Hội nghị Ngoại trưởng NATO 2025: Phép thử chiến lược giữa tâm bão mâu thuẫn
Trong hai ngày 3-4/4, Ngoại trưởng các nước thành viên NATO đã nhóm họp tại Brussels (Bỉ), trong khuôn khổ cuộc họp mùa xuân thường kỳ, đóng vai trò như một 'buổi diễn tập' quan trọng trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh NATO dự kiến diễn ra vào tháng 6 tại La Haye (Hà Lan).
Trên bề mặt, hội nghị lần này diễn ra trật tự, với những cam kết quen thuộc: tăng cường quốc phòng, hỗ trợ Ukraine, thúc đẩy đoàn kết. Nhưng dưới lớp vỏ hào nhoáng ấy là một NATO đang đối diện với những mâu thuẫn ngày càng lớn về chiến lược, mục tiêu và khả năng hành động tập thể.
Một trong những vấn đề then chốt phơi bày sự bất đồng là câu chuyện chi tiêu quốc phòng. Trong khi Mỹ thúc ép các đồng minh châu Âu và Canada nâng mức đầu tư quốc phòng lên tới 3-5% GDP, thì phần lớn các nước còn lại vẫn chật vật với mục tiêu 2% vốn đã được đưa ra từ hơn một thập kỷ trước. Ngoại trưởng Canada Mélanie Joly không ngần ngại nói thẳng rằng muốn tăng ngân sách quốc phòng, các nước thành viên cần một sự đồng thuận rõ ràng về mối đe dọa mà NATO phải đối mặt.

Tổng Thư ký NATO Mark Rutte.
Bà đặt câu hỏi: “Nếu không coi Nga là mối đe dọa trực tiếp thì tại sao phải chi thêm hàng chục tỷ USD mỗi năm cho quốc phòng?”. Đây không chỉ là phản ứng của một quốc gia, mà là hồi chuông cảnh báo về sự phân hóa chiến lược trong lòng NATO. Chưa dừng lại ở đó, vấn đề Ukraine tiếp tục là tâm điểm gây chia rẽ. Dù NATO khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Kiev “lâu dài đến khi nào còn cần thiết”, nhưng thực tế là sự mệt mỏi chiến lược đang len lỏi vào các hành lang quyền lực phương Tây.
Một số nước Đông Âu, đặc biệt là Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic, muốn NATO tăng tốc kết nạp Ukraine, hoặc ít nhất là thiết lập một lộ trình rõ ràng. Trong khi đó, các nước như Đức, Pháp, thậm chí cả Mỹ lại e ngại điều này sẽ vượt “lằn ranh đỏ” và dẫn tới đối đầu trực tiếp với Nga. Tổng Thư ký NATO Mark Rutte đã cố gắng giữ giọng điệu trung dung khi tuyên bố rằng, con đường gia nhập của Ukraine là “không thể đảo ngược”, nhưng cũng không cam kết về một thời điểm cụ thể. Câu trả lời đó càng cho thấy sự do dự trong khối về tương lai dài hạn của mối quan hệ Ukraine - NATO.
Bên ngoài vấn đề Ukraine, hội nghị còn được phủ bóng bởi áp lực từ những thay đổi địa chính trị lớn hơn. Cuộc bầu cử Mỹ cuối năm 2024 đưa ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng, làm dấy lên nghi vấn về cam kết lâu dài của Washington với NATO.
Một số nước châu Âu đã công khai bàn tới việc châu Âu cần “trở nên NATO hơn” - một cách nói ẩn dụ về việc phải tự chủ hơn trong quốc phòng khi không thể mãi lệ thuộc vào Mỹ. Tuy nhiên, khi nhìn vào thực lực, số nước đạt chuẩn chi tiêu 2% GDP mới chỉ đếm trên đầu ngón tay, nói gì đến việc xây dựng một trục phòng thủ độc lập. Nghịch lý này đặt NATO vào thế lưỡng nan: vừa cần Mỹ như một trụ cột, vừa phải chuẩn bị cho một tương lai không có Mỹ hậu thuẫn toàn diện.
Thách thức còn đến từ chính tham vọng toàn cầu hóa NATO. Việc mời các đối tác khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand tham dự hội nghị là tín hiệu cho thấy NATO đang dần rẽ sang hướng tiếp cận toàn cầu. Song đây cũng là điểm gây tranh cãi lớn. Pháp và một số nước châu Âu tỏ ra không mặn mà với ý tưởng biến NATO thành một liên minh “xuyên hành tinh”. Họ lo ngại điều này sẽ làm loãng sứ mệnh ban đầu, đồng thời kéo châu Âu vào những cuộc đối đầu xa lạ với lợi ích cốt lõi. Việc kế hoạch mở văn phòng liên lạc của NATO tại Tokyo bị trì hoãn vô thời hạn là minh chứng rõ rệt cho sự ngập ngừng này.
Trong khi Mỹ muốn NATO hiện diện mạnh mẽ hơn ở châu Á như một đối trọng với Trung Quốc, thì không phải tất cả các đồng minh đều sẵn sàng trả giá. Vấn đề chi tiêu quốc phòng - tưởng chừng chỉ là câu chuyện ngân sách - thực chất là một điểm tựa để soi chiếu toàn bộ mâu thuẫn nội tại của NATO. Đằng sau những con số là cuộc mặc cả địa chính trị giữa các thành viên: Ai là người gánh vác nhiều hơn? Ai được hưởng lợi nhiều hơn? Và quan trọng nhất, đâu là mục tiêu dài hạn mà NATO hướng tới? Khi không có sự đồng thuận vững chắc về mối đe dọa chung hay vai trò toàn cầu, các con số tài chính trở thành mồi lửa cho những xung đột ngấm ngầm.
Tất cả những bất đồng trên, nếu không được giải quyết thấu đáo, có thể khiến NATO rơi vào tình trạng “mạnh ai nấy lo” - một liên minh chỉ tồn tại trên giấy tờ, nhưng thiếu năng lực phản ứng thống nhất trước các biến cố lớn. Trong một thế giới mà các thách thức an ninh đang trở nên phi truyền thống và đa tầng, sự chia rẽ nội bộ chính là nguy cơ lớn nhất mà NATO phải đối mặt.
Hội nghị tại Brussels có thể sẽ được nhớ đến không phải vì những tuyên bố ủng hộ Ukraine hay lời hứa tăng chi tiêu, mà bởi nó đánh dấu một bước ngoặt: thời điểm mà các mâu thuẫn nội bộ của NATO không còn có thể che giấu bằng những thông cáo chung bóng bẩy. Từ đây, NATO hoặc sẽ phải cải tổ mạnh mẽ để thích ứng với một trật tự thế giới mới, hoặc sẽ trượt dần vào tình trạng trì trệ và phản ứng chậm trước các nguy cơ đang gia tăng.
Thay vì tiếp tục mở rộng về địa lý và nhiệm vụ trong khi nội bộ còn đầy rạn nứt, điều NATO cần lúc này là một cuộc đối thoại chiến lược thẳng thắn - không phải chỉ với các đối thủ bên ngoài, mà với chính các đồng minh bên trong. Chỉ khi những khác biệt được thừa nhận và giải quyết trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, liên minh mới có thể duy trì được vị thế như một lực lượng đảm bảo an ninh tập thể vững chắc. Còn nếu cứ tiếp tục bước đi trên hai con đường vừa mở rộng vừa chia rẽ, thì điều đang chờ đợi NATO phía trước sẽ không phải là sự vững mạnh, mà là một cuộc khủng hoảng bản sắc - đúng vào thời điểm thế giới cần sự ổn định hơn bao giờ hết.