Hội nghị quốc tế về gene lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam
Ngày 15/4, tại TP Đà Nẵng, hơn 200 đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế tham dự Hội nghị nghiên cứu khoa học về gene PRISM 2025. Đây là lần đầu tiên hội nghị được tổ chức tại Việt Nam và là lần thứ 2 tại Đông Nam Á. Các sự kiện tiếp theo sẽ được tổ chức tại Athens, Hy Lạp; San Francisco và Boston, Hoa Kỳ.
Hội nghị diễn ra trong hôm nay và ngày mai (16/4), quy tụ hàng trăm chuyên gia trong nước và quốc tế cùng trao đổi ý tưởng, công nghệ và xu hướng mới trong lĩnh vực giải trình tự gene.
"PRISM là sự kiện toàn cầu hàng đầu, quy tụ các chuyên gia và nhà nghiên cứu geneomics từ khắp nơi trên thế giới để trao đổi ý tưởng, thúc đẩy khám phá khoa học. Việc tổ chức sự kiện năm nay tại Việt Nam cũng đại diện cho một cơ hội nhằm tạo gắn kết với cộng đồng khoa học tài năng của đất nước", Giám đốc Marketing khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Công ty Công nghệ khoa học đời sống Lyndsey Lam, chia sẻ.


Hội nghị thu hút nhiều nhà khoa học trên thế giới.
Theo Giám đốc Marketing khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của PacBio, Việt Nam đang phát triển mạnh về khoa học gene với tốc độ tăng trưởng ấn tượng 21-22% CAGR (2019-2023). Với định hướng phát triển, cơ sở hạ tầng ngày càng mở rộng và sự hỗ trợ của Chính phủ cho công nghệ sinh học, Việt Nam là nơi lý tưởng để quy tụ các quan điểm đa dạng từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tạo cơ hội trao đổi kiến thức và phát triển khoa học.
PGS.BS Vũ Chí Dũng, Phó Chủ tịch Hội Di truyền Y học Việt Nam, cho biết, những năm gần đây, các kỹ thuật giải trình gene thế hệ mới không ngừng được cải tiến, đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu khoa học, sinh học và đặc biệt là y học.
“Giải trình gen giúp chẩn đoán sớm và chính xác các bệnh di truyền, bất thường bẩm sinh hiếm gặp và bệnh lý phức tạp như ung thư. Hội nghị trình bày công nghệ cho phép phát hiện các bất thường cấu trúc nhỏ trong hệ gen người như mất đoạn, lặp đoạn,… ngay từ khi còn trong bụng mẹ và sau khi sinh. Trong 3–5 năm tới, công nghệ này sẽ được ứng dụng rộng rãi trong y học chính xác tại Việt Nam”, PGS.BS Vũ Chí Dũng, Phó Chủ tịch Hội Di truyền Y học Việt Nam, nhận định.