Hội nghị Bộ trưởng WTO 2022 đề cập đến nhiều khó khăn

Hơn 120 bộ trưởng thương mại từ 164 quốc gia thành viên đã đến Geneva, Thụy Sỹ vào Chủ nhật (12/6) để tham dự hội nghị bộ trưởng của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) lần đầu tiên trong nhiều năm.

Tổng Giám đốc WTO, bà Ngozi Okonjo-Iweala, cho biết thế giới đã thay đổi và trở nên phức tạp hơn kể từ hội nghị bộ trưởng cuối cùng vào năm 2017.

Phát biểu tại một cuộc họp báo hôm Chủ nhật, bà chỉ ra hậu quả của đại dịch Covid-19, cuộc chiến ở Ukraine, những thách thức về lương thực và năng lượng đã hình thành một "cuộc khủng hoảng đa diện" mà nhân loại đang phải đối mặt.

Hội nghị Bộ trưởng Thương mại WTO (WTO OMC) đang diễn ra tại Geneva, Thụy Sỹ. Ảnh: Reuters

Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới Ngozi Okonjo-Iweala (giữa) rời cuộc họp báo trước khi bắt đầu hội nghị WTO kéo dài 4 ngày tại Geneva. Ảnh: AFP

Nhiều khu vực trên thế giới đối mặt với nghèo đói bởi quá nhiều cuộc khủng hoảng đang diễn ra. Ảnh: AFP

Hội nghị sẽ thảo luận về một số đề xuất chính trong cuộc họp kéo dài 4 ngày, bao gồm thúc đẩy từ bỏ bảo hộ bằng sáng chế đối với vắc xin Covid-19. Các đại biểu cũng dự kiến sẽ xem xét cải cách trợ cấp đánh bắt thủy sản, nhằm hạn chế việc đánh bắt quá mức.

164 quốc gia thành viên của WTO đã không thể tìm được sự đồng thuận về vấn đề nói trên trong hơn 20 năm. Ngoài ra, EU đang hy vọng thúc đẩy thông qua gói an ninh lương thực khi cuộc chiến ở Ukraine đang làm tê liệt hoạt động xuất khẩu ngũ cốc.

WTO đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ Mỹ trong những năm gần đây. Mỹ đang gây sức ép để Trung Quốc, hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, từ bỏ vị thế là một nước đang phát triển và quyền được hưởng một số ngoại lệ mà địa vị này mang lại.

Các hiệp hội doanh nghiệp Đức cũng đã kêu gọi cải tổ WTO ở hội nghị thượng đỉnh gần đây nhất. Volker Treier từ Hiệp hội các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức cho biết, các quy tắc của tổ chức này đang "ngày càng bị xói mòn" và không theo kịp "những thay đổi về công nghệ và kinh tế toàn cầu."

WTO, được thành lập vào năm 1995 với tư cách là cơ quan kế thừa của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại, đã không tạo ra một thỏa thuận thương mại lớn trong nhiều năm. Thỏa thuận cuối cùng đạt được cách đây gần một thập kỷ là một thỏa thuận cắt bỏ rào cản “băng đỏ” đối với hàng hóa qua biên giới và được coi là sự hỗ trợ đối với các nước có thu nhập thấp.

Hoàng Huy (theo AP, DPA, DW)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hoi-nghi-bo-truong-wto-2022-de-cap-den-nhieu-kho-khan-post198873.html