Hội nghị Bộ trưởng OPEC+: Cắt giảm sản lượng và kết nạp Brazil
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (gọi tắt là OPEC+) hôm 30.11 đã có cuộc họp cấp bộ trưởng lần thứ 36, đồng ý cắt giảm sản lượng tự nguyện tổng cộng 2,2 triệu thùng/ngày vào đầu năm tới.
Cắt giảm thêm 2,2 triệu thùng/ngày
Ảrập Xêút, Nga và các thành viên khác của OPEC+, những nước sản xuất hơn 40% sản lượng dầu của thế giới, đã họp trực tuyến hôm 30.11 để thảo luận về chính sách nguồn cung. Trước đó, cuộc họp bị hoãn do những bất đồng nội bộ về mục tiêu cắt giảm sản lượng.
Tổng mức 2,2 triệu thùng/ngày cắt giảm lần này đến từ 8 nhà sản xuất dầu thô, trong đó hai nước cắt giảm nhiều nhất là Ảrập Xêút và Nga, quyết định kéo dài mức cắt giảm tự nguyện 1,3 triệu thùng/ngày.
Mức giảm bổ sung 900.000 thùng/ngày, bao gồm 200.000 thùng/ngày từ phía Nga. Phần cắt giảm còn lại được chia cho 6 thành viên khác của OPEC+.
OPEC+ đã thảo luận về sản lượng năm 2024 trong bối cảnh có nhiều dự báo thị trường dầu mỏ có thể đối mặt với tình trạng dư thừa và việc cắt giảm 1 triệu thùng/ngày của Ảrập Xêút sẽ kết thúc vào tháng tới. Sản lượng hiện nay của OPEC+, vào khoảng 43 triệu thùng/ngày, đã bao gồm mức cắt giảm khoảng 5 triệu thùng/ngày trong nỗ lực hỗ trợ giá và bình ổn thị trường.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho rằng việc cắt giảm tự nguyện của Nga sẽ bao gồm dầu thô và các sản phẩm từ dầu mỏ. Trong khi đó, Các tiểu Vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) đồng ý cắt giảm sản lượng thêm 163.000 thùng/ngày trong khi Iraq sẽ cắt giảm thêm 220.000 thùng/ngày trong quý I.2024.
Ảrập Xêút, Nga, UAE, Iraq, Kuwait, Kazakhstan và Algeria cũng tuyên bố việc cắt giảm sẽ được dỡ bỏ dần sau quý I.2024 nếu điều kiện thị trường cho phép. Việc OPEC+ tập trung duy trì sản lượng thấp diễn ra trong bối cảnh giá dầu thô tiếp tục giảm do lo ngại về tăng trưởng kinh tế yếu hơn vào năm 2024, cũng như những dự báo về tình trạng dư cung.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2024 sẽ chậm lại khi giai đoạn cuối trong tiến trình phục hồi kinh tế sau đại dịch kết thúc, cùng với việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, sự phát triển của các loại xe điện và một số yếu tố khác.
Sự tham gia của Brazil
Trong một tuyên bố, OPEC cho biết Bộ trưởng Mỏ và Năng lượng Brazil, Alexandre Silveira de Oliveira, đã tham gia cuộc trực tuyến. Các nước kỳ vọng việc Brazil gia nhập OPEC+ vào đầu năm tới sẽ giúp tăng cường ảnh hưởng và vị thế của khối này trên thị trường dầu mỏ thế giới.
Brazil hiện là quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất ở Nam Mỹ và nằm trong số 10 nước sản xuất dầu thô hàng đầu thế giới. Theo báo cáo “Triển vọng thị trường dầu mỏ thế giới 2023” được công bố vào tháng 10 vừa qua, Brazil hiện sản xuất khoảng 3,2 triệu thùng dầu thô/ngày và sản lượng dầu thô trong trung hạn của nước này dự kiến còn tăng mạnh.
Nhà phân tích Christyan Malek của Ngân hàng JP Morgan Chase cho biết: "Phản ứng của thị trường cho thấy sự hoài nghi về tính hiệu quả toàn diện từ việc cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+. Tuy nhiên, việc thiết lập một khuôn khổ mới để mỗi thành viên thực hiện mức cắt giảm của mình phản ánh mức độ tin cậy và gắn kết giữa các thành viên, điển hình việc Brazil gia nhập khối là minh chứng cho sức mạnh của các thành viên OPEC+".
OPEC được thành lập vào năm 1960 với mục đích điều phối các chính sách dầu mỏ và đảm bảo giá cả công bằng và ổn định. Hiện OPEC bao gồm 13 quốc gia, chủ yếu là các nước ở Trung Đông và châu Phi, sản xuất khoảng 30% lượng dầu của thế giới.
Vào cuối năm 2016, OPEC đã thành lập liên minh OPEC+ với 10 quốc gia đối tác xuất khẩu dầu lớn ngoài OPEC, bao gồm cả Nga. OPEC+ chiếm khoảng 40% sản lượng dầu thế giới và mục tiêu chính của liên minh này là điều tiết nguồn cung dầu ra thị trường thế giới. Các nước dẫn đầu là Ảrập Xêút và Nga - sản xuất lần lượt khoảng 9 triệu thùng dầu/ngày và 9,5 triệu thùng dầu/ngày.