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp...

“Tôi mong rằng, tất cả chúng ta, nhất là những người đứng đầu phải tổ chức thực hiện một cách có hiệu quả các công việc của ngành, của đơn vị, địa phương mình; phải đứng mũi chịu sào để giải quyết những khó khăn, tồn tại, khơi thông nguồn lực để phát triển”, đồng chí Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh.

Năm 2023: Hoàn thành dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 13

Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan tập trung thực hiện tốt các chính sách đền bù, tái định cư giải tỏa để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm. Riêng dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 13 phải hoàn thành trong năm 2023. Ngoài ra các nút giao thông trên quốc lộ 13, cầu vượt, hầm chui cần khẩn trương tăng tốc thực hiện. Đồng thời, các địa phương, đơn vị tăng cường công tác điều hành thu chi ngân sách; trong điều kiện hết sức khó khăn song cũng phải bảo đảm nguồn thu, tiếp tục tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công…

TRÍ DŨNG

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/hoi-nghi-ban-chap-hanh-dang-bo-tinh-lan-thu-22-khoa-xi-mo-rong-tap-trung-giai-quyet-kho-khan-khoi-thong-nguon-luc-de-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-a293138.html