Hội nghị COP26: Tuần làm việc cuối cùng khởi động với nhiều chia rẽ

Ngày 8/11, các đoàn đàm phán tham gia Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đang diễn ra tại Glasgow (Scotland, Vương quốc Anh) chính thức bước vào tuần làm việc cuối cùng.

Toàn cảnh Hội nghị COP26 tại Glasgow, Scotland ngày 31/10/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Toàn cảnh Hội nghị COP26 tại Glasgow, Scotland ngày 31/10/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhận định chung từ giới quan sát là các nước vẫn còn tồn tại những khác biệt lớn trong quan điểm về các vấn đề chính như tốc độ kiềm chế khí thải carbon cần phải đạt được và cách hỗ trợ các quốc gia đang chịu tác động của tình trạng ấm lên toàn cầu. Giới chuyên gia cho rằng trong một tuần làm việc vừa qua, các cuộc đàm phán vẫn chưa thực sự đạt được tiến bộ rõ ràng.

Trong khuôn khổ hội nghị, các nước được kỳ vọng sẽ tìm ra tiếng nói chung về cách triển khai chi tiết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ký kết năm 2015, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu hạn chế mức nhiệt tăng toàn cầu vào cuối thế kỷ ở dưới 2 độ C, lý tưởng nhất là 1,5 độ C, so với thời kỳ trước cách mạng công nghiệp. Hiện các nước vẫn chưa nhất trí về các kế hoạch cắt giảm khí thải carbon cần thiết, cách thực hiện cam kết lâu nay về việc hỗ trợ 100 tỷ USD hằng năm cho các quốc gia đang phát triển và các quy định quản lý các thị trường carbon.

Chuyên gia luật và chính sách khí hậu Stephen Leonard nhận định tất cả các nước đều đang duy trì quan điểm cứng rắn. Liên minh châu Âu (EU) muốn các nước đưa ra những tham vọng cao nhất có thể. Các nước châu Phi mong muốn thêm hỗ trợ tài chính nhiều nhất có thể để ứng phó với biến đổi khí hậu. Australia và Nhật Bản lại chú trọng khuyến khích thị trường trao đổi tín dụng carbon. Tuần làm việc thứ 2 được dự đoán sẽ là lúc các đoàn đàm phán sẽ tranh luận gay gắt về những quan điểm hoặc những bất bình nảy sinh sau tuần đàm phán thứ nhất.

Hội nghị COP26 đã diễn ra muộn hơn 1 năm so với dự kiến vì đại dịch COVID-19 và trong bối cảnh thế giới đã trải qua những hiện tượng thời tiết cực đoan chưa từng có tiền lệ như hạn hán, lũ lụt và các trận bão gây hậu quả nghiêm trọng. Giới khoa học nhận định tình trạng ngày càng xấu đi do tác động của tình trạng ấm lên toàn cầu.

Tuần làm việc đầu tiên cũng đã ghi nhận một số tín hiệu tích cực như khoảng 100 quốc gia cam kết cắt giảm khí thải mathane, ít nhất là 30% vào năm 2030. Trong khi đó, Ấn Độ, nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính thứ 2 trên thế giới, cũng nêu rõ hạn chót để đạt mục tiêu trung hòa khí thải carbon là năm 2070. Các chuyên gia cho rằng những tuyên bố trên sẽ có tác động thực tế tới tình trạng tăng nhiệt toàn cầu.

Tuy nhiên, một đánh giá được LHQ công bố hồi cuối tuần trước chỉ ra khí lượng thải toàn cầu vẫn đang trong lộ trình tăng 13,7% vào năm 2030 trong khi để đạt mục tiêu hạn chế mức nhiệt tăng ở 1,5 độ C thì chỉ số này phải giảm 45% trong thập kỷ này. Trong khi đó, một số tổ chức hoạt động vì khí hậu yêu cầu các nước nêu các kế hoạch cụ thể hơn để thực hiện các cam kết.

Lê Ánh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/hoi-nghi-cop26-tuan-lam-viec-cuoi-cung-khoi-dong-voi-nhieu-chia-re-20211108193110131.htm