Hội nghị sơ kết 6 tháng ngành Công Thương: Các địa phương kiến nghị gì?
Đại diện các địa phương kiến nghị nhiều giải pháp để phát triển ngành Công Thương trong thời gian tới tại Hội nghị sơ kết 6 tháng ngành Công Thương sáng 14/7.
Lĩnh vực Công Thương đóng góp lớn cho kinh tế địa phương
Theo đánh giá của các địa phương tham dự hội nghị, lĩnh vực Công Thương đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế các địa phương trong những năm qua, cũng như nửa đầu năm 2022.
Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền giám đốc Sở Công Thương Hà Nội chia sẻ, trong 6 tháng đầu năm 2022, các chỉ tiêu kinh tế của Hà Nội đã phục hồi mạnh mẽ. Cụ thể, GRDP tăng 7,79% - gấp 1,29 lần mức tăng cùng kỳ năm 2021 và 1,08 lần mức tăng cùng kỳ năm 2019. Trong đó, dịch vụ tăng 9,05%; công nghiệp tăng 6,73%.
Kim ngạch xuất khẩu đạt 8,32 tỷ USD, tăng 17,1%. Kim ngạch nhập khẩu đạt 20,49 tỷ USD, tăng 24,5%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 336,01 tỷ đồng, tăng 16,5%. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 6,6%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ (8,7%).
Tham luận tại hội nghị, ông Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, 6 tháng đầu năm, Sở Công Thương Thái Nguyên đã chủ động triển khai các chương trình, kế hoạch hành động, linh hoạt trong điều hành, tập trung rà soát, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển.
Nhờ đó, đã đạt được những kết quả tích cực: Giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp tăng 8,48%, tăng cao hơn so với mức tăng chung của toàn nền kinh tế (tăng 6,42%) và tăng cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm trước (6 tháng/2021 tăng 5,74%); quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng; chỉ số tiêu thụ và chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cải thiện theo hướng tích cực.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 28,4%), đạt gần 186 tỷ USD; Cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu 710 triệu USD, góp phần tích cực cho cho cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế...
Từ điểm cầu Quảng Ngãi, ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho hay, thời gian qua, ngành Công Thương đã tập trung thực hiện kịp thời, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phục hồi, phát triển kinh tế của Quốc hội, Chính phủ, của Tỉnh đề ra; nhờ đó, tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại 6 tháng đầu năm khởi sắc, thúc đẩy kinh tế tỉnh tăng trưởng.
Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) theo giá so sánh 2010 đạt 27.343 tỷ đồng, tăng 6,34% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, giá trị tăng thêm công nghiệp ước đạt 8.541,16 tỷ đồng, tăng 6,23%; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 57.458 tỷ đồng, tăng 6,03%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,03%, riêng công nghiệp chế biến chế tạo tăng 5,89%.
Giá trị tăng thêm ngành dịch vụ đạt 7.726,83 tỷ đồng, tăng 4,16%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 31.670 tỷ đồng, bằng 57% kế hoạch năm và tăng 11,6% ; kim ngạch xuất khẩu đạt 1.097 triệu USD, băng 60% kế hoạch năm và tăng 25%; kim ngạch nhập khẩu đạt 1.728 triệu USD, tăng 30,4%.
“Điều đó cho thấy, kinh tế tỉnh Quảng Ngãi nói chung, ngành công nghiệp, thương mại nói riêng đã phục hồi và phát triển, đặc biệt ngành công nghiệp phục hồi nhanh và là ngành giữ được vai trò động lực chính, thúc đẩy tăng trưởng của tỉnh trong 06 tháng đầu năm 2022” - ông Hiền chia sẻ.
Riêng với Đắk Lắk, ông Lưu Văn Khôi - Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk thông tin, trong 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh ước tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021; tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt gần 52 nghìn tỷ đồng, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Về kim ngạch xuất khẩu, 6 tháng 2022 đạt được là 845 triệu USD, tăng 61,7% so với cùng kỳ năm trước và đạt được 70,4 % so với kế hoạch. Trong các mặt hàng xuất khẩu của Đắk Lắk, mật ong là mặt hàng thế mạnh. Kim ngạch nhập khẩu trong 6 tháng đạt khoảng 170 triệu USD, đạt 178% kế hoạch đề ra, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm trước. Đối với tình hình kinh doanh xăng dầu, toàn tỉnh Đắk Lắk có 21 doanh nghiệp, trong đó có 6 doanh nghiệp trong tỉnh và 15 doanh nghiệp ngoài tỉnh.
Kiến nghị nhiều giải pháp với ngành Công Thương
Bà Trần Thị Phương Lan khẳng định, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố Hà Nội và ngành Công Thương Thủ đô trong 6 tháng cuối năm là phấn đấu cơ bản hoàn thành trước ngày 31/12/2022 nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Do đó, Hà Nội đề nghị Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan sớm trình phê duyệt các Quy hoạch, Chiến lược, Đề án phát triển ngành, lĩnh vực Công Thương làm cơ sở cho ngành Công Thương thành phố Hà Nội nói riêng và các tỉnh, thành phố nói chung làm xác định định hướng, giải pháp phát triển ngành, lĩnh vực đảm bảo phù hợp với định hướng chung, đảm bảo tính liên kết vùng, liên vùng.
“Hà Nội đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan tham mưu với Chính phủ có các giải pháp pháp nhằm ổn định nguồn cung, ổn định giá xăng dầu và các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ sản xuất nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp” - bà Trần Thị Phương Lan đề xuất.
Kiến nghị với ngành Công Thương, ông Lê Quang Tiến đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm giúp đỡ tỉnh Thái Nguyên triển khai các nhiệm vụ quan trọng trong năm 2022 và các năm tiếp theo như: Triển khai các dự án đầu tư trọng điểm trên địa bàn tỉnh, các dự án hạ tầng Khu, cụm công nghiệp, các tuyến đường giao thông liên kết vùng, khu công nghệ thông tin tập trung… Bên cạnh đó, quan tâm đến các dự án điện trên địa bàn tỉnh.
Đối với tỉnh Quảng Ngãi, ông Trần Phước Hiền đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét sớm chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Đồng thời, quan tâm, bố trí nguồn lực, hỗ trợ, mời gọi, thu hút đầu tư vào tỉnh Quảng Ngãi hình thành Khu công nghiệp hóa chất tập trung và trung tâm logistics để phát triển công nghiệp hóa chất ở tỉnh Quảng Ngãi.
Tại Đắk Lắk, ông Lưu Văn Khôi bày tỏ mong muốn Bộ Công Thương quan tâm, ủng hộ việc điều chỉnh chỉ tiêu đất công nghiệp cho tỉnh; tạo điều kiện cho Đắk Lắk phát triển năng lượng tái tạo...
Về lĩnh vực thương mại, tỉnh mong muốn các đơn vị của Bộ kết nối với các Tập đoàn, các hệ thống phân phối để tăng cường, tiếp nhận những sản phẩm nông sản của Đắk Lắk tiêu thụ tại thị trường nội địa. Bên cạnh đó, cũng giúp địa phương kết nối, quảng bá, xúc tiến thương mại các mặt hàng nông sản để thâm nhập sâu hơn nữa vào các thị trường xuất khẩu, kể cả các thị trường truyền thống, cũng như mở rộng thị trường mới theo các Hiệp định thương mại tự do.
Nhóm phóng viên