Hội nghị nghe Báo cáo phương án Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư

Sáng 17/12, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị nghe Báo cáo phương án Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo các sở: Văn hóa và Thể thao, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo; Văn phòng UBND tỉnh; Hội Khoa học lịch sử tỉnh; lãnh đạo UBND thành phố Ninh Bình, huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan và đại diện đơn vị tư vấn.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đơn vị tư vấn báo cáo phương án Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, giai đoạn 2 về định hướng chiến lược và phát triển không gian, trọng tâm là 3 chuyên đề về: định hướng bảo tồn bền vững di sản cố đô Hoa Lư với 12 nội dung; về phát triển kinh tế di sản; phân vùng chức năng và phát triển không gian.

Đại diện đơn vị tư vấn báo cáo phương án Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư.

Theo đó, định hướng phát triển không gian bảo tồn bền vững Cố đô Hoa Lư đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm các nội dung: Định hướng giới hạn tăng trưởng không gian bảo tồn và phát triển; định hướng phân bố dân cư đô thị, nông thôn; xác định mối liên hệ giữa không gian bảo tồn di tích và xây dựng mới; định hướng bảo tồn và phát triển không gian di sản; định hướng phát triển không gian du lịch; định hướng phát triển không gian trung tâm, các khu vực trọng điểm; định hướng phát triển không gian giao thông; định hướng phát triển không gian xanh, mặt nước; định hướng phát triển không gian mở, không gian cộng đồng; định hướng phát triển không gian cư trú; định hướng phát triển không gian hạ tầng kỹ thuật; định hướng phát triển không gian dịch vụ và tiện ích; định hướng phát triển không gian tạo việc làm; định hướng phát triển không gian sinh thái môi trường; định hướng phát triển không gian thẩm mỹ và phong cách.

12 ý tưởng trong phân vùng chức năng và phát triển không gian được đơn vị tư vấn đưa ra gồm: hồi sinh cố đô Hoa Lư với diện mạo văn hóa, văn minh và văn hiến; chiến lược phát triển đô thị cố đô-di sản Ninh Bình; mô hình chiến lược bảo tồn bền vững Cố đô Hoa Lư; cấu trúc đô thị di sản trung tâm-Cố đô Hoa Lư; đô thị lịch sử, tái hiện các không gian truyền thống...

Các phân vùng được thiết lập, tổ chức trên cơ sở chuyển hóa không gian chức năng, cảnh quan hiện hữu, xen cài các khu vực chuyên đề theo đặc trưng di sản, khu vực phát triển mới, khu vực tương tác phát triển, hệ thống hạ tầng kinh tế, xã hội, hạ tầng văn hóa, du lịch, hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật.

Trong đó, các chức năng chuyên đề về di sản, chức năng văn hóa, bảo tàng trong nhà, bảo tàng mở, bảo tàng ngoài trời, thư viện, các khu vực biểu diễn, trình diễn lễ hội, festival, nghiên cứu chuyên sâu, dịch vụ du lịch, thương mại, tài chính, các quần cư di sản đóng vai trò chủ đạo.

Đối với kinh tế di sản, thương hiệu và hệ thống sản phẩm bao gồm các nội dung về cơ sở thực tiễn về bảo tồn di sản và phát triển kinh tế; những nghịch lý trong phát triển du lịch; hiệu năng của kinh tế di sản và công nghiệp văn hóa; xu hướng du lịch văn hóa và các lợi thế đối với các loại hình du lịch khác; bảo tồn di sản và phát triển kinh tế địa phương…

Phát biểu góp ý vào phương án Quy hoạch, các đại biểu đã đánh giá Quy hoạch có nhiều điểm mới, tầm nhìn rộng, xứng tầm là một quy hoạch dài hơi.

Các ý kiến tập trung vào các vấn đề: trong xây dựng quy hoạch cần quan tâm các yếu tố về văn hóa vật thể, phi vật thể; cần có thêm các ý kiến của chuyên gia, học giả đánh giá, bổ sung; về kinh tế di sản, nghiên cứu kỹ về xu thế trên thế giới để xác định xu hướng du lịch văn hóa và các lợi thế đối với các loại hình du lịch khác và bảo tồn di sản, phát triển kinh tế địa phương.

Đặc biệt, quy hoạch cần có tầm nhìn, thống nhất giữa các quy hoạch, tránh sự xung đột trong quá trình thực hiện; xác định sự ưu tiên trong xây dựng quy hoạch để điều chỉnh các vấn đề liên quan; về định hướng không gian chức năng phân vùng, đề nghị đơn vị tư vấn xem xét lại, tránh trùng với quy hoạch vùng, huyện các địa phương đang xây dựng; đơn vị tư vấn cần quan tâm nghiên cứu để phục dựng, tái tạo khộng gian văn hóa đảm bảo phản ánh đầy đủ các giai đoạn lịch sử; đầu tư mạnh đối với công tác khảo cổ học…

Sau khi nghe đại diện các sở, các địa phương, Hội Khoa học lịch sử đóng góp ý kiến, đại diện đơn vị tư vấn đã trao đổi, làm rõ thêm các nội dung đại biểu nêu.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Quang Thìn phát biểu kết luận hội nghị.

Kết luận hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Quang Thìn nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư trong quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung đô thị Ninh Bình và định hướng xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ, phát triển công nghiệp văn hóa, hướng tới là trung tâm tổ chức sự kiện của tỉnh và quốc gia.

Đồng chí cũng lưu ý vấn đề xung đột giữa câu chuyện phát triển và bảo tồn. Vì vậy, đề nghị cần có quan điểm thống nhất trong bảo tồn, tôn tạo và phát huy Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, là cơ sở để Ninh Bình hướng tới xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ, tới năm 2030 cơ bản đạt các tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương và đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thống nhất về mặt chủ trương đối với các nội dung mà đơn vị tư vấn đề cập. Đồng thời đề nghị đơn vị tư vấn tôn trọng các quy hoạch đã được phê duyệt, tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương hoàn chỉnh Báo cáo phương án quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bùi Diệu - Minh Quang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/hoi-nghi-nghe-bao-cao-phuong-an-quy-hoach-bao-quan-tu-bo/d20231217144333178.htm