Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX
Sáng 21-11, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX họp hội nghị lần thứ 17 thảo luận, đóng góp ý kiến đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Sáng 21-11, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX họp hội nghị lần thứ 17 thảo luận, đóng góp ý kiến đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.
Các đồng chí: Phạm Gia Túc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban TVTU, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc nhấn mạnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tổ chức hội nghị lần thứ 17 để đánh giá công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023... Để hội nghị đạt hiệu quả, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các đại biểu bám sát tình hình thực tiễn, nhiệm vụ được giao của cơ quan, đơn vị, địa phương mình, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, phân tích, làm rõ hơn kết quả đã đạt được; chia sẻ những kinh nghiệm tốt, cách làm hay, hiệu quả của ngành, địa phương mình; chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan của những bất cập, hạn chế, yếu kém; đề xuất, kiến nghị các nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, hiệu quả để tăng tốc, quyết tâm thực hiện thắng lợi toàn diện, vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị.
Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, năm thứ hai triển khai Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh trong những tháng đầu năm; giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh... đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân. Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh ủy đã đoàn kết, thống nhất, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh vượt qua khó khăn, thách thức, triển khai, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đạt được những kết quả quan trọng: Công tác phòng, chống dịch COVID-19 tiếp tục được triển khai thống nhất, quyết liệt, hiệu quả. Kinh tế - xã hội có bước phát triển ổn định: 13/14 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 9,0%; Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 14,3%; giá trị hàng xuất khẩu vượt mốc 3 tỷ USD, tăng 14,4%; thu ngân sách ước đạt 8.000 tỷ đồng, bằng 129% dự toán, tăng 8% so cùng kỳ. Công tác xây dựng nông thôn mới được quan tâm đẩy mạnh triển khai thực hiện theo các tiêu chí nâng cao, kiểu mẫu; đến nay, toàn tỉnh có 182/204 xã, thị trấn (chiếm 89,2%) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Các nội dung Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được triển khai kịp thời theo chỉ đạo của Chính phủ. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư và tập trung chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, xúc tiến và thu hút đầu tư được chỉ đạo quyết liệt, có nhiều chuyển biến tích cực. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục ổn định và phát triển, an sinh xã hội được đảm bảo. Ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục duy trì tốp dẫn đầu toàn quốc về chất lượng giáo dục, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2022 đứng thứ nhất toàn quốc về điểm trung bình các môn thi. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Công tác phòng, chống cháy, nổ được tăng cường. Trật tự, an toàn giao thông được triển khai tích cực, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ.
Tại hội nghị, BCH Đảng bộ tỉnh đã thảo luận, đóng góp ý kiến về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Dự thảo Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2022, Dự kiến Kế hoạch đầu tư công năm 2023; Chủ trương điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; Dự thảo báo cáo tổng quyết toán ngân sách Nhà nước tỉnh Nam Định năm 2021. Phương án phân bổ dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước tỉnh Nam Định năm 2023.
Dưới sự điều hành của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị, các đại biểu đã sôi nổi thảo luận, đánh giá khách quan những kết quả ước đạt năm 2022, đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị năm 2023.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2022. Đồng chí cũng chỉ ra những mặt tồn tại, hạn chế cần khắc phục, đồng thời nhấn mạnh, năm 2023 có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đề ra.
Các cấp, các ngành cần tập trung nguồn lực hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của năm 2023. Trong đó giữ vững ổn định và bảo đảm tốc độ tăng trưởng khá của nền kinh tế; tiếp tục triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; huy động mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn, trọng điểm tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, chuyển đổi số, cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Chú trọng phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Quản lý chặt chẽ đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động các biện pháp phòng, chống thiên tai, ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu. Tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội./.
Tin, ảnh: Hoàng Tuấn