Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 8.2024

Sáng 15.8, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 8.2024 theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Ban Tuyên giáo Trung ương kết nối trực tuyến đến 2.020 điểm cầu trên cả nước với gần 75 nghìn đại biểu tham dự. Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy chủ trì Hội nghị.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Văn phòng Quốc hội

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Văn phòng Quốc hội

Trong đó, gồm 3 điểm cầu của Ban Tuyên giáo Trung ương, 57 điểm cầu các tỉnh, 647 điểm cầu cấp huyện và 1.313 điểm cầu ở cấp xã. Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương mở 267 điểm cầu với gần 9.900 đại biểu tham dự...

Tham dự tại điểm cầu trụ sở Văn phòng Quốc hội (22 Hùng Vương, Hà Nội) có: Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần; Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội Trịnh Giáng Hương; các Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy cơ quan cơ quan Văn phòng Quốc hội; cấp ủy các Đảng bộ cơ sở, Chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội, cấp ủy các Chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở; các báo cáo viên, cộng tác viên dư luận xã hội cấp Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội...

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe thông tin về 2 chuyên đề về: “Tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2024; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2024”; “Tình hình tôn giáo, tín ngưỡng và công tác quản lý nhà nước về tôn giáo ở nước ta hiện nay; phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới”.

Trình bày chuyên đề thứ nhất, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm nay đã khẳng định sự phục hồi rõ nét, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau tích cực hơn quý trước, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, khái quát thành 10 điểm nổi bật.

Theo đó, tăng trưởng kinh tế quý II đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 6 tháng đạt 6,42%; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật được tập trung triển khai quyết liệt, với tinh thần cải cách, phát triển trong từng bộ, ngành, địa phương, tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp để giải quyết khó khăn, vướng mắc, chủ động kiến tạo, hình thành nền tảng quan trọng cho phát triển đất nước trong trung và dài hạn, trong đó Chính phủ đã trình Quốc hội cho phép thi hành Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản từ ngày 1.8.2024, sớm hơn 5 tháng so với thời gian có hiệu lực ban đầu.

Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần tham dự tại điểm cầu Văn phòng Quốc hội

Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần tham dự tại điểm cầu Văn phòng Quốc hội

Hệ thống kết cấu hạ tầng tiếp tục được ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư, đạt nhiều kết quả rõ nét, trong đó dự án đường dây 500kV mạch 3 trở thành hình mẫu điển hình trong tổ chức thi công, thực hiện các dự án đầu tư công. Nhiều công trình đưa vào khai thác, mở ra không gian và cơ hội phát triển mới cho các vùng, cả nước và địa phương.

Tổng vốn FDI đăng ký 7 tháng đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ, trong đó FDI đăng ký mới đạt gần 10,8 tỷ USD, tăng 35,6%; vốn FDI thực hiện khoảng 12,6 tỷ USD, tăng 8,4%.

Chính phủ đã ban hành và triển khai đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh. Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới như chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ. Công tác quy hoạch đã cơ bản hoàn thành. Tính đến hết tháng 7.2024, toàn bộ 63/63 địa phương đã hoàn thành lập, trình thẩm định quy hoạch, 60/63 quy hoạch tỉnh được phê duyệt.

An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người dân tiếp tục được nâng lên, trong đó cải cách chính sách tiền lương được tập trung triển khai; đã hoàn thiện các quy định để nâng mức lương cơ sở cho khu vực công, lương hưu, trợ cấp xã hội từ ngày 1.7.2024; các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu tiếp tục được quan tâm phát triển. Đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thực chất và toàn diện hơn, có dấu ấn nổi bật, cụ thể hóa thành các dự án cụ thể, thiết thực, mang tính đột phá.

Để phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm. Trong đó, cần khẩn trương rà soát, quyết liệt tháo gỡ, xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, thủ tục hành chính, bảo đảm tiến độ, chất lượng, xác định đây là động lực tạo bứt phá cho tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2024 và thời gian tới. Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới 3 động lực tăng trưởng đầu tư, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, trọng tâm là kiểm soát lạm phát; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới từ kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Văn phòng Quốc hội

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Văn phòng Quốc hội

Các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục đổi mới tư duy, phát huy cách tiếp cận mới theo Luật Quy hoạch để tổ chức thực hiện hiệu quả các quy hoạch đã ban hành, sớm đưa quy hoạch vào cuộc sống; tăng cường hoạt động của các Hội đồng điều phối vùng để triển khai các Quy hoạch vùng, thúc đẩy liên kết vùng, giải quyết các vấn đề có tính vùng và tạo ra các động lực và cực tăng trưởng mới cho cả nước. Phát huy tối đa hiệu quả của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, cả ở Trung ương, các vùng và địa phương, nhằm thúc đẩy xây dựng, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trong nước; hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp trong nước; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại...

Tiếp đó, Hội nghị đã nghe Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Hoài Bắc trình bày chuyên đề về “Tình hình tôn giáo, tín ngưỡng và công tác quản lý nhà nước về tôn giáo ở nước ta hiện nay; phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới”.

Định hướng tuyên truyền và kết luận Hội nghị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đề nghị Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội, đội ngũ báo cáo viên các cấp và tuyên truyền viên cơ sở tập trung tuyên truyền một số nội dung trọng tâm trong 2 báo cáo thông tin chuyên đề tại Hội nghị lần này.

Cùng với đó, tập trung tuyên truyền kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2024) và 55 năm Ngày mất của Người (2.9.1969 - 2.9.2024), trong đó khẳng định giá trị trường tồn của Di chúc, là văn kiện lịch sử cực kỳ quan trọng, là kết tinh tư tưởng, văn hóa, trí tuệ, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một bậc vĩ nhân, Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta; những thành tựu to lớn, bài học kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam trong 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh... Tuyên truyền kỷ niệm 79 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19.8.1945 - 19.8.2024) và Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2.9.1945 - 2.9.2024); những thắng lợi vĩ đại và thành tựu có ý nghĩa lịch sử của đất nước trong gần tám thập kỷ qua, nhất là sau gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội ban hành văn bản chỉ đạo, tuyên truyền Kế hoạch tổ chức Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Luật Đất đai năm 2024 để cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên tích cực hưởng ứng, góp phần đưa Luật sớm đi vào cuộc sống.

Tin và ảnh: Trần Thu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/hoi-nghi-bao-cao-vien-trung-uong-thang-8-2024-i384279/