Hội nghị bàn giải pháp phát triển bền vững ngành tôm Việt Nam: Gỡ khó để phát triển bền vững ngành tôm
Chiều 11/12, trong khuôn khổ sự kiện 'Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP đồng bằng sông Cửu Long 2023', Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị 'Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững ngành hàng tôm'.
Hội nghị diễn ra tại địa phương chiếm đến 40% tổng diện tích nuôi tôm nước lợ của cả nước, quy tụ hơn 250 đại biểu là chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp… chủ lực trong chuỗi ngành tôm.
Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, hội nghị là dịp để các cơ quan chức năng và các đơn vị có liên quan trong chuỗi ngành tôm chia sẻ, trao đổi, đánh giá một cách hệ thống những kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế đã qua. Từ đó đề ra kế hoạch, giải pháp đồng bộ, có hiệu quả, góp phần thúc đẩy ngành tôm cả nước phát triển bền vững.
Báo cáo hiện trạng nuôi tôm từ Cục thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp, trong giai đoạn 2010-2022, diện tích nuôi tôm cả nước tăng từ 644.310 ha lên 737.000ha, chủ công là tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Sản lượng theo đó cũng tăng từ 463.788 tấn lên hơn 1 triệu tấn.
Số tăng này chủ yếu với loại hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức thâm canh, siêu thâm canh (chiếm chỉ khoảng 15,6% diện tích nuôi nhưng chiếm đến hơn 73% tổng sản lượng tôm).
Nhờ tăng về sản lượng mà nhiều năm liền, ngành tôm đóng góp khoảng 40-45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5 đến hơn 4 tỷ USD. Riêng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam lập kỷ lục với 4,3 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2021, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 3 triệu lao động.
Tôm Việt Nam cũng được xuất khẩu qua khoảng 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có 5 thị trường lớn: châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật bản, Trung quốc và Hàn quốc.
Theo Đề án tổng thể phát triển ngành tôm nước lợ, cả nước đặt mục tiêu: Ổn định vùng nuôi khoảng 750.000ha (giai đoạn 2021-2030); tổng sản lượng tăng lên 1.100.000 tấn (giai đoạn 2021-2025) và 1.300.000 tấn (giai đoạn 2025-2030); giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng lên 8,4 tỷ USD vào năm 2025 và 12 tỷ USD vào 2030...
Để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, chuỗi ngành tôm cả nước cần phải chung tay thực hiện nhiều phần việc. Trong đó, thách thức lớn đang đối mặt, cần tháo gỡ là vấn đề sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.
Liên kết trong chuỗi tôm còn lỏng lẻo; hạ tầng vùng nuôi nhiều nơi chưa đảm bảo; vấn đề dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp; công tác dự báo thị trường còn yếu, dẫn đến việc định hướng sản xuất bị động, thiếu ổn định và chưa bền vững...
Tại hội nghị, một số chuyên gia, đơn vị xuất khẩu cũng bày tỏ trăn trở, thách thức mà tôm Việt Nam đang đối mặt, đó là giá thành còn cao, năng lực cạnh tranh còn thấp so với nhiều nước, trong đó có Ecuador, Ấn độ, Indonesia.
Hiến kế giải quyết trăn trở này, ông Lê Văn Quang, “vua tôm” của Tập đoàn Minh Phú có tham luận tại hội nghị và đề xuất các giải pháp, góp phần giúp nghề nuôi tôm phát triển bền vững.
Đầu tiên là phải khơi thông nguồn vốn của ngân hàng, của tổ chức tài chính và của xã hội đầu tư cho nuôi tôm. Theo cách này, con đường tốt nhất là phải làm sao các công ty bảo hiểm và các công ty tái bảo hiểm chịu bán bảo hiểm nuôi tôm cho người nuôi tôm. Bởi khi có bảo hiểm nuôi tôm thì ngân hàng sẽ cho vay hoặc bảo lãnh thanh toán cho người nuôi.
Tiếp đến, để công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm bán bảo hiểm nuôi tôm cho nông dân cần phải có quy trình nuôi/công nghệ nuôi tôm thành công với giá thành thấp nhất, giúp đạt lợi nhuận cao và bền vững.
Viện dẫn về quy trình nuôi, ông Lê Văn Quang cho biết, sau rất nhiều trăn trở, các chuyên gia bên công ty đã rà soát lại hơn 50 công nghệ nuôi tôm hàng đầu trên thế giới, để từ đó đúc kết lại thành công nghệ nuôi tôm sinh học mang tên MPBiO (Công nghệ MPBiO).
Theo ông Quang, công nghệ MPBiO được thử nghiệm thành công tại farm nuôi 7ha ở Hàm Rồng (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau), sau đó tiếp tục mở rộng ở 474 ao nuôi khác trong chuỗi liên kết với Minh Phú.
Qua tổng kết, đến giờ, ao nuôi dài nhất là 120 ngày nhưng thu hoạch tôm 20con/kg; ao trung bình từ 90-95 ngày nhưng thu về size 28-34con/kg; còn ao ngắn nhất là 55-65 ngày, thu về size 50-55con/kg.
Đặc biệt, nuôi theo công nghệ MPBiO này tôm rất khỏe và luộc lên rất đỏ, bán được tôm ô-xy tại ao với giá từ 195.000 đến hơn 200.000đ/kg size 30con/kg. Trong khi đó, qua tính toán hết tất cả chi phí, giá thành cấu thành 1kg tôm đến khi xuất bán không quá 80.000đ.
"Công nghệ MPBiO giúp giải bài toán hóc búa là nuôi tôm với giá thành bằng hoặc thấp hơn Ecuador, tức dưới 80.000đ/30con/kg. Cách nuôi thuận theo tự nhiên, giúp cân bằng môi trường nhưng chi phí khá thấp, không lo tôm chúng ta không cạnh tranh được về giá với các đối thủ lớn", ông Quang chia sẻ.
Để công nghệ nuôi tôm giá thấp, lợi nhuận cao, ít dịch bệnh… như “vua tôm” Minh Phú đề cập được triển khai rộng rãi, tới đây còn nhiều việc phải thực hiện. Trong đó, cần thiết nhất là sự chung tay, đồng hành của các cấp chính quyền và ngành chức năng trong vai trò liên kết, hỗ trợ giữa nông dân với doanh nghiệp.