Hội nghị tham gia ý kiến vào các dự thảo luật

Ngày 18/10, đồng chí Hoàng Thị Đôi, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì Hội nghị tham gia kiến vào dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và Luật Thủ đô (sửa đổi). Dự Hội nghị có lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và các huyện, thành phố.

Hội nghị tham gia kiến vào dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và Luật Thủ đô (sửa đổi).

Hội nghị tham gia kiến vào dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và Luật Thủ đô (sửa đổi).

Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) gồm 154 điều, 9 chương; trong đó, bổ sung 54 điều mới, sửa đổi 93 điều và giữ nguyên 7 điều. So với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Dự thảo Luật giảm 2 chương, tăng thêm 57 điều. Việc sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân để tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Tòa án nhân dân; xây dựng hệ thống Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Sau hơn 10 năm thi hành Luật Thủ đô, việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp, quy định đề ra trong Luật còn nhiều tồn tại, hạn chế trong các lĩnh vực, như: Xây dựng, hoàn thiện thể chế, quản lý, sử dụng đất, cơ chế tài chính, chính sách liên kết vùng; quản lý dân cư, bảo vệ Thủ đô; chính sách an sinh xã hội... Do đó, việc ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) là rất cần thiết. Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 7 chương, 59 điều, tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012.

Các đại biểu tham gia ý kiến tại Hội nghị.

Các đại biểu tham gia ý kiến tại Hội nghị.

Đối với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), các đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án; điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ; hoàn thiện tổ chức bộ máy của Tòa án; đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Tòa án; đổi mới chế định nhân dân tham gia xét xử…

Nhất trí với các nhóm vấn đề được đề cập đến trong Dự thảo luật Thủ đô (sửa đổi), các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật Thủ đô sau hơn 10 năm thi hành là rất cần thiết nhằm khắc phục những bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để thực hiện các cơ chế đặc thù, vượt trội, giúp khai thác hiệu quả các nguồn lực cho Thủ đô phát triển bứt phá.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiếp thu, tổng hợp các ý kiến tham gia của các đại biểu và sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, sửa đổi tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.

Duy Tùng

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/dien-dan-cu-tri/hoi-nghi-tham-gia-y-kien-vao-cac-du-thao-luat-t74QiWnIg.html