Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 13: WTO chưa vượt qua cơn gió ngược

Mặc dù phải kéo dài thêm 1 ngày so với dự kiến, nhưng cuối cùng Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 13 (MC13) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã bế mạc mà không đạt được đột phá quan trọng nào trong các vấn đề lớn như hạn chế trợ cấp đánh bắt cá, cải cách để thị trường nông nghiệp theo hướng công bằng và thân thiện hơn với môi trường; nỗ lực nhằm khôi phục hệ thống giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia…

Những bước tiến nhỏ

Hội nghị bắt đầu với việc WTO kết nạp thêm Comoros và Đông Timor, nâng tổng số quốc gia thành viên lên thành 166 nước. Đây là đợt mở rộng đầu tiên của tổ chức thương mại lớn nhất hành tinh này sau 8 năm và cũng có thể là một trong những thành công khiêm tốn của hội nghị.

Cũng trong ngày đầu tiên, Tổng giám đốc WTO đã ra mắt quỹ trị giá 50 triệu euro nhằm tài trợ các nữ doanh nhân tại các nước đang phát triển để xuất khẩu hàng hóa bằng cách khai thác khả năng do nền kinh tế kỹ thuật số mang lại.

Đại diện các nước tham dự phiên khai mạc của Hội nghị. Ảnh: Reuters

Đại diện các nước tham dự phiên khai mạc của Hội nghị. Ảnh: Reuters

Ngoài ra, một kết quả khác sau khi kết thúc 5 ngày thảo luận, các bộ trưởng thương mại của 164 nước thành viên tại Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) đã nhất trí tạm thời gia hạn lệnh cấm áp thuế hải quan thương mại điện tử thêm 2 năm.

Việc phải quyết định xem có hoãn áp đặt thuế thương mại điện tử quốc tế sắp hết hiệu lực vào tháng 3 tới là một trong những vấn đề được đánh giá là tạo áp lực lớn đối với hội nghị. Trong quá trình đàm phán, một số quốc gia, trong đó có Ấn Độ và Nam Phi phản đối việc gia hạn lệnh cấm trong bối cảnh các nước này đang phát triển kinh tế số và muốn tăng thêm doanh thu do các hoạt động thương mại ngày càng được số hóa. Việc hoãn áp thuế làm mất đi khoản thu ngân sách cho chính phủ ở các nước đang phát triển.

Tuy nhiên, một số ý kiến tại hội nghị quan ngại điều này có thể dẫn đến các biện pháp đáp trả thuế quan lẫn nhau, đồng thời cho rằng, việc không áp thuế mang lại lợi ích cho người tiêu dùng bằng cách giúp giảm chi phí và thúc đẩy triển khai rộng rãi hơn các dịch vụ kỹ thuật số ở cả các nước giàu và nghèo.

Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cho biết: “Thuế thương mại điện tử quốc tế là vấn đề rất quan trọng đối với hàng triệu doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một số thành viên WTO tin rằng điều này nên được gia hạn và thực hiện vĩnh viễn. Song, những người khác tin rằng, có những lý do vì sao điều đó không nên xảy ra. Đây là nguyên nhân tại sao đã xảy ra một cuộc tranh luận - vì nó ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người - chúng tôi hy vọng rằng các bộ trưởng có thể đưa ra quyết định phù hợp”.

4 đề xuất đã được đưa ra thảo luận tại hội nghị. Hai đề xuất đề nghị gia hạn thời gian đình chỉ thuế trong đó có đề xuất đình chỉ tới 25 năm. Hai đề xuất còn lại, được trình bày riêng bởi đại diện Nam Phi và Ấn Độ, yêu cầu áp thuế thương mại điện tử. Trong đó, đề xuất của Nam Phi kêu gọi thành lập quỹ để nhận các khoản đóng góp tự nguyện nhằm thu hẹp “khoảng cách kỹ thuật số”. Nước này cũng yêu cầu các nền tảng công nghệ hàng đầu tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng cuối cùng, với sự thuyết phục của nước chủ nhà UAE, Ấn Độ và Nam Phi cuối cùng đã nhất trí với phương án gia hạn lệnh cấm áp thuế thêm 2 năm.

