Hội nghị góp ý vào dự thảo các văn bản trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư của Ban Tổ chức Trung ương
Ngày 20-9-2019, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương tiếp tục tổ chức các hội nghị góp ý về 2 nội dung: Dự thảo Hướng dẫn Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; dự thảo Tờ trình, Quy định của Ban Bí thư về tiêu chuẩn, chế độ, chính sách đối với chuyên gia cao cấp, chuyên gia, trợ lý, thư ký các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước.
Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì Hội nghị buổi sáng. Buổi chiều, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương chủ trì. Tham dự các hội nghị có đại diện lãnh đạo và vụ trưởng (trưởng ban) vụ tổ chức - cán bộ các ban đảng Trung ương, Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng, Đảng đoàn các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Đảng ủy Khối Các cơ quan Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Tại các hội nghị, 26 ý kiến phát biểu góp ý vào 2 nội dung trên. Về dự thảo Hướng dẫn một số nội dung Chỉ thị số 35, nhiều ý kiến góp ý về cơ cấu, số lượng cấp ủy viên, ủy viên thường vụ và phó bí thư cấp ủy; thời điểm tính độ tuổi tham gia cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; thực hiện bầu cử trong đại hội... Đây đều là những vấn đề vướng khi triển khai ở cơ sở.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn cho rằng, so với các Hướng dẫn trước thì Hướng dẫn lần này có bổ sung rõ hơn về công tác tuyên truyền, tuy nhiên chưa đầy đủ, chưa nhắc đến vai trò tuyên truyền của mạng xã hội, báo cáo viên, tuyên truyền viên, vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay có nhiều thông tin xấu, thông tin độc trên xã hội, cần phải lưu ý vấn đề tuyên truyền hơn.
Đồng chí Nguyễn Tuấn Phong, Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương cho rằng cần có những chế tài nào đó để phải bảo đảm cấp ủy viên và ủy viên ban thường vụ đủ 3 độ tuổi, đừng để tình trạng mới hoàn toàn, khó tiếp cận công việc. Trường hợp danh sách bầu cử bí thư, phó bí thư không đúng theo dự kiến, xin ý kiến cấp ủy cấp trên, nếu tình huống này xảy ra ngay tại đại hội thì xử lý thế nào, xin ý kiến cấp trên lúc đó có kịp không?
Các đồng chí: Hoàng Thị Ái Nhiên, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam; Nông Quốc Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - cán bộ, Bộ Y tế cho rằng không nên phân biệt giữa đại học chính quy và đại học tại chức, cao cấp lý luận chính trị tập trung và không tập trung, nhất là đối với cán bộ là người dân tộc thiểu số, cần phải có quy định rõ ràng về vấn đề này. Đồng chí Nông Quốc Tuấn nhấn mạnh về cơ cấu cấp ủy viên, phải có cơ cấu cứng ở các ban dân tộc cấp huyện và tỉnh theo tỷ lệ dân số của tỉnh đó, nếu không, khi đại hội bầu sẽ không đạt tỷ lệ theo quy định.
Đồng chí Đỗ Ngọc An, Phó Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan Trung ương cho rằng, đối với doanh nghiệp, nếu chủ tịch hội đồng quản trị mà không làm bí thư đảng bộ (chi bộ) thì rất khó khăn cho hoạt động của đảng bộ, chi bộ. Ý kiến này cũng được đại diện Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Y tế nhất trí. Một số ý kiến cho rằng Hướng dẫn Chỉ thị số 35 cần quy định thời điểm thôi giữ chức vụ lãnh đạo của các chức danh lãnh đạo cơ quan nhà nước có cơ cấu cấp ủy nhưng không tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2020 – 2025 (trừ các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII) là ngay sau đại hội hoặc vào phiên họp thường kỳ gần nhất của hội đồng nhân dân sau đại hội. Ở các bộ, hầu hết thứ trưởng là bí thư đảng ủy cơ quan, nếu quy định khi “không tham gia cấp ủy thì thôi chức danh nhà nước” sẽ không phù hợp. Đồng chí Đỗ Ngọc An đề nghị cần chủ động bố trí sắp xếp nhân sự không đủ tuổi tái cử trước đại hội, để cán bộ không băn khoăn, tâm tư; về mô hình Đảng ủy Ngoài nước, từ nay cho đến đại hội có tồn tại mô hình này nữa không?...
