Hội nghị NATO, G7 có 'làm khó' Hội nghị Thượng đỉnh Nga – Mỹ?
Giới phân tích cho rằng, các cuộc gặp Thượng đỉnh của G7 và NATO có thể khiến lần 'chạm trán' đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Geneva vào ngày mai (16/6) trở nên kịch tính.
Cả hai Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) vừa diễn ra, đều nhắc nhiều tới các thách thức từ Nga và Trung Quốc.
Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Brussels đêm qua đã ra được tuyên bố chung dài 41 trang; trong đó đáng chú ý là lần đầu tiên Khối này xếp Trung Quốc là thách thức, mối đe dọa an ninh. Tuy nhiên, những thách thức từ Nga vẫn là nội dung chính, giống như tất cả các hội nghị NATO trước đây.
Tại hội nghị, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết: “Theo các đại diện có mặt ở đây, thực tế Nga đang coi NATO không phải là đối tác mà là đối thủ. Những cuộc thảo luận hôm nay đều nổi bật lên một điều rằng, trong số các thách thức, Nga chính là một thách thức lớn”.
Cùng chung quan điểm với các nhà lãnh đạo NATO, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng hi vọng Nga sẽ dừng các hành vi mà các nước phương Tây cho là “khiêu khích” và “hung hăng”. Đây cũng chính là một phần nội dung của tuyên bố chung dài 25 trang của Hội nghị Thượng đỉnh G7 diễn ra ngay trước đó, vốn còn kêu gọi Nga ngừng can thiệp vào tiến trình dân chủ của các quốc gia khác, tuân thủ các điều khoản và đảm bảo các quyền con người.
Tổng thống Mỹ hôm qua khẳng định, các nhà lãnh đạo thế giới đang rất mong chờ cuộc gặp Hội nghị Thượng đỉnh Nga - Mỹ, để có thể truyền đi những thông điệp đó tới người đồng cấp Nga Putin:
“Các nhà lãnh đạo thế giới ở đây với tư cách là thành viên NATO đã phát biểu hôm nay. Hầu hết họ đều đề cập đến Nga, đều cảm ơn tôi vì đã gặp Tổng thống Putin lúc này. Khoảng 10 đến 12 người trong số họ đều vui vì cuộc gặp giữa tôi và ông Putin diễn ra. Cuộc gặp vào lúc này là hoàn toàn phù hợp”.
Dù cùng với đồng minh chỉ trích Nga, song Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định, không muốn tìm kiếm xung đột với Nga, thậm chí muốn thúc đẩy sự hợp tác giữa 2 bên trong những trường hợp cụ thể.
Tổng thống Mỹ cũng thừa nhận người đồng cấp Nga là một đối thủ “xứng tầm”: “Nga - Mỹ nên quyết định vấn đề nào là vì lợi ích chung của 2 bên, vì lợi ích của thế giới để hợp tác. Hãy xem liệu chúng tôi có thể làm được điều đó không. Vẫn có nhiều vấn đề chúng tôi không chung quan điểm, song cần chỉ rõ đâu là ranh giới đỏ. Tôi đã gặp ông Putin. Như người ta thường nói trong bóng đá, ông ấy là một đối thủ xứng tầm”.
Giới chức Nga và Bộ Ngoại giao nước này đã có những phản ứng mạnh mẽ trước các chỉ trích của phương Tây. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharov đã châm trích tuyên bố của G7 rằng họ muốn có mối quan hệ dễ đoán hơn với Nga. Theo bà, khả năng dự đoán của G7 đang gặp vấn đề, bởi quan điểm lập trường của Nga luôn rõ ràng và kiên định.
Còn Tổng thống Nga Putin hi vọng người đồng cấp Mỹ Joe Biden với kinh nghiêm chính trị của mình sẽ không có những hành động “bốc đồng” trong cuộc gặp Hội nghị Thượng đỉnh Nga – Mỹ, kỳ vọng cuộc gặp này sẽ là cơ hội để hai nước cải thiện mối quan hệ:
“Đối với tôi, Hội nghị Thượng đỉnh sẽ giúp khôi phục mối quan hệ của hai nước, thiết lập đối thoại trực tiếp, tạo ra một cơ chế hoạt động để hai bên có thể hợp tác trong các vấn đề cùng quan tâm. Hai bên đều đang cùng quan tâm đến những vấn đề như việc duy trì ổn định chiến lược, giải quyết các cuộc xung đột khu vực… Đây là những vấn đề mà chúng tôi thực sự có thể làm việc với nhau để đạt được hiệu quả”.
Giới phân tích dự báo, cuộc gặp Hội nghị Thượng đỉnh Nga – Mỹ có thể diễn ra trong bầu không khí căng thẳng, khi lãnh đạo 2 nước dự kiến đề cập đến nhiều vấn đề “bất đồng” trong mối quan hệ song phương cũng như trong một loạt vấn đề quốc tế “nóng”. Việc hai bên không có kế hoạch họp báo chung sau cuộc gặp có thể lý giải một phần cho dự báo căng thẳng này./.