Kể từ năm 1998, WTO đã duy trì lệnh không áp thuế nhập khẩu trong giao dịch thương mại điện tử, ước tính có giá trị lên tới 225 tỷ USD/năm. Một báo cáo của WTO công bố vào cuối năm 2023 cho thấy, giá trị xuất khẩu dịch vụ được cung cấp bằng công nghệ kỹ thuật số đã tăng hơn 8% từ năm 2005 đến năm 2022 - cao hơn xuất khẩu hàng hóa (5,6%) và xuất khẩu dịch vụ khác (4,2%).

Một thỏa thuận nhằm đơn giản hóa quan liêu, cải thiện môi trường đầu tư và khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài đã được khoảng 125 quốc gia thành viên nhất trí.

Tất cả các thành viên hiện phải đồng ý đưa Hiệp định Tạo thuận lợi Đầu tư cho Phát triển (IFD) vào cơ cấu pháp lý của WTO, một bước cần thiết để đảm bảo tổ chức có thể cung cấp nguồn lực để giám sát việc tuân thủ.

Chưa khai thông bế tắc trong cơ chế giải quyết tranh chấp

WTO đang cố gắng hoàn thiện một gói cải cách nhằm hoàn thiện cơ chế xét xử các tranh chấp thương mại. Trên thực tế, tòa án xét xử cấp cao của tổ chức này đã gần như tê liệt trong 4 năm qua do Mỹ phong tỏa quá trình bổ nhiệm thẩm phán mới, khiến các tranh chấp thương mại trị giá hàng tỷ USD chưa được giải quyết.

Tại hội nghị, một dự thảo đề xuất được đưa ra thảo luận với hy vọng đây là cơ hội cuối cùng để WTO sửa chữa hệ thống. Tuy nhiên, các đề xuất đều chưa đề cập đến cách khởi động lại tòa án do thiếu sự đồng thuận và còn nhiều trở ngại.

Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala ca ngợi sự tiến triển trong các cuộc đàm phán tại hội nghị nhưng thừa nhận không có cơ hội đạt được thỏa thuận tại cuộc họp ở Abu Dhabi. “Chúng tôi vẫn chưa đến được đó”, bà cho biết.

Hiện tại, các quốc gia vẫn có thể nộp đơn khiếu nại lên cơ quan cấp dưới nhưng nếu họ không chấp nhận kết luận của cơ quan này, vụ việc sẽ rơi vào tình trạng lấp lửng về mặt pháp lý với khoảng 30 đơn kháng cáo chưa được giải quyết.

Bế tắc trong xóa bỏ trợ cấp đánh bắt cá

Một thỏa thuận về đánh bắt hải sản ban đầu được đánh giá có thể đạt được trong các cuộc đàm phán tại MC13. Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Piyush Goyal về sau thừa nhận "rất khó để đạt được một nghị quyết".

Các nhà hoạt động môi trường cho rằng việc loại bỏ hàng tỷ USD tiền trợ cấp nhằm thúc đẩy hoạt động đánh bắt cá không bền vững là điều quan trọng nhất mà các quốc gia có thể làm để giúp đảo ngược nguồn lợi đang suy giảm.

Sau khi các nước đã đạt được thỏa thuận tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 12 Geneva vào năm 2022 nhằm cấm các khoản trợ cấp "tiếp tay" cho hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, WTO hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận thứ hai tập trung vào các khoản trợ cấp dẫn đến tình trạng dư thừa công suất và đánh bắt quá mức. Anna Holl, Trưởng nhóm toàn cầu của Quỹ Thiên nhiên Thế giới về các cuộc đàm phán của WTO, cho biết: “Sẽ rất đau lòng nếu bạn phải cắt giảm nhưng tôi nghĩ vẫn có hy vọng”.

Một thách thức nổi bật là xác định chính xác ai bị ràng buộc bởi những quy tắc cứng rắn nhất trong hệ thống hai cấp. Nhiều nước, như Ấn Độ, đang vận động hành lang để áp dụng các quy định của WTO cho phép một số miễn trừ đối với các thành viên đang phát triển. Một câu hỏi nổi bật khác là liệu Trung Quốc, nước trợ cấp lớn nhất thế giới, có áp dụng cách đối xử này hay không.

