Hội nghị báo cáo viên Trung ương về kết quả Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII)
Sáng 12/5, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến báo cáo viên Trung ương tháng 5/2022 để thông báo nhanh kết quả Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII).
Đồng chí Lại Xuân Môn – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Phan Xuân Thủy – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị tại điểm cầu Đảng ủy Bộ Xây dựng có đồng chí Nguyễn Văn Sinh – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng ủy Khối các Cơ quan Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cùng đại diện các đồng chí lãnh đạo các Cục, vụ, các đồng chí báo cáo viên đến từ các Đảng ủy trực thuộc Đảng ủy Bộ Xây dựng.
Tại Hội nghị, đồng chí Lại Xuân Môn – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương đã thông báo nhanh đến các đại biểu về kết quả Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII). Theo đó, tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) diễn ra từ ngày 4/5/2022 đến ngày 10/5/2022 do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp thảo luận, cho ý kiến và quyết định về các nội dung: Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Đề án xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021 và một số vấn đề quan trọng khác.
Sau khi xem xét, thảo luận các tờ trình, đề án và báo cáo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành quyết nghị thông qua nội dung các văn kiện gồm: Nghị quyết về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”; Nghị quyết về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”; Nghị quyết về “Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong tình hình mới”.
Liên quan đến lĩnh vực đất đai, báo cáo tại Hội nghị cũng cho biết, trong gần 30 năm qua, chính sách, pháp luật đất đai đã có nhiều đổi mới và đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế, ổn định xã hội của đất nước. Tài nguyên đất đai đã được quản lý, khai thác, sử dụng ngày càng hiệu quả hơn. Quyền và nghĩa vụ của chủ thể sử dụng đất được phân định rõ hơn. Bước đầu hình thành khung pháp lý cơ bản để thị trường bất động sản vận hành, phát triển...
Tuy nhiên, nguồn lực về đất đai phát huy chưa đúng tiềm năng, thế mạnh vốn có của nó. Công tác quản lý Nhà nước về đất đai vẫn còn hạn chế, bất cập, nhất là trong quy hoạch sử dụng đất, định giá đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư, thủ tục hành chính về đất đai. Cùng với đó là lợi ích của Nhà nước và người dân có đất bị thu hồi chưa được bảo đảm tương xứng. Nhiều vụ án tham nhũng, lãng phí lớn liên quan đến đất đai. Rồi tình trạng đầu cơ đất đai, đẩy giá đất tăng cao đã có tác động không nhỏ đến ổn định kinh tế vĩ mô…
Mặt khác, thị trường bất động sản phát triển không ổn định, thiếu lành mạnh, giao dịch “ngầm” còn khá phổ biến; tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn diễn biến phức tạp, chiếm tới hơn 70% tổng số đơn khiếu nại, tố cáo gửi đến các cơ quan nhà nước… Vì thế, cần phải có một hệ thống pháp luật đất đai rõ ràng, khoa học, có cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả để bảo đảm việc thực thi trong thực tế cuộc sống. Theo quy định về nguyên tắc bồi thường khi nhà nước thu hồi đất thì giá làm cơ sở bồi thường do UBND cấp tỉnh quy định trong thực tế hiện nay thường có mức chênh lệch với giá trị thị trường. Điều này khiến cho người sử dụng đất gặp nhiều khó khăn trong việc khôi phục lại tình hình canh tác, sản xuất và sinh hoạt sau khi bị thu hồi đất… Do đó, cần phải đổi mới việc xác định khung giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường, bảo đảm quyền lợi và sinh kế của người dân sau thu hồi đất…
Về định hướng công tác tuyên truyền thời gian tới, đồng chí Lại Xuân Môn đề nghị các cơ quan báo chí cũng như hệ thống báo cáo viên cả nước đẩy mạnh tuyên truyền kêu gọi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tăng cường đoàn kết, thống nhất, phát huy những kết quả đã đạt được, nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đã đề ra cho năm 2022 và các năm tiếp theo.
Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền việc thực hiện các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII), góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.