Về Quy định của Ban Bí thư về tiêu chuẩn, chế độ, chính sách đối với chuyên gia cao cấp, chuyên gia, trợ lý, thư ký các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. Đây là vấn đề được khá nhiều đại biểu quan tâm, phát biểu thảo luận bởi thực tế trong hệ thống chính trị nước ta đang tồn tại đội ngũ này nhưng thừa nhận và có tính pháp lý thì chưa. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để có quy định rõ ràng, minh bạch, công khai.
Các đại biểu đã góp ý về tiêu chuẩn, chế độ, chính sách đối với chuyên gia cao cấp, chuyên gia, trợ lý, thư ký các vấn đề như: Chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của 3 đối tượng này; tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình bổ nhiệm; chế độ chính sách; cơ quan nào, đối tượng nào được sử dụng chuyên gia, trợ lý, thư ký, số lượng tối đa bao nhiêu… Đồng chí Nguyễn Tuấn Phong, Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương cho rằng dự thảo về Tờ trình, Quy định của Ban Bí thư về tiêu chuẩn, chế độ, chính sách đối với chuyên gia cao cấp, chuyên gia, trợ lý, thư ký là cần thiết, là vấn đề đặt ra từ lâu, tồn tại nhiều bất cập. Tuy nhiên, tên gọi của dự thảo dài, cần làm rõ tiêu chuẩn thế nào, cần cụ thể hơn về chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, thẩm quyền của đội ngũ này...
Đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng hiện nay quy định về chuyên gia còn vướng nhiều. Chúng ta cần phải làm rõ khái niệm chuyên gia cao cấp, chuyên gia, tiêu chí để phân loại… Không thể đưa ra các tiêu chí, tiêu chuẩn của thư ký, trợ lý để tuyển chuyên gia, Không nên tuyển họ làm việc cố định mà chỉ đặt hàng sản phẩm với chế độ làm việc phù hợp với sản phẩm đặt hàng. Nên có quy định để chúng ta thu hút được chuyên gia Việt kiều.
Đồng chí Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ cho rằng đối với chuyên gia, cần có quy định chức năng, nhiệm vụ, tiêu chuẩn, quy trình tuyển chọn. Chuyên gia tương đương cấp vụ trưởng, sau một thời gian được điều sang làm vụ trưởng. Như vậy, chúng ta bỏ qua các quy trình bổ nhiệm cán bộ. Vì thế, nên đưa ra tiêu chuẩn cho chuyên gia, nếu không sẽ nhầm lẫn giữa giáo sư và chuyên gia. Nên chia ra làm hai nhóm là chuyên gia chuyên môn sâu và chuyên gia thuần túy.
Đồng chí Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, các cơ quan tham mưu của Đảng nên có chuyên gia. Chuyên gia cho Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đến tuổi nghỉ hưu thì nên thôi. Tuy nhiên, chuyên gia đầu ngành, cao cấp về hưu ở tuổi 65 thì lãng phí. Cần phải đưa tiêu chí được đồng nghiệp tôn vinh, giữ vai trò như thủ lĩnh trong lĩnh vực vào để xét, phân loại chuyên gia.
Thiếu tướng Lê Khương Mẽ, Hội Cựu chiến binh Việt Nam cho rằng, cần phải xác định rõ chức trách, nhiệm vụ của chuyên gia, thư ký, trợ lý, tiêu chuẩn và điều kiện, quy trình bổ nhiệm, cấp nào, cơ quan nào được sử dụng thư ký, trợ lý. Nếu không làm chặt thì sẽ dẫn đến tùy tiện.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đều cho rằng các đồng chí chuyên gia cao cấp phải tương đương thứ trưởng trở lên. Có thể mở rộng các địa phương, công an, quân đội phải có chuyên gia. Cán bộ quản lý đồng thời là chuyên gia nhưng điều này phải linh hoạt, tính kỹ hơn. Bổ sung thêm các đồng chí thứ trưởng và tương đương, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố có thư ký nhưng quy định cần thống nhất giữa các cơ quan trung ương với địa phương, phải công khai, minh bạch. Nên có khảo sát rộng để cả hệ thống chính trị đều có thể đóng góp ý kiến.
Kết luận hội nghị, các đồng chí Lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương cảm ơn các đại biểu đã dành thời gian, công sức tham gia, đóng góp ý kiến sát thực. Tổ Biên tập cần cố gắng tiếp thu các ý kiến xác đáng, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Tờ trình, Quy định để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.