Cải cách lĩnh vực nông nghiệp

Ngay từ ban đầu, ông Edwini Kessie, Giám đốc Bộ phận Nông nghiệp và Hàng hóa của WTO, đã cho biết có thể sẽ không có quyết định nào về nông nghiệp. Ông nói trong cuộc họp ngày 26.2: “Hiện tại các quan điểm đang quá xa nhau. Tôi không nghĩ các thành viên đang mong đợi những quyết định dứt khoát về nông nghiệp tại cuộc họp này”. Ông nói thêm rằng các thành viên WTO muốn thống nhất về kế hoạch làm việc đưa họ tới cuộc họp cấp bộ trưởng tiếp theo.

Những trao đổi sôi nổi nhất xoay quanh việc Ấn Độ và liên minh các nước đang phát triển thúc đẩy việc từ bỏ vĩnh viễn các quy định của WTO hiện đang hạn chế trợ cấp nông nghiệp trong nước đối với các mặt hàng thực phẩm bao gồm gạo.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Ấn Độ đang phải đối mặt với các cuộc biểu tình của nông dân ở nước này, chỉ vài tháng trước cuộc tổng tuyển cử, không có khả năng quốc gia này sẽ thay đổi quan điểm.

Trong khi đó, các nhà đàm phán đến từ Mỹ cho rằng các cuộc đàm phán về quy định của WTO về trợ cấp không thể được giải quyết một cách riêng lẻ. Các chủ đề liên quan bao gồm giảm hỗ trợ trong nước cho lĩnh vực nông nghiệp và cải thiện khả năng tiếp cận thị trường thông qua việc áp dụng mức thuế cao nhất hoặc hạn ngạch thuế suất. Về phần mình Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ tuyên bố nước này sẽ chỉ phê chuẩn các thỏa thuận mới tại MC13 nếu Mỹ ngừng chặn một thỏa thuận về cơ chế giải quyết tranh chấp.

Phát biểu tại cuộc họp báo bế mạc hội nghị, Bộ trưởng Thương mại UAE Thani Al Zeyoudi, Chủ tịch MC13, thừa nhận dù đã nỗ lực hết sức, song các nước thành viên WTO đã không thống nhất được một số văn bản có tầm quan trọng lớn đối với nhiều nước. Về phần mình, Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cho rằng MC13 diễn ra trong bối cảnh thế giới đang trải qua tình trạng mà bà đánh giá là bất ổn nhất. Theo bà, dù hội nghị đã đạt được một số điều quan trọng, song vẫn có nhiều vấn đề bị bỏ lỡ. Trong khi đó, Ủy viên thương mại Liên minh châu Âu (EU) Valdis Dombrovskis bày tỏ thất vọng khi các bên không đạt được đồng thuận trong vấn đề nghề cá, nông nghiệp và các biện pháp cải cách rộng hơn.

Tại hội nghị, Ấn Độ và Trung Quốc - hai thành viên chủ chốt của nhóm BRICS, đã không tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề chính, trong đó có đầu tư. Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Piyush Goyal tham gia các cuộc đàm phán 2 ngày sau khi diễn ra hội nghị và sau khi người đồng cấp Trung Quốc rời Abu Dhabi. Trong khi đó, các quốc đảo Thái Bình Dương cảm thấy mình bị gạt ra bên lề, cũng như bị hầu hết các cường quốc coi thường, cho rằng các đề xuất chưa đủ để bảo vệ quần thể cá. Đại diện Fiji đã kêu gọi các nước hỗ trợ các cuộc đàm phán trong tương lai về nghề cá.

Ông John Denton, Tổng Thư ký Phòng Thương mại quốc tế của WTO, cảnh báo kết quả của MC13 sẽ là "lời cảnh tỉnh" cho thấy sự cần thiết của các cuộc tranh luận mang tính xây dựng về vai trò của thương mại trong xã hội. Ông nhấn mạnh: "Không quốc gia nào có thể hưởng lợi từ một hệ thống thương mại đa phương suy yếu".

Giới quan sát cho rằng, các kết quả đạt được tại MC13 cho thấy những bất đồng sâu sắc giữa các nước thành viên WTO trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và những cơn gió ngược về kinh tế, đang đe dọa thương mại toàn cầu.

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/hoi-nghi-bo-truong-lan-thu-13-wto-chua-vuot-qua-con-gio-nguoc-i361727/